Thứ 6, 05/07/2024 14:37:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Môi trường 08:53, 29/06/2021 GMT+7

Đến lúc cần phải cấm

N.V
Thứ 3, 29/06/2021 | 08:53:57 547 lượt xem
BPO - Túi ni-lon xuất hiện trong đời sống xã hội cách đây khoảng 150 năm, do nhà hóa học người Anh là Alexander Parkes phát minh. Sau túi ni-lon là các loại chai, lọ, bình, can, thùng phuy và các loại vật dụng đơn giản trong gia đình, công sở cũng ra đời. Sự xuất hiện của túi ni-lon và các loại vật dụng thông thường trong đời sống đã mang lại nhiều tiện lợi, nhất là trong việc bao gói hàng hóa nên được khắp nơi trên thế giới sử dụng. Mặc dù mang lại tiện ích rất lớn nhưng túi ni-lon cũng đã và đang là tác nhân không nhỏ dẫn đến ô nhiễm môi trường cũng như sức khỏe của con người.

Nguy hại cho môi trường và con người

Để sản xuất được túi ni-lon, nhà sản xuất phải sử dụng nguyên liệu đầu vào là dầu mỏ và khí đốt cùng với các chất phụ gia. Các chất phụ gia này chủ yếu là chất hóa dẻo, phẩm màu, kim loại nặng. Vì vậy, quá trình sản xuất túi ni-lon sẽ tạo ra khí C02, làm tăng hiệu ứng nhà kính, tăng nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu. Và tác hại nguy hiểm nhất của túi ni-lon tới môi trường chính là tính chất rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Chiếc túi ni-lon nhỏ bé và mỏng manh nhưng lại có quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500-1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời. Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, bởi túi ni-lon lẫn vào đất sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.

Xử lý rác thải nhựa là bài toán khó ở nhiều quốc gia - ảnh internet

Các nhà khoa học cho biết, túi ni-lon và các loại vật dụng thông thường được làm từ dầu mỏ nguyên chất, nên khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước. Còn nếu xử lý bằng việc đốt bỏ thì chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây bệnh ung thư, giảm khả năng miễn dịch… Hiện nay, nhiều người có thói quen sử dụng túi ni-lon để đựng thực phẩm tươi sống và cả thực phẩm còn nóng mà không hề biết rằng túi ni-lon khi gặp nhiệt độ nóng sẽ thôi nhiễm các kim loại nặng như cadimi, chì gây ung thư não và phổi. Chính vì vậy, nếu chúng ta sử dụng túi ni-lon để đựng đồ ăn nóng thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Chính vì sự tiện lợi của túi ni-lon nên nó có mặt ở mọi lúc, mọi nơi, kể cả ở ngoài biển. Và túi ni-lon là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều loại sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng vì ăn phải. Hằng năm, trên thế giới có trăm ngàn cá voi, cá heo, rùa biển, hải cẩu… bị giết chết vì ô nhiễm chất thải nhựa, đặc biệt là túi ni-lon dùng 1 lần. Theo thống kê, trung bình 1 hộ gia đình Việt Nam sử dụng 5-7 túi ni-lon/ngày. Như vậy, mỗi ngày sẽ có hàng triệu túi ni-lon được sử dụng và thải ra môi trường. Chỉ tính riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày 2 thành phố lớn nhất của cả nước đang thải ra khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi ni-lon. Nguy hại hơn là lượng túi ni-lon này đang tăng dần theo từng năm. Trong khi đó, việc tái chế rác thải ni-lon ở Việt Nam còn hạn chế, vì chúng ta chưa có điều kiện tiếp cận công nghệ hiện đại do quá đắt, mà chủ yếu là tiêu hủy bằng cách đốt bỏ. Do đó, nguy cơ ô nhiễm là rất lớn. 

Hãy nói không với ni-lon

Trước tác hại của rác thải nhựa, nhất là các loại túi ni-lon, chai nhựa sử dụng 1 lần, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã tổ chức các chiến dịch tuyên truyền nhằm thay thế túi ni-lon bằng túi tái chế. Mục đích là nhằm hạn chế sử dụng túi ni-lon và tiến tới loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng túi ni-lon, chai nhựa sử dụng 1 lần nhằm bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ các loài sinh vật trên trái đất trước nguy cơ tuyệt chủng do thói quen sử dụng túi ni-lon của con người. Thậm chí, có nhiều quốc gia đã ra lệnh cấm sử dụng túi ni-lon ở một số địa điểm. Cụ thể là từ tháng 10-2018, tại Hàn Quốc, các siêu thị, cửa hàng bán bánh kẹo đều bị cấm cung cấp miễn phí túi ni-lon cho khách hàng. 

Tại Chile, Tòa án hiến pháp nước này vừa qua cũng đã phê chuẩn dự luật cấm các doanh nghiệp sử dụng túi ni-lon, mở đường cho Chile trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Mỹ Latinh áp dụng biện pháp bảo vệ môi trường bằng biện pháp này. Tại Kenya, bất kỳ ai ở nước này bị phát hiện bán, sản xuất, hoặc sử dụng túi ni-lon đều có thể bị phạt tới 38.000 USD, hoặc phải lĩnh án tới 4 năm tù giam. Ở châu Phi, hiện còn có một số quốc gia khác cũng đã cấm túi sử dụng ni-lon, bao gồm Nam Phi, Rwanda và Eritrea. Tại Mỹ, California và New York là 2 bang đã ban hành lệnh cấm sử dụng túi ni-lon. 

Thế nhưng ở Việt Nam, hiện nay túi ni-lon vẫn là vật dụng được sử dụng rất phổ biến. Người người, nhà nhà đều sử dụng túi ni-lon để đựng bất cứ thứ gì có thể. Có thể nói, ở nước ta, túi ni-lon đã trở thành vật dụng không thể thiếu. Tại các bến tàu, bến xe đều có bán nước đóng chai nhựa sử dụng 1 lần. Thậm chí, ngay cả trên các chuyến xe chở khách đường dài hay nội thành, nội tỉnh đều có nước đóng chai nhựa sử dụng 1 lần phát miễn phí cho khách. Thế nhưng, trước xu thế chung của toàn cầu là tiến tới loại bỏ việc sử dụng túi ni-lon, chai nhựa sử dụng 1 lần, đã đến lúc Việt Nam phải tính đến việc hạn chế dần và tiến tới cấm hẳn việc sử dụng ni-lon. Người dân cũng cần phải làm quen dần với các loại túi đựng thân thiện với môi trường hơn.

Để thực hiện được vấn đề này, trước hết Nhà nước phải có chính sách khuyến khích người sản xuất, người tiêu dùng sử dụng túi tái chế thay túi ni-lon để góp phần bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ sức khỏe mỗi người. Đối với các cơ quan, đơn vị, trường học cần thực hiện nghiêm chủ trương này, cụ thể là tuyệt đối không sử dụng nước uống đóng bằng chai nhựa sử dụng 1 lần. Đồng thời, tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị gương mẫu trong việc nói không với túi ni-lon, chai nhựa sử dụng 1 lần và các loại đồ gia dụng bằng nhựa. Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta hôm nay và mai sau.

  • Từ khóa
125553

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu