Thứ 6, 05/07/2024 15:33:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Môi trường 05:10, 24/04/2021 GMT+7

Nghịch lý ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Ngọc Bích
Thứ 7, 24/04/2021 | 05:10:00 975 lượt xem
BPO - Tổng diện tích trên 25.600 ha và hệ sinh thái phong phú, Vườn quốc gia Bù Gia Mập có vai trò là rừng phòng hộ đầu nguồn. Vườn đã đảm bảo nguồn nước cho các hồ chứa của thủy điện Srok Phu Miêng, Cần Đơn, Thác Mơ. Đây còn là nơi bảo vệ, lưu trữ nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng. Tuy nhiên, hiện đời sống của cán bộ kiểm lâm, cộng đồng người nhận khoán, bảo vệ rừng lại thiếu nước sạch để sinh hoạt. Nghịch lý này diễn ra liên tục, kéo dài trong những năm gần đây.

Tranh thủ những cơn mưa đầu mùa, chốt cộng đồng bon Bù PRăng 1 làm máng xối tạm thời để hứng nước mưa dự trữ

Lý do vì sao tại một nơi được xem là trung tâm dự trữ nước của tỉnh nói riêng và khu vực nói chung lại thiếu nước sạch sinh hoạt? Và giải pháp nào để khắc phục tình trạng này vẫn là bài toán đặt ra cho Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập cùng những đơn vị liên quan.

Mùa mưa vẫn… thiếu nước

Có giếng, thậm chí 1 trạm có 2 giếng vẫn thiếu nước sạch để sinh hoạt. Những chốt không có giếng phải làm máng xối hứng nước mưa dự trữ để sinh hoạt. Đây là tình trạng chung đang diễn ra tại các trạm, chốt kiểm lâm và cộng đồng nhận khoán tại vườn. Giải pháp đó chỉ mang tính trước mắt. Vì vậy, cán bộ, nhân viên các trạm, chốt kiểm lâm, cộng đồng nhận khoán cuối phải tìm đến các con suối gần nhất để tắm, giặt và lấy nước về sử dụng.

Anh Phạm Văn Cường, nhân viên Trạm kiểm lâm số 2 chuẩn bị bữa cơm trưa trong tình trạng phải tiết kiệm nước nhất có thể

Sau tuần tra bảo vệ rừng về, anh Phạm Văn Cường, nhân viên Trạm kiểm lâm số 2 chuẩn bị bữa cơm trưa cho các anh em cùng đội. Để tiết kiệm, anh mở vòi nước thật nhỏ vừa đủ để làm sạch mớ rau, rồi tận dụng rửa cà chua. Hiện nay, dù đã có một số cơn mưa nhưng nước sạch để phục vụ sinh hoạt tại Đội kiểm lâm số 2 vẫn thiếu. “Trạm có 2 giếng, mùa mưa đơn vị lấy nước ở giếng bên trên bờ hồ có độ sâu 25m, mùa khô sử dụng giếng ở lòng hồ với độ sâu 3m. Tuy nhiên, mùa khô nắng nóng kéo dài thì giếng sâu cũng bị khô nước. Còn mùa mưa thì nước tràn lòng hồ, phù sa tràn vào giếng nên không sử dụng được. Anh em phải sử dụng rất tiết kiệm. Nước chỉ sử dụng ăn uống, còn tắm rửa và giặt quần áo phải chạy xe đến suối cách đây cả cây số” - anh Cường cho biết.

Mùa mưa đến, giếng ở lòng hồ bị phù sa, bụi, rác tràn xuống khiến nguồn nước bị ô nhiễm

Đơn vị nhận khoán cộng đồng bon Bù PRăng 1 cũng đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Do chốt cộng đồng này không có giếng. Hiện nước sử dụng sinh hoạt phụ thuộc vào nguồn nước mưa hứng được để dự trữ dùng dần. “Tại đây, rất khó khăn về nước sạch để sinh hoạt. Những lúc thiếu nước nghiêm trọng thì nước uống, nước dùng sinh hoạt, nước tắm anh em đều ra suối lấy. Lãnh đạo vườn có hỗ trợ nước sạch cho chốt 1 lần/tháng, hoặc nhiều hơn tùy vào tình hình thực tế” - anh Điểu Tương, đơn vị nhận khoán cộng đồng bon Bù PRăng 1 cho biết.

Cao điểm mùa khô, nhiều trạm thiếu nước vẫn gọi điện xin lãnh đạo vườn cấp nước. Vườn trưng dụng xe phòng cháy, chữa cháy để chở nước sạch cho các đơn vị. Từ vườn vận chuyển nước vào đơn vị gần nhất cũng 20km, đơn vị xa nhất khoảng 90km, trong khi xe phòng cháy, chữa cháy chỉ có 1 chiếc. Hiện nay, việc xoay xở nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt còn khó khăn. Đặc biệt trong mùa khô. Chưa kể đến phải đảm bảo nguồn nước để phục vụ phòng cháy, chữa cháy.

Ông Nguyễn Cảnh Đồng
Cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Bù Gia Mập


Cần sớm tháo gỡ khó khăn

Hiện các trạm, chốt, cộng đồng nhận khoán ở trong rừng chỉ một số ít có giếng. Nguồn nước sinh hoạt chủ yếu từ nước mưa và vườn cung cấp. Nước phục vụ nhu cầu khác phụ thuộc vào các con suối. Ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết: Hiện vườn có 10 trạm kiểm lâm, 8 chốt của kiểm lâm và 10 chốt cộng đồng nhận khoán. Trong đó, hơn 20 điểm chốt cán bộ kiểm lâm và cộng đồng ở thiếu nước sinh hoạt. Việc dùng xe phòng cháy, chữa cháy rừng vừa tiếp nước cho công tác phòng cháy, chữa cháy vừa tiếp nước sinh hoạt trong mùa khô nên rất khó khăn. Vườn đã chọn phương án đào giếng nhưng chỉ đào vài mét là gặp phải đá. Thậm chí một số nơi đào được giếng thì nguồn điện không đảm bảo  bơm nước. Việc sử dụng nước suối không phải là phương án lâu dài. Vì phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thời tiết diễn biến rất thất thường. Mùa khô nước cạn, mùa mưa lượng phù sa lớn khiến nước suối bị đục, không thể sử dụng được.

Cộng đồng nhận khoán sử dụng nước suối làm nước sinh hoạt

Dù là nơi có hệ thống suối và thác dày đặc, mạch nước ngầm nhiều nhưng nguồn nước sinh hoạt vẫn là vấn đề nan giải đối với Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Đây là nghịch lý cần sớm được tháo gỡ. Đặc biệt, trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt như hiện nay.

Nếu những khó khăn hiện nay của vườn được tháo gỡ kịp thời thì đời sống của cán bộ, nhân viên các trạm, chốt kiểm lâm, cộng đồng nhận khoán được cải thiện tốt hơn. Từ đó giúp vườn thực hiện tốt hơn nữa vai trò bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước đầu nguồn cũng như hệ sinh thái trong khu vực.

Theo Khoản 1, Điều 1 Nghị định số 76/2019/NĐ-CP, ngày 8-10-2019 về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cán bộ kiểm lâm vùng sâu, vùng xa được trợ cấp tiền mua, vận chuyển nước ngọt. Nhưng hiện nay, vườn chưa được nhận khoản trợ cấp này. Chúng tôi đã kiến nghị lên đoàn giám sát của HĐND tỉnh nhưng 2 năm rồi vẫn chưa được giải quyết. Hiện vườn đưa ra giải pháp và mong được hỗ trợ, như: Những nơi có điện năng lượng mặt trời sẽ tìm nguồn kinh phí để khoan giếng nước, bơm nước. Trạm nào khó quá đề nghị cấp trên cấp kinh phí để sử dụng xe, mua nước ngọt cho các trạm kiểm lâm.

Ông Vương Đức Hòa
Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập đề nghị

  • Từ khóa
122622

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu