Thứ 2, 20/05/2024 14:03:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:49, 05/05/2020 GMT+7

Lộc Tấn nâng chất các tiêu chí nông thôn mới

Lâm Phương
Thứ 3, 05/05/2020 | 07:49:00 885 lượt xem
BPO - Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân địa phương, cuối năm 2018, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Để duy trì và nâng cao chất lượng 19/19 tiêu chí, xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2018-2020 với mục tiêu trọng tâm là xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện. Nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, bưu chính, viễn thông, trường học, trạm y tế… đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Chú trọng phát triển kinh tế

Từ đầu năm 2019 đến nay, lĩnh vực thương mại - dịch vụ trên địa bàn xã không ngừng phát triển, góp phần quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã ổn định...

Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Thân cho biết: Thực hiện phương thức “Nhà nước hỗ trợ vật tư, nhân dân góp vốn làm công trình”, năm qua, xã đã hoàn thành và nghiệm thu đưa vào sử dụng 16 công trình đường bê tông với tổng chiều dài 16.143m tại 4 ấp: 12, K57, 6B và Thạnh Tây. Phối hợp với Tỉnh đoàn, Huyện đoàn nghiệm thu và đưa vào sử dụng công trình “Thắp sáng đường quê” với chiều dài 3,6km tại 3 ấp: 1B, 6B , 5C. Bàn giao 8 con bò giống sinh sản cho 8 hộ thuộc chương trình hỗ trợ phương thức phát triển sản xuất với kinh phí 160 triệu đồng... Từ nguồn kinh phí xây dựng NTM năm 2018, xã đã thi công xong tuyến đường bê tông xi măng ấp 5A-6A đi trung tâm hành chính xã dài 3,6km; tuyến đường nhựa từ ấp Thạnh Đông đi ấp Bù Núi B dài 1,9km; đường nhựa từ ấp Thạnh Đông đi cầu Bà Tám, xã Lộc Thạnh dài 3km; đường nhựa từ ấp Cây Chặt đi xã Lộc Thiện dài gần 2,4km...

Tuyến đường đi vào ấp 5C, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh được bê tông hóa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại

Mặc dù cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ nhưng xã cũng luôn xác định, nông nghiệp vẫn là thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương. Trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gắn với kinh tế tập thể, xây dựng nhiều mô hình kinh tế tập thể hiệu quả, như: Sản xuất tiêu chất lượng cao gắn với liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; các mô hình chăn nuôi công nghệ cao... Đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất góp phần cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, từ đầu năm 2019 đến nay, diện tích cây lâu năm liên tục tăng, tập trung vào những loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, như sầu riêng, bưởi da xanh, quýt đường... Chăn nuôi cũng có bước phát triển mạnh, nhất là chăn nuôi heo tập trung theo mô hình trang trại đang có chiều hướng gia tăng với 15 trang trại, gần 85 ngàn con, chiếm 99% tổng đàn. Ngoài ra, đàn gia súc, gia cầm cũng tăng nhanh với gần 1.000 con trâu, bò, khoảng 1.700 con dê, đàn gia cầm trên 30 ngàn con...

Nâng chất các tiêu chí

Lộc Tấn còn duy trì tốt việc sinh hoạt định kỳ câu lạc bộ khuyến nông qua các buổi sinh hoạt, lớp tập huấn, làm thay đổi nhận thức của nông dân về tập quán sản xuất như mục tiêu chương trình đề ra. Bà Lê Thị Thìn ở ấp 5B cho biết: Gia đình có ít đất sản xuất (5 sào), nếu trồng cây công nghiệp sẽ vất vả mà hiệu quả kinh tế không cao nên tôi quyết định trồng sầu riêng, măng cụt. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm và chủ động áp dụng vào thực tế sản xuất nên cây cho năng suất cao, mỗi năm gia đình thu hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí. Cũng nhờ tham gia các lớp tập huấn và học tập kinh nghiệm thực tiễn, tôi tận dụng diện tích đất trống sau nhà đầu tư làm trại trồng nấm bào ngư để nâng cao thu nhập. Nấm là loại thực phẩm sạch, được người tiêu dùng ưa chuộng, lại bán với giá phù hợp nên làm ra đến đâu bán hết đến đó.

Mô hình trồng nấm bào ngư cho thu nhập cao của hộ bà Lê Thị Thìn ở ấp 5B, xã Lộc Tấn

Ông Hoàng Tấn Sở, Trưởng ban điều hành ấp 5C chia sẻ: NTM đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo nơi đây. Đến nay, hầu hết các tuyến đường trong ấp đã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% hộ dân có điện sử dụng; phần lớn các tuyến đường có đèn chiếu sáng, bảo đảm người dân lưu thông và vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Đặc thù của ấp là diện tích đất sản xuất không nhiều (65 ha) nhưng lại đông dân (khoảng 190 hộ) nên nhiều gia đình chỉ có từ 1-2 sào. Tuy nhiên, đa số các gia đình đều có người làm công nhân khai thác trong các nông trường cao su nên ngoài thời gian cạo mủ, họ chủ động phát triển thêm chăn nuôi hoặc lựa chọn những mô hình sản xuất cần ít đất sản xuất nhưng hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, đời sống người dân ở đây tương đối ổn định, số hộ khá, giàu chiếm tỷ lệ cao.

Bên cạnh kết quả đạt được, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng nhận thấy, trong quá trình xây dựng NTM, hiện còn một số tiêu chí đạt ở mức thấp, nhất là nông nghiệp, nông thôn còn tồn tại nhiều bất cập. Điển hình như mô hình kinh tế hợp tác được thành lập nhưng chưa đủ sức thuyết phục, chưa thu hút đông nông dân tham gia. Ngoài ra, các tiêu chí y tế, nhà ở nông thôn, điện, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa... cũng chưa đạt yêu cầu đề ra. Do đó, theo kế hoạch, đến hết năm 2020, ngoài tiếp tục xây mới và nâng cấp các tuyến đường giao thông, xã sẽ nâng số nhà đạt chuẩn lên 80%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 90%, thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/năm, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 35%...

Thực tế cho thấy, Lộc Tấn luôn coi việc duy trì và nâng chất các tiêu chí NTM của xã giai đoạn 2018-2020 là yêu cầu cấp thiết, đáp ứng kịp thời tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và là cơ sở phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bởi chỉ có vậy mới góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, như: Quy hoạch nông nghiệp được đổi mới bảo đảm sự phát triển đồng bộ, sản xuất theo hướng tập trung, liên kết trong sản xuất; kết cấu hạ tầng nông thôn đáp ứng tốt yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống người dân; đường làng, ngõ xóm được cứng hóa, xanh - sạch - đẹp, thủy lợi nội đồng được xây dựng đúng quy hoạch, bảo đảm cho sản xuất và đi lại của nhân dân... Đặc biệt, phát triển mạnh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập của người dân.

  • Từ khóa
54770

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu