Thứ 2, 20/05/2024 07:26:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:00, 11/12/2019 GMT+7

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 45 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG BÙ ĐĂNG (14-12-1974 – 14-12-2019)

Nông thôn Bù Đăng thay “áo mới”

Thứ 4, 11/12/2019 | 06:00:00 439 lượt xem
BP - Sau 10 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Bù Đăng có nhiều thay đổi tích cực, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, với đặc thù huyện nông nghiệp, xuất phát điểm thấp nên việc triển khai xây dựng NTM ở Bù Đăng còn nhiều khó khăn, rất cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn.

ĐỘT PHÁ TRONG XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG

Những ngày này về Bù Đăng, điều dễ nhận thấy là sự thay đổi kết cấu hạ tầng giao thông nơi đây. Từ một vùng đất đầy khó khăn, giao thông chủ yếu là đường đất, nắng bụi, mưa lầy, sau 45 năm ngày giải phóng và 10 năm xây dựng NTM (2010-2019), Bù Đăng xây dựng được 447km đường giao thông. Trong đó, nhựa hóa 90km, bê tông xi măng 207km và sỏi phún 150km, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Ông Võ Ngọc Hoàng Vũ, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bù Đăng, cho biết: Huyện luôn xác định đầu tư kết cấu hạ tầng là yếu tố quan trọng thúc đẩy mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội phát triển. Những năm qua, để có những ý tưởng hay, sát thực tế, các thành viên Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã học tập kinh nghiệm tại các xã điểm trong và ngoài tỉnh. Sau đó bàn với người dân cách thức triển khai thực hiện. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, 10 năm qua, nhân dân Bù Đăng đã đóng góp hơn 89,5 tỷ đồng gồm tiền, ngày công và hiến đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện 247,4km đường bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù. Nhân dân cũng đã góp hơn 3,35 tỷ đồng lắp đặt các trụ đèn đường, dài 118,8km; triển khai phát quang trên 302km các tuyến đường trục chính và liên thôn; xây dựng 215 lò đốt rác và triển khai thực hiện 31 đoạn đường hoa.

Làm đường giao thông ở thôn 2, xã Đức Liễu (Bù Đăng)

Minh Hưng là một trong những xã đầu tiên của huyện Bù Đăng về đích NTM. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm trên địa bàn xã đang tiếp tục được đầu tư nâng cấp, xây mới và sửa chữa. Ông Trần Văn Tuyển, Phó chủ tịch UBND xã Minh Hưng, cho biết: Về đích NTM không có nghĩa là dừng lại. Chương trình xây dựng NTM nâng cao của xã đang tiếp tục nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Năm 2019, từ nguồn vốn sử dụng đất, UBND xã tiếp tục xây dựng hội trường đa năng, công trình nhà vệ sinh và cải tạo nâng cấp hội trường cũ thành nhà làm việc khối mặt trận, đoàn thể xã; xây dựng 2 tuyến đường bê tông xi măng tại thôn 5 dài 1,4km.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về xây dựng 1.000km đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù, Minh Hưng đăng ký xây dựng 38 tuyến, dài 11,9km. Đến nay, đã hoàn thành 24 tuyến, dài 9,19km. UBND xã cũng đã chọn 2 thôn xây dựng khu dân cư kiểu mẫu để rút kinh nghiệm, nhân rộng trên toàn xã. Hiện nay, nhân dân các thôn đang cùng nhau chỉnh trang lề đường, dọn dẹp, khơi thông cống rãnh và đã trồng 1,5km đường hoa, xây dựng 4,4km đường điện chiếu sáng, tạo cảnh quan, môi trường khu dân cư ngày càng xanh - sạch - đẹp.

...NỀN TẢNG CỦA SỰ PHÁT TRIỂN

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp về thăm các xã Bom Bo, Đắk Nhau, Thống Nhất, Đăng Hà - những vùng đất cách mạng năm xưa giờ tràn đầy sức sống mới. Người dân ai cũng vui mừng, phấn khởi vì được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đường từ huyện vào trung tâm các xã đã và đang được bê tông, nhựa hóa, giúp người dân đi lại thuận tiện và mở ra hướng phát triển cho các vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn này. Từ một vùng đất độc canh cây điều, cao su, cà phê, đến nay Bù Đăng đã có 22 hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ. Nhiều mô hình trồng cây ăn trái, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, công nghệ cao, có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã, đang dần hình thành trên địa bàn các xã Thống Nhất, Minh Hưng, Đức Liễu... Điển hình là mô hình trồng sầu riêng của hộ ông Nguyễn Ngọc Hùng ở xã Minh Hưng. Với 10 ha sầu riêng, mỗi năm gia đình ông thu lời trên 4 tỷ đồng. Từ thành công của gia đình, ông và nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã đã liên kết thành lập Hợp tác xã cây ăn trái và dịch vụ Long An - Minh Hưng. Đến nay, hợp tác xã có 30 xã viên tham gia.

Thành công trong thu hút đầu tư của huyện phải kể đến dự án của Tập đoàn Mêkông châu Âu (MCE - Hà Lan). Tập đoàn đã chọn Đức Liễu để đầu phát triển các dự án sản xuất dầu vỏ hạt điều tinh lọc quy mô 10 ha; thiết lập trang trại trồng điều mẫu theo hướng hữu cơ, organic khoảng 190 ha. Dự án cũng sẽ hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu điều khoảng 5.000 ha có khả năng truy xuất nguồn gốc, tuân thủ các điều kiện nhập khẩu khắt khe vào thị trường châu Âu tại 2 xã Đức Liễu, Thống Nhất. Dự án đang thực hiện các thủ tục chứng nhận đầu tư, ký kết ghi nhớ hợp tác phát triển... Khi đi vào hoạt động, dự án hứa hẹn đem lại sự thay đổi cả về tư duy của người trồng điều, nâng cao năng suất, chất lượng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.

Sau 10 năm triển khai xây dựng NTM, đến nay, Bù Đăng có 4 xã đạt 19/19 tiêu chí. Trong tổng vốn 353 tỷ 637 triệu đồng đầu tư xây dựng NTM, nhân dân đóng góp 114 tỷ 731 triệu đồng, doanh nghiệp góp 21 tỷ 954 triệu đồng, còn lại là vốn Nhà nước. Thành công lớn nhất của Bù Đăng trong xây dựng NTM là thực hiện tiêu chí giáo dục - đào tạo, điện, nhà ở dân cư và tỷ lệ lao động có việc làm. 10 năm qua, Bù Đăng đã vận động xây dựng 1.089 căn nhà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở. Đến nay, Bù Đăng còn 1.488 hộ nghèo, chiếm 4,33% số hộ toàn huyện, giảm 1.489 hộ so năm 2015.

Tuy đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trong xây dựng NTM nhưng đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, xa còn nhiều khó khăn. Sau 10 năm triển khai xây dựng NTM, Bù Đăng vẫn còn 2 xã đạt 8 tiêu chí; xã Đồng Nai đạt 10 tiêu chí; còn Phước Sơn, Nghĩa Bình mỗi xã đạt 11 tiêu chí. Số xã đạt về tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm không tăng so năm 2015. Ông Nguyễn Mạnh Trường, Chủ tịch UBND xã Đắk Nhau cho biết: Với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, đến nay Đắk Nhau mới đạt 12 tiêu chí, tăng 2 tiêu chí so năm 2015. Các tiêu chí lớn, cần nhiều vốn như đường giao thông, cơ sở vật chất trường lớp, nhà ở dân cư, hộ nghèo, thu nhập... không dễ thực hiện.

Để đến năm 2025, Bù Đăng trở thành huyện NTM, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt chú trọng tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hay, gương điển hình tiên tiến; định kỳ sơ - tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện để rút kinh nghiệm, tìm phương án thiết thực, hiệu quả, sát tình hình thực tiễn.

Minh Luận

  • Từ khóa
54690

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu