Thứ 2, 20/05/2024 06:05:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:25, 18/08/2014 GMT+7

Làm đường theo cơ chế đặc thù: Vướng mắc cần tháo gỡ

Thứ 2, 18/08/2014 | 09:25:00 516 lượt xem
BP - Thực hiện quy định của UBND tỉnh về áp dụng cơ chế đặc thù đối với các công trình giao thông thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Tiến Hưng (TX. Đồng Xoài) đã hoàn tất thủ tục và khởi công xây dựng 2 tuyến đường. Việc áp dụng cơ chế đặc thù nói trên không chỉ đơn giản hóa thủ tục hành chính, công tác chuẩn bị đầu tư nhanh gọn mà còn tiết kiệm khoảng 40% chi phí so cách làm thông thường. Tuy nhiên, do chưa có sự đồng bộ trong cơ chế đầu tư, thanh quyết toán nên các công trình giao thông thực hiện theo cơ chế này vẫn phải vừa làm vừa chờ tháo gỡ.

Làm đường giao thông nông thôn tại xã Tiến Hưng

 
2 tuyến đường xã Tiến Hưng chọn thực hiện theo cơ chế đặc thù là tuyến hẻm 281 và 282 thuộc ấp 2. Mặt đường rộng 4m, tổng chiều dài 2 tuyến 712m. Ông Nguyễn Công Quế, Chủ tịch UBND xã Tiến Hưng cho biết, tổng vốn thực hiện 2 tuyến đường là 900 triệu đồng, nếu thực hiện theo cách làm thông thường thì chi phí khoảng 1,6 tỷ đồng.   

Theo Quyết định số 679/QĐ-UBND, ngày 7-4-2014 của UBND tỉnh quy định về cơ chế đầu tư đối với các công trình đặc thù thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014-2020, 2 tuyến hẻm trên sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ nguyên vật liệu, gồm: Cát, đá, xi măng. Các chi phí máy móc, nhân công do nhân dân đóng góp. Điều đặc biệt là các công trình áp dụng cơ chế này từ thiết kế, thi công, giám sát đều do người dân hưởng lợi thực hiện. Việc thanh, quyết toán căn cứ vào khối lượng được tính theo thiết kế mẫu. Ông Nguyễn Công Quế khẳng định: “Áp dụng cơ chế này, thủ tục đầu tư được đơn giản tối đa, công tác chuẩn bị nhanh gọn, chi phí giảm 40% so các công trình trước đây và chất lượng được bảo đảm vì người dân trực tiếp thực hiện”.

Khi làm đường theo hình thức này, xã đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Nhiều hộ còn tự nguyện hiến đất, di dời vật kiến trúc, khẩn trương giải phóng mặt bằng. Ông Đinh Công Hải ở xóm 2, ấp 2 cho biết: “Chúng tôi rất mừng vì được Nhà nước hỗ trợ làm đường. Nếu so kế hoạch 70-30 (Nhà nước đầu tư 70%, nhân dân đóng góp 30%), làm theo cách này người dân đỡ được 2/3 số tiền. Cũng công trình này, nếu góp 30%, nhà tôi phải đóng 3 triệu đồng, nhưng giờ chỉ đóng 1 triệu đồng”.

Làm đường giao thông nông thôn ở thị xã Đồng Xoài - Ảnh: K.B

Ông Nguyễn Công Quế cho biết, theo kế hoạch ban đầu, năm nay xã xin làm 2 tuyến hẻm 281, 282, song với cơ chế đặc thù này xã đã tiết kiệm được 150/500 triệu đồng từ vốn tỉnh hỗ trợ. Vì vậy, xã đã xin chủ trương làm thêm tuyến hẻm 442 cũng thuộc ấp 2 từ số tiền tiết kiệm.

Do các công trình này thực hiện theo phương thức mới và mang tính đặc thù nên các văn bản hướng dẫn thực hiện còn chậm trễ, cơ chế đầu tư chưa đồng bộ, xuất hiện nhiều vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ. Ông Quế cho biết thêm: “Cơ chế thanh quyết toán chưa rõ ràng, giá nguyên vật liệu chưa cụ thể. Mặt đường được thiết kế mẫu theo Quyết định số 1040 ngày 21-5-2014 của UBND tỉnh để làm cơ sở tính toán khối lượng thanh quyết toán là 3m, nhưng các tuyến đường xã đang thực hiện rộng 4m nên chúng tôi vừa làm vừa phải chờ ý kiến của tỉnh”. Ông Quế dẫn chứng: “Giá xi măng, cát, đá được tính tại kho, bãi, không tính chi phí vận chuyển. Chi phí không lớn nhưng không rõ ràng sẽ rất khó cho thanh quyết toán về sau”.

Vì những vướng mắc trên nên các tuyến đường tại xã Tiến Hưng cơ bản chỉ xong phần hạ nền và phải tạm ngưng chờ sự thống nhất từ các ngành chức năng đối với chi phí vận chuyển cát, đá, xi măng. Mong rằng những vướng mắc này được các cấp, ngành sớm tháo gỡ để đưa ra quy định rõ, cụ thể làm cơ sở áp dụng trong toàn tỉnh.

Ngày 7-4-2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 679/QĐ-UBND về quy định cơ chế đầu tư đối với các công trình đặc thù thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2014-2020.

Theo đó, phạm vi đối tượng thực hiện là các công trình thuộc thôn, ấp có quy mô vốn đầu tư dưới 3 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước, kỹ thuật đơn giản và áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, giao cộng đồng hưởng lợi tự thực hiện. Các công trình này không phải lập thiết kế kỹ thuật mà chỉ lập dự toán đầu tư xây dựng và được UBND cấp xã thẩm định, phê duyệt. 

Quyết định cũng quy định cụ thể trình tự thực hiện các bước khi áp dụng cơ chế đầu tư với các công trình đặc thù: Khi thanh, quyết toán hồ sơ công trình bao gồm: Quyết định phê duyệt danh mục áp dụng cơ chế đặc thù của UBND cấp huyện, dự toán được phê duyệt và bản vẽ thi công trong trường hợp công trình áp dụng thiết kế mẫu có vận dụng theo thực tế (trường hợp thực hiện theo đúng thiết kế mẫu thì không cần bản vẽ thi công).

Kim Phụng

  • Từ khóa
53685

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu