Thứ 2, 20/05/2024 07:07:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:13, 13/08/2014 GMT+7

Khuyến công đồng hành xây dựng nông thôn mới

Thứ 4, 13/08/2014 | 14:13:00 251 lượt xem
BP - Một trong những thành công của chính sách khuyến công là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phát triển nghề và xây dựng làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Điều đó góp phần quan trọng hỗ trợ nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ công nghệ thiết bị hiện đại trong sản xuất gạch không nung ở phường Phước Bình (TX. Phước Long)

 
Trên 80% số dân trong tỉnh sống ở nông thôn, trong đó hơn 26% là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho 90% lao động trở lên có việc làm thường xuyên theo tiêu chí 12 trong xây dựng NTM là điều không dễ. Việc góp sức của Trung tâm Khuyến công tỉnh trong đào tạo nghề, truyền nghề ở nông thôn đã góp phần hoàn thành mục tiêu này.

ĐẨY MẠNH ĐÀO TẠO NGHỀ

Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã triển khai 12 đề án khuyến công địa phương, 5 đề án khuyến công quốc gia. Theo đó, năm 2013, trung tâm đã đào tạo nghề cho hơn 300 lao động nông thôn với kinh phí gần 600 triệu đồng, tập trung vào các nghề thêu tranh chữ thập, làm chổi đót, dệt thổ cẩm cho đồng bào Xêtiêng; mở 10 lớp đào tạo nghề chế biến hạt điều ở 10/10 huyện, thị xã. Trung tâm đã tham mưu UBND tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 40% lao động nông thôn được đào tạo nghề. Ngoài ra, 20 cơ sở công nghiệp nông thôn đã được trung tâm hỗ trợ tham gia hội chợ Công thương khu vực Đông Nam bộ và triển lãm chuyên ngành cao su Việt Nam. Đó chính là cầu nối đưa hàng hóa nông thôn tiếp cận tốt hơn thị trường trong và ngoài nước. Năm 2014, trung tâm đã và đang mở lớp đào tạo nghề cho 210 lao động ở các huyện, thị xã: Bù Đốp, Bù Gia Mập, Đồng Xoài và Phước Long.

Đào tạo nghề dệt thổ cẩm không chỉ tạo việc làm cho đồng bào dân tộc Xêtiêng mà còn góp phần khôi phục nghề truyền thống, bảo tồn và phát triển nét văn hóa độc đáo của đồng bào bản địa. Chị Sa Rum ở ấp 4, xã An Khương (Hớn Quản) cho biết: “Ngày nay, vải vóc nhiều nên ít người Xêtiêng chịu ngồi dệt thổ cẩm, chúng tôi cũng quên hết cách dệt của mẹ, của bà dạy thuở xưa. Nay nhờ Trung tâm Khuyến công tỉnh mở lớp mời nghệ nhân truyền nghề và giải thích cho biết nghề này vừa tạo việc làm, có thu nhập vừa giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng của người Xêtiêng. Tôi vui lắm!”.

TĂNG THU NHẬP VÀ
THAY ĐỔI CƠ CẤU KINH TẾ

Từ 2 nguồn kinh phí trung ương và địa phương là 315 triệu đồng, năm 2014, Trung tâm Khuyến công tỉnh ưu tiên hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn với ngành nghề có lợi thế của tỉnh như: Chế biến hạt điều, sản xuất vật liệu xây dựng, gỗ mỹ nghệ, sản xuất gia công cơ khí nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, dệt thổ cẩm...

Ông Vũ Duy Khiên, Giám đốc trung tâm cho biết: “Đề án thực hiện phù hợp nhu cầu, khả năng tiếp nhận của lao động nông thôn nên đã phát huy được hiệu quả, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Riêng nghề chế biến hạt điều, lao động được đào tạo trực tiếp tại các doanh nghiệp chế biến điều trên địa bàn. Điều này sẽ giúp lao động có kiến thức về quy trình sản xuất, về kỹ thuật chế biến hạt điều đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm. Từ đó tăng tính cạnh tranh, tăng kim ngạch xuất khẩu, giữ vững uy tín, thương hiệu điều của tỉnh”.

Các cơ sở công nghiệp nông thôn được thụ hưởng chính sách khuyến công từng bước phát triển quy mô sản xuất, ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến. Qua đó ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, góp phần đưa giá trị sản xuất hàng công nghiệp nông thôn tăng trưởng. Các dự án khuyến công đưa ra đã giải phóng một lượng lớn lao động nông nhàn, giúp họ có việc làm thường xuyên, chuyển đổi nghề theo hướng công nghiệp - dịch vụ. Chị Nguyễn Thị Hòa, công nhân chế biến điều của Công ty TNHH Thanh Phong (TX. Phước Long) cho biết: “Từ lâu tôi chỉ biết làm theo khả năng, sức lao động mà không quan tâm đến kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp và an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm trong chế biến hạt điều. Từ khi được đào tạo nghề, tôi làm việc nhanh, hiệu quả hơn và tự tin vì có tay nghề nên không lo thất nghiệp”.

“Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Với chức năng, nhiệm vụ, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã và đang tiếp tục nỗ lực để đào tạo một lực lượng lao động nông thôn có tác phong công nghiệp, từ đó tạo việc làm ổn định trong các cơ sở sản xuất công nghiệp tại chỗ. Đó cũng là mục tiêu của trung tâm trong chương trình đột phá về xây dựng nguồn nhân lực, đề án đào tạo nghề nông thôn, góp sức xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh” - bà Trần Thị Kim Huyên, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh cho biết.

Thanh Thủy

  • Từ khóa
53684

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu