Thứ 2, 20/05/2024 07:08:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:14, 23/05/2014 GMT+7

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI:

Nhiều xã còn loay hoay với nhóm tiêu chí kinh tế

Thứ 6, 23/05/2014 | 14:14:00 295 lượt xem

Phát triển kinh tế là tiêu chí quan trọng, thể hiện mục đích cuối cùng của phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Qua đó giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, do xuất phát điểm kinh tế thấp và nhiều nguyên nhân khác mà nhóm tiêu chí kinh tế vẫn khó thực hiện. Mặc dù đã đẩy mạnh tuyên truyền gắn với nhiều phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Lấy sức dân phục vụ cho dân”, các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc, góp sức nhưng ở nhiều xã vẫn chưa tìm ra hướng đi thuận lợi.


XUẤT PHÁT ĐIỂM THẤP

Xây dựng NTM ở huyện Hớn Quản, xã Tân Khai nằm vị trí đầu bảng nhưng chỉ đạt 7 tiêu chí; 5/12 xã đạt 4 tiêu chí; 2 xã Minh Đức và Thanh An nằm cuối bảng với 3 tiêu chí. Theo lãnh đạo xã An Khương, tiêu chí đạt thấp là do kinh tế tại xã còn manh mún, thuần nông, không có làng nghề, khó chuyển đổi cơ cấu, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế còn lạc hậu.

Kinh tế trong tỉnh chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp

Ông Trần Đức Kiệm, cán bộ dân tộc - tôn giáo xã An Khương cho biết: “Khó nhất của xã là giải quyết việc làm cho lao động dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào Xêtiêng. Đời sống nhân dân phụ thuộc vào cây công nghiệp nhưng mấy năm qua, giá cả bấp bênh đã ảnh hưởng xấu tới phát triển kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo cao đang là rào cản trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân”.

Bù Đốp là huyện thuần nông. Thu nhập của người dân nói riêng và kinh tế của huyện nói chung chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp. 70% lao động trong độ tuổi làm việc ở lĩnh vực nông - lâm nghiệp, chỉ có 30% lao động thuộc ngành nghề khác. Không có làng nghề và vị trí không thuận lợi cho giao thương buôn bán là những trở ngại trong chuyển đổi cơ cấu lao động sang các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Các xã NTM điểm ở Bù Đốp vẫn đang loay hoay tìm hướng đi.

Năm 2013, huyện Bù Đốp đã đầu tư xây dựng NTM với nguồn vốn 22,683 tỷ đồng. Nhưng 2 xã điểm là Tân Thành và Thiện Hưng cũng mới hoàn thành 6/19 tiêu chí, gồm: Quy hoạch, điện, bưu điện, hộ nghèo, lao động có việc làm thường xuyên, hệ thống chính trị. 4 xã còn lại hoàn thành 1-2 tiêu chí. Huyện cũng xây dựng được các mô hình như: Trồng tiêu bền vững, nuôi dê thương phẩm... Nhưng nhìn chung, nhiều tiêu chí thuộc nhóm kinh tế vẫn chưa đạt.

KHÓ ĐẠT TIÊU CHÍ
KINH TẾ

 Theo Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh, nguyên nhân dẫn đến nhóm kinh tế chưa cao là do cả chính quyền cấp xã và người dân chưa thật sự coi phát triển sản xuất giữ vai trò trọng tâm. Nhiều xã còn nặng tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên chưa chủ động xây dựng các mô hình sản xuất, đào tạo nghề, nâng cao thu nhập...

Trong 3 năm thực hiện NTM (từ 2011-2013), toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 58.688 người, đào tạo nghề cho 13.820 người. Trong đó, 20 xã điểm có 2.177 người được đào tạo nghề và triển khai 70 mô hình làm kinh tế. Nhưng ngành nghề chủ yếu vẫn thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo hình thức tổ chức sản xuất và tăng lao động có việc làm thường xuyên đang là vấn đề thách thức không nhỏ cho những xã có tiềm lực và hạ tầng kinh tế yếu.

Tân Phước (Đồng Phú) là xã thuần nông, nông - lâm - thủy sản chiếm tới 81%. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ở đây rất chậm. Ngoài một vài cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, xã không có doanh nghiệp lớn đứng chân. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chỉ chiếm 6%. Mặt bằng dân trí thấp, 50% là đồng bào dân tộc thiểu số nên khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Đó là những rào cản đối với xã trước mục tiêu phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng vào năm 2015 theo tiêu chí NTM. Theo đó, việc giảm hộ nghèo từ trên 9% năm 2013 xuống dưới 3% vào năm 2015 là khó thực hiện.

Để phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2013, Tân Phước  đã xây dựng được 2 mô hình: “Sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap” và “Hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước trong vườn cà phê, ca cao” với số vốn gần 700 triệu đồng. Ông Nguyễn Chí Thường, Chủ tịch UBND xã Tân Phước cho biết: “Để thực hiện được các tiêu chí kinh tế với Tân Phước là bài toán nan giải. Bởi xã rất ít tiềm lực để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu kinh tế”.

Thanh Thủy

  • Từ khóa
53661

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu