Thứ 2, 20/05/2024 07:48:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:15, 12/02/2014 GMT+7

Đi tìm nhà văn hóa cho nông thôn mới

Thứ 4, 12/02/2014 | 15:15:00 474 lượt xem

Trong bộ tiêu chí quốc gia về chương trình xây dựng nông thôn mới, có tiêu chí thứ 6 về cơ sở vật chất văn hóa, quy định về nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn. Để hiểu hơn về thực trạng nhà văn hóa trong lộ trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Quang, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch xoay quanh vấn đề này.

Nhà văn hóa thôn 9, xã Đức Liễu (Bù Đăng) có đủ diện tích nhưng không huy động được vốn để xây dựng sân thể dục, thể thao

P.V: Xin ông cho biết thực trạng nhà văn hóa thôn, ấp trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông Lê Văn Quang: Toàn tỉnh hiện có 851 nhà văn hóa thôn, ấp và khu phố. Nếu tính riêng thôn, ấp thì toàn tỉnh có 727 nhà văn hóa và hội trường thôn. Trong số này có 214 nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng trong giai đoạn 2002-2005, 160 nhà văn hóa được xây dựng theo nguồn vốn của các chương trình mục tiêu về văn hóa, số còn lại được xây dựng bằng các nguồn vốn khác từ việc thực hiện xã hội hóa, nguồn vốn của chương trình CPRIP (Ngân hàng thế giới) tài trợ. Và một dạng nữa là trụ sở làm việc hoặc hội trường của ban điều hành thôn, ấp. Chính vì vậy mà hệ thống nhà văn hóa trên địa bàn tỉnh hiện nay khá đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, ban chủ nhiệm nhà văn hóa thôn, ấp hiện chưa đồng bộ. Có nơi là trưởng thôn, có nơi là già làng, có nơi là bí thư đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh hoặc các đoàn thể khác làm ban chủ nhiệm. Thực tế chúng ta chưa có sự nhất quán về chính sách đối với nhà văn hóa thôn, ấp cũng như chế độ, chính sách đối với ban chủ nhiệm ở các nhà văn hóa.

Theo quy định, các thiết chế của nhà văn hóa thôn, ấp có ba nhiệm vụ: Là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; nơi sinh hoạt, học tập của cộng đồng và nơi vui chơi của trẻ em. Tuy nhiên trong thời gian qua, các nhà văn hóa ở Bình Phước chưa thực hiện tốt ba chức năng này, kể cả diện tích đất dành cho nhà văn hóa, đất dành cho trung tâm thể thao và nhiệm vụ tổ chức thực hiện các chức năng như trên.

P.V: Xin ông cho biết những thuận lợi, khó khăn trong việc xây dựng hệ thống nhà văn hóa đạt chuẩn theo tiêu chí của chương trình nông thôn mới?

Ông Lê Văn Quang: Tỉnh Bình Phước đã xác định 20 xã điểm xây dựng nông thôn mới đến năm 2015. Đây là vấn đề khá thuận lợi cho những người làm công tác văn hóa. Điều này được thể hiện qua quy hoạch và thực hiện quy hoạch theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trong 20 xã điểm xây dựng nông thôn mới hiện nay chỉ có 2 xã xây dựng được nhà văn hóa cấp xã, còn lại 18 xã hiện vẫn đang quy hoạch. Khó khăn lớn nhất hiện nay là diện tích. Bởi phải có đất dành cho nhà văn hóa và diện tích dành cho trung tâm thể thao đối với cấp xã và khu thể thao thôn, ấp. Từ nay đến năm 2015 có xây dựng được 18 nhà văn hóa cấp xã hay không rất cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp và cộng đồng dân cư.

P.V: Có bất hợp lý không khi Bình Phước là tỉnh có diện tích tự nhiên khá lớn lại thiếu diện tích đất để xây dựng nhà văn hóa thôn, ấp thưa ông?

Ông Lê Văn Quang: So với nhiều tỉnh, thành khác, Bình Phước có tới 90% thôn, ấp có nhà văn hóa. Chúng ta có tới 851 nhà văn hóa thôn, ấp và khu phố. Số nhà văn hóa thì nhiều. Tuy nhiên để đạt chuẩn theo tiêu chí của Thông tư 06 và 12 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì Bình Phước còn thiếu diện tích đất, thiếu nguồn nhân lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ của nhà văn hóa và nguồn kinh phí... Theo quy định của Thông tư 06 và 12 là kinh phí do nguồn ngân sách bảo đảm một phần, một phần do nhân dân đóng góp và phần nữa là xã hội hóa. Tuy nhiên, hầu hết các thôn, ấp, nhất là thôn, ấp đông đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống còn khó khăn nên việc vận động nhân dân đóng góp rất khó.

P.V: Vậy đâu là giải pháp cụ thể từ nay đến năm 2015 về xây dựng nhà văn hóa thôn, ấp của 20 xã điểm để đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới, thưa ông?

Ông Lê Văn Quang: Giải pháp đầu tiên chúng ta đã có. Đó là 20 xã điểm xây dựng nông thôn mới đã được quy hoạch và phê duyệt quy hoạch. Đây là giải pháp mang tính tiền đề hết sức quan trọng. Bởi từ phê duyệt quy hoạch chúng ta mới tiếp tục thực hiện những bước tiếp theo. Thuận lợi thứ hai là chúng ta đang có trong tay một thiết chế giáo dục - trung tâm học tập cộng đồng. Hầu như ở tất cả các xã trên địa bàn tỉnh đều có trung tâm học tập cộng đồng. Nếu chúng ta linh hoạt gắn kết những trung tâm học tập cộng đồng với nhà văn hóa hoặc trung tâm thể thao cấp xã thì sẽ giải quyết được vấn đề diện tích và tiết kiệm được lượng lớn kinh phí để xây dựng. Nếu làm được như thế thì đến năm 2015 20 xã điểm sẽ xây dựng được nhà văn hóa đạt tiêu chí của chương trình nông thôn mới.

P.V: Xin cảm ơn ông!             

Đ.K

  • Từ khóa
53615

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu