Thứ 2, 20/05/2024 07:07:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:41, 19/01/2014 GMT+7

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở CHƠN THÀNH:

Giàu tiềm lực nhưng khó khai thác

Chủ nhật, 19/01/2014 | 08:41:00 470 lượt xem

So với 10 huyện, thị xã trong tỉnh, Chơn Thành có nhiều lợi thế khi triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM). Chơn Thành là huyện có nhiều khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, trang trại của các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến đầu tư. Thế nhưng sau 3 năm triển khai xây dựng NTM, nhiều tiềm năng, lợi thế của huyện chưa thể phát huy, nhiều tiêu chí khó xây và khó giữ.


BƯỚC ĐẦU NHỮNG ĐỔI THAY

Xác định xây dựng cơ sở hạ tầng là khâu đột phá quan trọng trong xây dựng NTM, 3 năm qua, Chơn Thành đã đầu tư trên 17 tỷ đồng vào cơ sở hạ tầng (trường lớp, chợ, giao thông nông thôn...). Số tiền đầu tư tuy không nhiều nhưng bộ mặt nông thôn các xã đã có những đổi thay đáng kể. Nhiều tuyến đường liên thôn được bê tông, nhựa hóa có hệ thống thoát nước. Hai bên đường có điện thắp sáng. Người dân thi đua chỉnh trang ngõ xóm, trồng hoa, cây cảnh. Chợ xã Minh Hưng - một trong những xã điểm xây dựng NTM của huyện được nâng cấp mở rộng với nhiều hạng mục an toàn nên mời gọi được nhiều tiểu thương đến buôn bán, góp phần tăng thu ngân sách. Công tác phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh và giữ gìn an ninh trật tự xã hội đã được quan tâm củng cố. Đến nay, 9/9 xã, thị trấn duy trì phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Toàn huyện có 5 trường đạt chuẩn quốc gia.

Đường vào trường Tiểu học Minh Thành (xã Minh Thành) đã được bê tông hóa nhờ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới

Là xã điểm xây dựng NTM của huyện Chơn Thành giai đoạn 2011-2015, năm 2012, Minh Thành được hỗ trợ 468 triệu đồng vốn phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn này, Minh Thành đã thực hiện 20 mô hình nuôi gà thả vườn, 5 mô hình nuôi heo. 100% các mô hình có lãi. Ông Phạm Đình Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Minh Thành cho biết, đến nay đã có trên 70% số hộ tái đàn, còn lại sẽ tiếp tục tái đàn trong thời gian phù hợp với quy mô nhỏ hơn ban đầu. Nguyên nhân do không có sự liên kết trong tiêu thụ. Nông dân tự bán nhỏ lẻ, thời gian bán kéo dài nên phải bù lỗ thức ăn, cộng với giá cả bấp bênh, “mua đắt bán rẻ” nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2013, Minh Thành được giao 305 triệu đồng vốn phát triển sản xuất. UBND xã đã triển khai mô hình nuôi bò cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ thiếu đất sản xuất. Trước khi nhận bò, UBND xã đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân cách làm chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi và tham quan các mô hình nuôi bò hiệu quả...

“Chơn Thành đang tiếp tục dồn lực, quyết tâm chỉ đạo, đôn đốc các xã tập trung thực hiện nhanh các tiêu chí còn lại, phấn đấu đưa 2 xã điểm về đích đúng lộ trình, 5 xã đạt 8-10 tiêu chí, 1 xã đạt 4/19 tiêu chí vào năm 2015” - Phó chủ tịch UBND huyện Trần Thanh Sơn cho biết.

Ông Trần Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Chơn Thành nói: “Các mô hình chuyển đổi đã được khẳng định, năng suất vật nuôi, cây trồng trên địa bàn huyện đã tăng lên đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/năm. Hết năm 2013, huyện Chơn Thành còn 466 hộ nghèo, chiếm 2,41%, giảm 190 hộ so với đầu năm.
 

GIÀU TIỀM LỰC NHƯNG KHÓ KHAI THÁC

Ông Nguyễn Quang Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chơn Thành thẳng thắn: “Phong trào xây dựng NTM ở huyện Chơn Thành chưa mạnh một phần do công tác tuyên truyền chưa tốt. Người dân chưa thấy được lợi ích trực tiếp từ mỗi công trình nên vẫn nghĩ là việc của Nhà nước. Tư tưởng chưa thông nên huy động sức dân xây NTM rất khó. Ngoài ra, do năm 2013 giá mủ cao su giảm, người dân khó khăn về kinh tế. Phần vì đất rộng người thưa, tỷ lệ hộ dân đóng góp cho mỗi hạng mục công trình giao thông nhiều nên khó huy động cùng một lúc...”.

Nói đến Chơn Thành ai cũng nghĩ là huyện có nhiều lợi thế khi có 239 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, nhưng huy động doanh nghiệp chung tay xây dựng NTM không dễ. Chơn Thành đã từng tổ chức buổi gặp gỡ, trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời huy động cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân chung tay xây dựng NTM nhưng số tiền huy động vừa đủ chi phí cho buổi tổ chức gặp mặt. Nhiều doanh nghiệp, trang trại cao su tiểu điền với diện tích hàng trăm héc ta nhưng không dễ huy động, bởi đa số chủ hộ là người từ thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương lên mua đất lập vườn, họ không trực tiếp ở đây nên không muốn đóng góp.

Người dân xã Minh Hưng làm đường liên tổ

Phó chủ tịch UBND xã Minh Thành - Phạm Đình Tùng cho biết, xuất phát điểm xây dựng NTM của Minh Thành rất thấp. Đến nay, đường giao thông ở Minh Thành vẫn chỉ là đường đất, đường cấp phối sỏi đỏ. Minh Thành chưa có bất kỳ tuyến giao thông nào được bê tông hay nhựa hóa, trừ tuyến quốc lộ 14 đi ngang qua đang thi công dở dang. Tiêu chí chợ đối với Minh Thành rất khó thực hiện. Minh Thành chưa có chợ, nhưng không có nhu cầu và cũng chưa có quỹ đất để xây dựng chợ. Toàn xã có 5 ấp, đều chưa có nhà văn hóa...

Trao đổi về một số kinh nghiệm sau một thời gian triển khai xây dựng NTM, Chủ tịch UBND xã Minh Hưng - Nguyễn Văn Bằng cho rằng việc thiết kế xây dựng NTM hiện chi phí quá cao. Trước khi triển khai xây dựng mỗi công trình, dự án nên họp bàn với nhân dân. Đối với phần đóng góp 30% của nhân dân ở mỗi hạng mục công trình, nên bằng hiện vật 15% và 15% kinh phí. Khi nhân dân đồng tình phải có sự ký kết rồi mới triển khai, tránh tình trạng Nhà nước bỏ tiền ra trước nhưng người dân vẫn chưa đóng góp.

Ông Bằng cho rằng, thực hiện các tiêu chí đã khó, giữ vững các tiêu chí đã đạt còn khó hơn. Năm 2011, Minh Hưng đạt tiêu chí về an ninh trật tự nhưng cuối năm 2012 trên địa bàn xã xảy ra trọng án, tiêu chí này rớt và năm 2013 cũng không đạt. Nhiều khu công nghiệp, nhiều nhà máy xí nghiệp là lợi thế lớn trong giải quyết việc làm và tăng thu nhập nhưng cũng không ít hệ lụy. Đó là an ninh trật tự rất phức tạp, ô nhiễm môi trường ở khu dân cư... 

 Lộ trình xây dựng NTM của 20 xã điểm giai đoạn 2011-2015 đã đi hơn nửa chặng đường, hiệu quả từ chương trình này đã thấy rõ. Hết năm 2013, huyện Chơn Thành có 2 xã đạt 10 tiêu chí, 3 xã đạt 8 tiêu chí, 1 xã đạt 7 tiêu chí, 1 xã đạt 6 tiêu chí, 1 xã đạt 2/19 tiêu chí. Nông thôn mới đã đổi mới nhiều vùng nông thôn trong huyện. Tuy nhiên chặng đường về đích vẫn còn nhiều gian khó, đòi hỏi phải có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.                

Minh Luận

  • Từ khóa
53611

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu