Thứ 2, 20/05/2024 11:06:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:08, 05/04/2011 GMT+7

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường:

Thứ 3, 05/04/2011 | 10:08:00 137 lượt xem

XỬ LÝ 338 CƠ SỞ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NGHIÊM TRỌNG

Ngày 2-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc để đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan của tỉnh tham dự hội nghị tại đầu cầu Bình Phước.

 

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên - Môi trường, sau 8 năm thực hiện Quyết định 64, các cấp, ngành, địa phương trong cả nước đã hoàn thành việc xử lý 338/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc giai đoạn 1, đạt 77% kế hoạch. Số còn lại đang khẩn trương triển khai các giải pháp xử lý. Cả nước có 15 tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc xử lý ô nhiễm triệt để ở mức 100%; 20 tỉnh, thành phố đã hoàn thành trên mức 75%; 103/132 cơ sở do Trung ương quản lý đã hoàn thành xử lý ô nhiễm.

 

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, cơ quan chức năng từ nay đến năm 2020 thường xuyên thanh, kiểm tra xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm hiện có, không để phát sinh thêm cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Bộ Tài nguyên - Môi trường phải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác thể chế hóa, đánh giá toàn diện hiệu quả của các cơ chế; kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn phù hợp với yêu cầu mới về bảo vệ môi trường; tăng cường thanh kiểm tra, chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe hành vi vi phạm, kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân cũng như các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức trong việc xử lý ô nhiễm triệt để, có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Cơ chế chính sách hỗ trợ cơ sở thực hiện xử lý triệt để ô nhiễm tuy đã được ban hành nhưng còn chậm triển khai, nhất là các cơ chế về đất đai. Việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có mức phạt thấp, chưa đủ sức răn đe.

Theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg thì Bình Phước có 2 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là: Nhà máy chế biến cao su Quản Lợi (Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long) và bãi rác thị xã Đồng Xoài. Hiện các đơn vị này đang gấp rút triển khai xử lý ô nhiễm môi trường triệt để. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, các cơ sở gây ô nhiễm hầu hết thuộc lĩnh vực công ích, khó khăn về kinh phí để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm. Đối với ngành cao su thì nước thải rất khó xử lý vì còn gặp nhiều khó khăn trong công nghệ, thay đổi dự án... nên việc xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm không đạt kế hoạch đề ra.

T.Mảng

  • Từ khóa
43049

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu