Thứ 6, 28/06/2024 22:14:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:17, 25/06/2024 GMT+7

TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Giải bài toán quản lý tài nguyên khoáng sản

V.T
Thứ 3, 25/06/2024 | 09:17:15 624 lượt xem

Bài 2:
 DOANH NGHIỆP GẶP KHÓ

BPO - Trong vai một người đi mua sỏi phún san lấp, sét gạch ngói, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) ghi nhận, sỏi phún, sét gạch ngói ngoài thị trường không chỉ dễ tiếp cận mua với số lượng lớn mà giá còn rẻ hơn nhiều lần so với Nhà nước quy định. Tình trạng này khiến các chủ mỏ đất được cấp phép thua lỗ nặng do đóng đầy đủ thuế, phí theo quy định, thậm chí phải ngưng hoạt động do không thể cạnh tranh với giá trôi nổi ngoài thị trường.

Chênh lệch gấp 4 lần

Công ty TNHH TM-DV Đô Thành là đơn vị được UBND tỉnh cấp phép khai thác mỏ sét gạch ngói và vật liệu san lấp tại ấp 4, xã An Khương, huyện Hớn Quản từ năm 2019, với công suất thiết kế 100.000m3/năm, trong đó sét gạch ngói 50.000m3/năm, vật liệu san lấp 50.000m3/năm. Trong quá trình khai thác, công ty đã xây dựng, hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường, được cơ quan chức năng thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, đơn vị còn được UBND tỉnh cấp phép thăm dò nước dưới đất nhằm đánh giá trữ lượng, chất lượng và khả năng khai thác nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhà máy gạch tuynel của đơn vị, công suất 700.000 viên/ngày.

Gạch xây dựng nếu được sản xuất từ nguyên liệu sét chất lượng sẽ cho sản phẩm bền, đẹp và ngược lại

Với diện tích 21 ha, trữ lượng 2 triệu mét khối đất, công suất khai thác lớn, nhưng những năm qua, việc khai thác của công ty mới chỉ phục vụ sản xuất tại chỗ với công suất từ 15-20%/năm so với công suất được cấp phép. Ông Đỗ Đô Thành, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Đô Thành cho biết: Mỏ đất cấp phép của công ty được phép khai thác sử dụng và bán ra thị trường. Tuy nhiên, do phải đóng đầy đủ các loại phí, thuế nên giá bán cao hơn thị trường, không thể cạnh tranh với đất sét, đất san lấp trôi nổi bên ngoài với giá rẻ hơn.

Theo tính toán của chủ doanh nghiệp, khung giá sỏi phún của Nhà nước là 204 ngàn đồng/m3; sét gạch ngói 90 ngàn đồng/m3, chưa tính công vận chuyển. Đối với doanh nghiệp được cấp phép mỏ khai thác bán ra thị trường phải thực hiện các khoản thuế, phí bằng 35% giá Nhà nước quy định. Tức với giá 204 ngàn đồng/m3 thì thuế, phí khoảng 60 ngàn đồng. Ngoài các loại thuế, phí, để bán ra thị trường, doanh nghiệp phải thuê máy cuốc múc đất, nhân công nên 1m3 sỏi phún bán ra thị trường phải từ 180 ngàn đồng trở lên mới có lời. Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, sỏi phún ngoài thị trường có giá từ 50-55 ngàn đồng/m3 (giá bán tại khu vực khai thác, chưa bao gồm chi phí vận chuyển), tùy chất lượng sỏi. So với sỏi phún thì sét gạch ngói rẻ hơn, khoảng 25-30 ngàn đồng/m3.

So sánh giá Nhà nước quy định, doanh nghiệp được cấp phép với giá trôi nổi ngoài thị trường có sự chênh lệch quá lớn, gấp 4 lần. Bởi vậy, từ khi được cấp phép (năm 2019) đến nay, Công ty TNHH TM-DV Đô Thành chưa bán được xe sỏi phún nào ra thị trường vì không thể cạnh tranh.

Ông Đỗ Đô Thành cho biết: Những năm qua, dù hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng doanh nghiệp vẫn luôn hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước và thực hiện tốt cam kết môi trường. Để tạo doanh thu, tạo nhiều việc làm cho người lao động, doanh nghiệp cần khai thác triệt để công suất thiết kế/năm để cung ứng cho thị trường cũng như tránh thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay công ty vẫn chưa bán được sỏi phún ra thị trường do không thể cạnh tranh. Đối với sét gạch ngói, dù được đơn vị hợp đồng cung cấp cho một số lò gạch trên địa bàn, tuy nhiên luôn bị các đối tượng tìm cách đe dọa, ngăn cản không cho vận chuyển đến các lò gạch. Tình trạng này đã được công ty làm đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền, ngành chức năng tìm giải pháp tháo gỡ.

Cần kiểm soát chặt chẽ đầu ra

Dọc hai bên đường, khu dân cư trên địa bàn tỉnh không khó để bắt gặp từng bãi tập kết sỏi phún lớn, nhất là các khu phân lô bán nền. Vậy số lượng sỏi phún này được lấy từ đâu, có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ hay không? Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có 35 lò gạch đang hoạt động, mỗi năm tiêu thụ khoảng 35 ngàn tấn đất sét. Theo quy định của Luật Khoáng sản, các đơn vị sản xuất gạch phải có giấy phép khai thác nguyên liệu hoặc chứng minh được nguồn gốc sét hợp pháp. Trong số 35 lò gạch thì chỉ 2 đơn vị có giấy phép khai thác tại chỗ, còn lại phải mua bên ngoài.

Sỏi phún san lấp được tập kết ở nhiều nơi, tuy nhiên chưa được kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ. Trong ảnh: Một bãi tập kết đất san lấp quy mô lớn ở thôn 5, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng

Theo tìm hiểu của phóng viên tại một số lò gạch trên địa bàn xã Thanh An, thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản và 2 xã Lộc Thịnh, Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, phần lớn các đơn vị sản xuất gạch mua trôi nổi bên ngoài với giá rẻ mới thu được lợi nhuận, bởi thời gian qua thị trường xây dựng đóng băng nên rất khó tìm đầu ra. Bên cạnh đó, một số lò gạch chứng minh được hóa đơn, chứng từ nhưng nguyên liệu mua lại tại một mỏ sét ở huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Cùng với đó, một số lò gạch có hóa đơn, chứng từ - mua nguyên liệu từ mỏ sét trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên số lượng trên hóa đơn có đúng với số lượng nguyên liệu được tập kết tại đơn vị hay không thì rất khó kiểm chứng.

Đất sét được tập kết tại các lò gạch rất lớn nhưng khó có thể kiểm chứng chính xác nguồn gốc, xuất xứ

Năm 2021, cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã Lộc Hưng, Lộc Thịnh kiểm tra, phát hiện, lập biên bản trình UBND huyện Lộc Ninh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 12 cơ sở sản xuất gạch, với tổng số tiền 834 triệu đồng; đồng thời tịch thu lượng đất sét có tại lò gạch để lập thủ tục bán đấu giá theo quy định. Và nếu lực lượng chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm thì tình trạng mua sét gạch ngói không hóa đơn, chứng từ không chỉ ở huyện Lộc Ninh mà còn có ở nhiều huyện, thị khác trên địa bàn tỉnh.

Ông Đỗ Đô Thành, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Đô Thành cho rằng, tình trạng khai thác đất san lấp, sét gạch ngói diễn ra nhiều là do công tác quản lý chưa chặt của cấp chính quyền, ngành chức năng; mới chỉ dừng lại ở việc quản lý “đầu ra” mà chưa kiểm tra thực tế “đầu vào”. Tức mới kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác trái phép mà chưa kiểm tra, xử lý tổ chức, cá nhân mua đất san lấp, sét gạch ngói xem có hóa đơn, chứng từ hợp pháp hay không? 

Cũng theo Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Đô Thành, các mỏ sét được thăm dò, cấp phép thực hiện rất bài bản nên chất lượng mỏ sét luôn đảm bảo, tạo ra viên gạch bền, đẹp, còn nếu mua sét trôi nổi bên ngoài không rõ nguồn gốc thì ngược lại. Bởi vậy, doanh nghiệp, cá nhân khi xây dựng nhà ở, công trình cũng cần tìm hiểu kỹ về đơn vị, cơ sở sản xuất gạch ngói.

Nhiều ý kiến phản ánh, do các địa phương không được quy hoạch mỏ đất san lấp, sét gạch ngói, trong khi đó, nhu cầu nhiều nên mới xảy ra tình trạng khai thác trái phép. Ông Đỗ Đô Thành cho rằng, trên địa bàn tỉnh được quy hoạch nhiều nhưng không có đơn vị đứng ra đấu giá, thực hiện các thủ tục cấp phép bởi chi phí quá lớn, trong khi giá thành không thể cạnh tranh với ngoài thị trường. Không chỉ vậy, có nhiều doanh nghiệp dù đã được cấp phép khai thác nhưng chỉ hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hoạt động vì không tìm được đầu ra.

Để Công ty TNHH TM-DV Đô Thành hoàn thành nghĩa vụ sản xuất, kinh doanh, trách nhiệm với Nhà nước và tạo việc làm ổn định cho người lao động, rất mong các cấp chính quyền, ngành chức năng tìm giải pháp tháo gỡ. Nếu để tình trạng như hiện nay kéo dài, thời gian tới doanh nghiệp không đủ khả năng nộp thuế cho Nhà nước thì sẽ trả lại giấy phép khai thác mỏ sét, đất san lấp.

Ông ĐỖ ĐÔ THÀNH, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Đô Thành


Mời độc giả đón đọc kỳ cuối: “Cần quyết liệt vào cuộc”

  • Từ khóa
199884

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu