Thứ 4, 08/05/2024 13:25:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:29, 18/01/2024 GMT+7

Nguy cơ mất an toàn từ xe đạp điện

Thu Thảo
Thứ 5, 18/01/2024 | 08:29:31 4,114 lượt xem
BPO - Mức giá vừa phải lại tiện dụng, xe đạp điện đang ngày càng trở thành phương tiện phổ biến được nhiều gia đình lựa chọn để con em đến trường. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích, việc tham gia giao thông bằng xe đạp điện đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là các em học sinh chưa thực sự hiểu rõ về Luật Giao thông đường bộ.

NHIỀU NGUY CƠ

Khi đời sống ngày càng được nâng cao, nhiều gia đình không chỉ thành thị mà cả ở nông thôn đã sắm cho con em những chiếc xe máy điện, xe đạp điện để đi học. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện có khoảng 70% học sinh đến trường bằng xe đạp điện.

Nhiều học sinh điều khiển xe đạp điện nhưng không đội mũ bảo hiểm. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Tân Phú, huyện Đồng Phú giờ tan trường

Với tốc độ di chuyển khá cao từ 25-50km/h, vận tốc của xe đạp điện, xe máy điện tương đương với xe máy. Tuy nhiên, do nhiên liệu là điện nên khi di chuyển không phát ra tiếng động cơ và khiến người tham gia giao thông khác khó để ý. Xét về nhiều góc độ, chắc chắn một số bộ phận đảm bảo an toàn của xe đạp điện không thể bằng xe máy chạy xăng thông thường. Thế nhưng, những chiếc xe đạp điện vẫn ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên đường. Không chỉ tăng về số lượng mà độ tuổi sử dụng xe đạp điện cũng ngày càng trẻ hóa. Bắt đầu từ bậc THCS và thậm chí ngay cả ở các trường tiểu học đã xuất hiện hình ảnh của những chiếc xe đạp điện. Trước hoặc sau mỗi buổi học, trên các tuyến đường gần khu vực cổng trường, các em điều khiển xe đạp điện, xe máy điện mà không đội mũ bảo hiểm, đi xe sai làn đường quy định và không thiếu hành vi lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu… tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. 

Chị Nguyễn Thúy Vi, nhà ở gần Trường THCS Tân Phú, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú lo lắng: “Nhiều lần khi đang lưu thông trên đường, tôi phải thắng xe gấp bởi gặp học sinh đi xe đạp điện phóng nhanh, vượt ẩu, đặc biệt là khi các em đi từ trong cổng trường ra. Các em chưa nhận thức đầy đủ về an toàn giao thông nên rất dễ gây tai nạn”. Giờ tan học ở cổng Trường THCS Tân Phú, phương tiện rất đông nhưng không khó để bắt gặp các em điều khiển xe đạp điện đùa giỡn trên đường. Đa số đều không đội mũ bảo hiểm. “Ngày nào tôi cũng gặp các em đùa giỡn nhau, dùng tay kéo bạn đi xe đạp vô cùng nguy hiểm. Không chỉ vậy, các em còn vượt ẩu, phóng nhanh hay qua đường không quan sát khiến nhiều người tham gia giao thông không khỏi lo lắng” - anh Nguyễn Văn Nam, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú cho biết.

Không chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà nguy hiểm hơn, nhiều em còn độ lại phương tiện. Từ một bình ắc-quy theo đúng quy chuẩn lắp ráp, xe đạp điện có thể được “hô biến” lên đến 3 bình ắc-quy và có thể đạt tốc độ tới 70-80km/h - tốc độ tương đương với một chiếc xe máy phân khối trung bình. Thế nhưng, người điều khiển xe lại chỉ là những học sinh chưa đến 18 tuổi - độ tuổi chưa có bằng lái xe và đương nhiên cũng chưa hiểu biết đầy đủ về Luật Giao thông đường bộ. Nguy cơ mất an toàn rõ ràng luôn hiển hiện.

CẦN ĐỒNG BỘ GIẢI PHÁP

Theo thống kê, có khoảng 55% số vụ tai nạn giao thông xảy ra với học sinh có liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu là do chạy xe quá tốc độ, chuyển hướng không đúng cách… Điều này xuất phát từ việc một tỷ lệ lớn học sinh chưa nắm rõ những kiến thức cơ bản và kỹ năng điều khiển phương tiện đúng cách, an toàn. Do vậy, rất cần những biện pháp tuyên truyền, giáo dục, thậm chí là răn đe đúng cách của nhà trường và phụ huynh.

Có đến 70% học sinh đến trường bằng phương tiện xe đạp điện, xe máy điện. Trong ảnh: Bãi giữ xe của Trường THCS Thanh Hòa, huyện Bù Đốp

Thầy Diệp Tài Văn, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thanh Hòa, huyện Bù Đốp cho biết: “Nhà trường thường xuyên kiểm tra các em khi đi xe đạp điện đến trường. Nếu phát hiện học sinh điều khiển xe đạp điện đã qua độ chế thì sẽ giữ lại ngay tại cổng trường, mời phụ huynh lên làm việc, sau đó yêu cầu phụ huynh và các em ký cam kết không sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn đến trường. Bên cạnh đó, trường cũng yêu cầu các em phải “trả lại” xe đạp điện theo đúng quy chuẩn ban đầu thì mới tiếp tục được điều khiển xe đến trường”. 

Ngoài tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ cho học sinh, nhà trường yêu cầu các em phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe đạp điện, xe máy điện và trang bị giá treo mũ bảo hiểm ngay tại lớp học để khuyến khích các em đội mũ bảo hiểm khi đi xe.

Thầy PHÙNG MỸ HÙNG, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Hòa, huyện Bù Đốp

Ở độ tuổi thanh thiếu niên, việc các em học sinh tò mò, muốn khám phá và trải nghiệm cảm giác mới khi điều khiển phương tiện phân khối lớn là không tránh khỏi. Dù vậy, từ những vụ tai nạn giao thông học đường thương tâm, có thể thấy, việc giáo dục ý thức và cung cấp kiến thức cho học sinh về kỹ năng khi tham gia giao thông phải được đặt lên hàng đầu.

Một chiếc xe đạp điện đã qua độ chế có đến 3 bình ắc-quy

Trường THCS Thanh Hòa, huyện Bù Đốp thực hiện giá treo mũ tại lớp nhằm khuyến khích học sinh đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện

Để ngăn ngừa và giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện, thời gian qua, ngành giáo dục cũng thường xuyên phối hợp Công an tỉnh tổ chức nhiều đợt tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông đường bộ đến học sinh trên địa bàn tỉnh. “Đối với học sinh tiểu học, chúng tôi có những bài học về tình huống, kỹ năng đơn giản để các em dễ tiếp thu. Còn với học sinh THCS, THPT, các em đã có nhận thức cao hơn nên sẽ thiên về việc tuyên truyền, phổ biến luật giao thông, quy định và các hình thức xử phạt để có biện pháp răn đe” - Trung úy Trương Phi Long, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bình Phước cho biết.

  • Từ khóa
187351

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu