Thứ 2, 20/05/2024 07:48:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:36, 15/06/2023 GMT+7

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 98 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21-6-1925 - 21-6-2023)

Báo nói trong thời đại số

Ly Na
Thứ 5, 15/06/2023 | 07:36:31 4,526 lượt xem
BPO - Sau báo in, ngày 7-9-1945, hình thức báo chí thứ 2 của Việt Nam đã ra đời, đó là báo nói hay còn gọi phát thanh. 78 năm hình thành và phát triển, từ duy nhất Đài Tiếng nói Việt Nam, đến nay, cả nước đều có mạng lưới phát thanh rộng khắp từ thành thị đến tận thôn, ấp. Trong guồng quay của sự phát triển, những người làm phát thanh ở Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) luôn tự học hỏi, trau dồi, thay đổi để bắt kịp sự phát triển mạnh mẽ trong thời đại số, giữ vai trò là cầu nối thông tin quan trọng với thính giả trong và ngoài tỉnh.

Toàn cảnh Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, nơi tạo động lực cho đội ngũ những người làm báo bứt phá mạnh mẽ để phát triển trong thời đại số - Ảnh: Đặng Hùng

Bắt kịp xu thế 

Trước đây, các chương trình trực tiếp chủ yếu được thực hiện ở một số chương trình văn nghệ giải trí và phát sóng qua radio. Hiện nay, phát thanh trực tiếp của BPTV đã thực hiện ở nhiều thể loại từ văn nghệ đến chính luận và được livestream trên các hạ tầng số nên yêu cầu đối với từng thành viên tham gia cũng cao hơn. Vì vậy, trong một ê-kíp thực hiện từ người dẫn chương trình đến bộ phận kỹ thuật, tất cả phải tự học, tự rèn để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như sẵn sàng thay đổi để đảm bảo chất lượng chương trình đạt yêu cầu cao nhất.

Các biên tập viên Hoài Duy - Bích Thủy tương tác trong một chương trình văn nghệ giải trí trực tiếp - Ảnh: Đặng Hùng

Chị Đoàn Thị Hằng, kỹ thuật viên Phòng Sản xuất chương trình BPTV chia sẻ: Có những khung giờ trực tiếp bắt đầu từ 6 giờ thì chúng tôi phải đi làm rất sớm. Buổi sáng có mặt từ 5 giờ 30 phút để chuẩn bị 6 giờ vào phòng thu; tối có khi 20 giờ 30 phút hoặc 22 giờ mới về đến nhà.

Kỹ thuật viên Trung Kiên đang thao tác thu chương trình phát thanh gián tiếp - Ảnh: Đặng Hùng

Biên tập viên Trần Hoài Duy công tác tại Phòng Văn nghệ - Giải trí - Quốc tế BPTV là người đã cống hiến rất nhiều năm trong nghề nhưng anh không ngại thay đổi, học hỏi, cập nhật kiến thức mới để đáp ứng nhu cầu thông tin của thính giả. “Chúng tôi không chỉ phục vụ thính giả mà còn phải cạnh tranh rất nhiều với các nền tảng mạng xã hội khác. Để bắt kịp khối lượng thông tin khổng lồ, chúng tôi phải cập nhật liên tục, vì chỉ cần dừng lại một chút thôi là sẽ bị lùi lại phía sau so với các đơn vị, nền tảng mạng xã hội khác” - anh Duy chia sẻ.

Thay đổi để phát triển

Đặc thù của một sản phẩm báo nói là thể hiện qua ngôn ngữ và âm thanh, phát thanh viên là cầu nối để chuyển tải giá trị của chương trình đến với thính giả. Trong thời đại phát triển của công nghệ số, đội ngũ phát thanh viên của BPTV luôn chủ động thay đổi từng ngày để phục vụ thính giả một cách nhanh nhất, chất lượng nhất.

Anh Lộc Văn Chung, một gương mặt còn khá mới trong đội ngũ phát thanh viên của BPTV đã ý thức rõ phải nhanh chóng hòa nhập xu hướng thì mới có những sản phẩm phù hợp yêu cầu trong thời đại số. Anh Chung chia sẻ: “Ngày nay, thính giả không chỉ nghe mà còn xem phát thanh. Vì vậy, người làm phát thanh phải nhanh nhạy, bắt kịp xu hướng và có sự chuẩn bị thật chỉn chu khi lên sóng để thu hút thính giả”.

Chị Nguyễn Thị Duyên, phát thanh viên của BPTV - người có gần 8 năm kinh nghiệm trong thể hiện những chương trình phát thanh từ chính luận đến giải trí, cho biết: “Khi dẫn chương trình, chúng tôi phải đặt tâm huyết, trách nhiệm vào mỗi tin, bài phụ trách. Bản thân tôi luôn cố gắng học hỏi, làm sao diễn đạt cảm xúc tốt nhất để mang đến những sản phẩm báo chí chất lượng cho thính giả nghe đài”.

Các phát thanh viên Văn Chung - Mỹ Duyên tương tác khi đang thể hiện một chuyên mục - Ảnh: Đặng Hùng

Để chương trình hay, đảm bảo về nội dung thì biên tập viên là người chịu trách nhiệm cao nhất. Họ là những “đầu bếp” đưa ra nhiều công thức chế biến để sản phẩm báo chí phát thanh luôn đặc sắc và hấp dẫn. Anh Lê Hưng Cát, một trong những phóng viên, biên tập viên lâu năm của Phòng Thời sự BPTV chia sẻ: “Trước đây, khi cần một tác phẩm mang đặc trưng của báo nói, chúng ta phải có băng gốc của phóng viên. Còn bây giờ, chỉ cần địa chỉ file phóng viên gửi về, những người làm công tác biên tập có thể xử lý, biến một tác phẩm thô thành một tác phẩm có âm thanh, tiếng động để đưa sản phẩm lên sóng sớm nhất, trong khung giờ phát sóng gần nhất”.

Và để thành phẩm đến được với thính giả trên làn sóng FM tần số 89,4 MHz thì còn một bộ phận cuối cùng mang tính quyết định, đó là khâu truyền dẫn phát sóng. Từ năm 2022, bộ phận đảm nhận việc phát sóng của BPTV đã được đầu tư đồng bộ trang thiết bị hiện đại và việc đẩy mạnh công nghệ số là đòn bẩy không chỉ đáp ứng nhu cầu công việc mà mục tiêu xa hơn là đưa thương hiệu BPTV lên tầm cao mới.

Các kỹ thuật viên Phòng Kỹ thuật truyền dẫn phát sóng trực phát sóng - Ảnh: Đặng Hùng

Ông Nguyễn Huy Tùng, kỹ thuật viên Phòng Kỹ thuật công nghệ truyền dẫn BPTV khẳng định: “Việc trang bị máy móc, thiết bị hiện đại đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong công việc phát sóng. Đặc biệt là việc sắp file, lấy file phát sóng, hạn chế tối đa nhầm lẫn và sai sót”.

Hằng ngày, mỗi người làm báo ở BPTV luôn nỗ lực hết mình, đảm nhận nhiều phần việc khác nhau trong 4 loại hình báo chí. Và phát thanh là một lĩnh vực quan trọng góp phần đảm bảo thương hiệu BPTV luôn có những chương trình chất lượng, hấp dẫn và sáng tạo để báo nói BPTV là một kênh tin cậy thu hút sự quan tâm của thính giả gần xa trên cả nước, đáp ứng nhu cầu phát triển báo chí thời đại số.

  • Từ khóa
170286

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu