Thứ 5, 09/05/2024 07:40:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nông thôn mới 10:27, 05/12/2023 GMT+7

Bù Gia Mập tập trung nguồn lực giảm nghèo

Trần Cảnh - Trung Quang
Thứ 3, 05/12/2023 | 10:27:33 2,494 lượt xem
BPO - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với giảm 1.000 hộ dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo được triển khai có trọng tâm, trọng điểm thời gian qua đã và đang góp phần rất tích cực cho công tác giảm nghèo của tỉnh. Tại huyện Bù Gia Mập, nguồn lực từ chương trình được huyện triển khai kịp thời, đáp ứng nhu cầu thực tế của đối tượng thụ hưởng đã góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương còn nhiều khó khăn này.

Thiếu đất sản xuất, gia đình ông Điểu Đek ở thôn Bình Giai, xã Phước Minh thuộc diện hộ nghèo của địa phương nhiều năm liền. Từ các nguồn lực khác nhau, trong đó có việc hỗ trợ sửa nhà ở, bò sinh sản, tiếp cận vốn vay ưu đãi từ ngành chức năng cùng với quyết tâm phấn đấu vươn lên của bản thân, gia đình ông Điểu Đek đã thoát nghèo bền vững gần 2 năm nay. Ông Điểu Đek cho hay: “Đời sống bây giờ thay đổi nhiều, không còn nghèo khó như trước nữa. Gia đình hiện có 60 con heo, 8 con bò, sắp tới mở thêm dịch vụ sửa xe ôtô, máy cày vừa giúp bà con vừa để tăng thu nhập cho gia đình”.

Nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Bù Gia Mập có nhà ở ổn định nhờ nguồn lực chương trình giảm nghèo bền vững

Gài làng Điểu S’Rêm ở thôn Bình Giai cho biết: Với sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành, trên địa bàn có 123 hộ được xây dựng, sửa chữa nhà ở, xây dựng 20km đường giao thông, 2km đường điện, thiết chế văn hóa được đầu tư; nhiều hộ nghèo DTTS được hỗ trợ bò, dê sinh sản, được tiếp cận vốn vay ưu đãi phục vụ sản xuất. Nhìn chung, đời sống người dân từng bước ổn định, không còn khó khăn như trước.

Tỷ lệ đồng bào DTTS sinh sống khá cao, đời sống còn nhiều khó khăn, Hai Căn từng là thôn đặc biệt khó khăn của xã Phú Nghĩa. Những năm qua, với sự quan tâm, hỗ trợ về bò, dê sinh sản, nông cụ, tiếp cận vốn vay ưu đãi phục vụ sản xuất, đời sống của phần đông người dân nơi đây đã có sự khởi sắc. Ông Nguyễn Hữu Tiến ở thôn Hai Căn chia sẻ: Từ 4 con bò giống có được nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, do chăm sóc tốt nên sau gần 4 năm đàn bò đã tăng lên 20 con. Đến thời điểm hiện tại, kinh tế gia đình tôi đã ổn định, các con có điều kiện học hành.

Nguồn vốn vay ưu đãi được nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào DTTS đầu tư chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả

Ông Lê Văn Gáy, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hai Căn cho hay: “Những hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đều sử dụng đúng mục đích, chủ yếu phục vụ chăn nuôi, đầu tư chăm sóc cây trồng. Nguồn vốn phát huy hiệu quả đã tạo điều kiện cho các hộ thoát nghèo bền vững. Trên địa bàn thôn hiện không còn hộ nghèo”.

“Ngoài nguồn vốn chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện còn triển khai chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, giải quyết việc làm. Cùng với đó, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác cũng đã chủ động tìm hiểu nhu cầu, định hướng về cây - con giống, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật, qua đó giúp các hộ vay sử dụng hiệu quả nguồn vốn, từng bước thoát nghèo bền vững” - bà Nguyễn Thị Thoa, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập thông tin thêm.

Thực hiện chương trình giảm 1.000 hộ DTTS nghèo của tỉnh, trong năm 2023, UBND huyện Bù Gia Mập tập trung các nguồn lực để giảm 316 hộ DTTS nghèo. Với 1.577 nhu cầu cần được đầu tư, tương ứng nguồn kinh phí hơn 38 tỷ đồng, hiện nay địa phương đã phân bổ gần 21 tỷ đồng để các đơn vị triển khai thực hiện.

Thời gian qua, nguồn vốn từ chương trình được địa phương lồng ghép, lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, sát với nhu cầu thực tế đã giúp đối tượng thụ hưởng từng bước ổn định cuộc sống, góp phần làm đổi thay diện mạo khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn. Nguồn lực phát huy hiệu quả và được ưu tiên bố trí, tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương.

  • Từ khóa
183320

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu