Thứ 2, 20/05/2024 09:00:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nông thôn mới 04:45, 12/08/2022 GMT+7

Đường chờ… xi măng

Xuân Túc
Thứ 6, 12/08/2022 | 04:45:07 2,939 lượt xem
BPO - Năm 2022, toàn tỉnh có 7 xã được phê duyệt về đích nông thôn mới (NTM), 8 xã về đích NTM nâng cao. Tuy nhiên đến thời điểm này, nguồn xi măng vẫn chưa được cấp về cho các địa phương. Việc xi măng về chậm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch về đích NTM của các xã, sâu xa hơn là ảnh hưởng đến việc đi lại và vận chuyển nông sản vốn là mơ ước lâu nay của người dân ở những nơi còn khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Nỗi lo xi măng về chậm

Thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng có 257 hộ, 1.260 người, trong đó trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, năm 2022, thôn được đầu tư 3 tuyến đường bê tông xi măng, với tổng chiều dài 3,6km. Đến nay, tại các tuyến đường người dân đã hiến đất, cắt cây, ban gạt mặt bằng, trong đó tuyến dài nhất 1,6km đã được làm nền hạ từ nhiều tháng trước. Theo kế hoạch, đến thời điểm này các tuyến đường được hoàn thành và đưa vào sử dụng, tuy nhiên do chưa được phân bổ xi măng nên vẫn chỉ là đường đất đỏ.

Anh Điểu Thanh, Trưởng thôn Sơn Hòa cho biết: Người dân đang lo lắng về sự chậm trễ này. Bởi hiện nay đã vào mùa mưa, làm đường bê tông không chỉ gặp nhiều khó khăn trong ban gạt mặt bằng, quá trình thi công nếu gặp mưa sẽ phải che chắn vừa gây tốn kém chi phí vừa tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng chất lượng công trình.

Từ nguồn xi măng trả chậm, mỗi năm có khoảng 1.000km đường bê tông xi măng được đầu tư và đưa vào sử dụng, giúp người dân đi lại thuận tiện

Tại tuyến đường thôn 6, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng có chiều dài hơn 1km, người dân đóng góp vốn đối ứng cách đây 8 tháng, nhưng do chưa có xi măng nên tiến độ thực hiện vẫn “giậm chân tại chỗ”. Ông Nguyễn Chí Trung, Trưởng thôn 6 cho biết: Nhân dân đã đóng góp 251 triệu đồng đối ứng, tới giờ là 8 tháng rồi nhưng hiện vẫn chưa có xi măng để thi công. Người dân mong các cấp lãnh đạo quan tâm sớm phân bổ xi măng để triển khai làm đường. Bởi tuyến đường đã được ban gạt mặt bằng, mưa xuống lầy lội gây khó khăn cho việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa, nông sản.

Xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng được chọn về đích NTM trong năm 2022. Đến nay, xã còn 4 tiêu chí chưa đạt, gồm: giao thông, quy hoạch, tổ chức sản xuất, cơ sở vật chất văn hóa. Trong đó, giao thông là một trong những tiêu chí mà chính quyền xã đang rất lo lắng. Ông Võ Minh Phước, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho biết: Năm 2022, xã được phân bổ đầu tư xây dựng 21 tuyến đường bê tông xi măng, với tổng chiều dài gần 17km theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đến nay, các tuyến đường đã vận động người dân đóng góp tiền đối ứng đầy đủ, một số tuyến được ban gạt mặt bằng, làm nền hạ chỉ chờ ngày khởi công. Tuy nhiên, do chưa có nguồn xi măng nên tất cả đang phải chờ.

“Nguồn xi măng chậm ảnh hưởng rất nhiều đến việc triển khai làm đường giao thông nông thôn. Những tuyến làm được nền hạ rồi trong quá trình đợi lâu, xe lưu thông gây hư hỏng phải làm lại. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm chỉ còn khoảng 5 tháng, hiện vào mùa mưa, nếu quá trình thực hiện gặp mưa liên tục thì khó đạt tiến độ” - ông Võ Minh Phước lo lắng.

Bao giờ mới có xi măng?

Đến nay, toàn tỉnh có 3 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn NTM là Đồng Xoài, Bình Long, Phước Long. 2 huyện Đồng Phú, Chơn Thành đang cập nhật lại các tiêu chí và chỉnh sửa trình tự hồ sơ theo quy định mới để trình Trung ương công nhận huyện NTM. Toàn tỉnh có 70 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 6 xã đang trình hội đồng thẩm định. Đến thời điểm này còn 20 xã đạt từ 11-18 tiêu chí; trong đó, 7 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 11 xã đạt từ 11-14 tiêu chí... Trong năm 2022, tỉnh phấn đấu đưa 7 xã về đích NTM, 8 xã về đích NTM nâng cao. 

Để hoàn thành chỉ tiêu xây dựng NTM, trong năm 2022, tỉnh dự kiến hỗ trợ 86 ngàn tấn xi măng. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngay từ đầu năm, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 319 ngày 19-1-2022 thuận chủ trương mua sắm tập trung xi măng để thực hiện cơ chế đặc thù trong xây dựng NTM giai đoạn 2022-2025 và giao chỉ tiêu hỗ trợ xi măng năm 2022. Văn phòng điều phối NTM cũng đã có Tờ trình số 10 ngày 20-2-2022 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua sắm xi măng tập trung thực hiện cơ chế đặc thù trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2022.

Nhiều tuyến đường đã được san gạt mặt bằng, chỉ chờ xi măng để triển khai làm đường bê tông. Ảnh: Trương Hiện

Tuy nhiên đến thời điểm này, nguồn xi măng vẫn chưa được phân bổ cho các địa phương. Lý giải sự chậm trễ này, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết: Giá mua xi măng 8 năm qua là 1.250 đồng/kg, đây là mức giá ưu đãi được mua bằng hình thức trả chậm. Riêng năm nay, nguồn xi măng phải thông qua đấu thầu công khai. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng tăng lên 1.435,32 đồng/kg. Với 86 ngàn tấn xi măng, giá chênh lệch lên đến hơn 15,9 tỷ đồng, đây là số tiền lớn, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải thẩm định kế hoạch đấu thầu kỹ lưỡng. 

“Sau khi kế hoạch đấu thầu được phê duyệt, phía chủ đầu tư là Văn phòng Điều phối NTM tỉnh sẽ thuê đơn vị tư vấn đấu thầu chào thầu qua mạng thông qua trình tự các bước theo quy định. Trong đó, lập hồ sơ mời thầu khoảng 20 ngày, đánh giá hồ sơ dự thầu 20 ngày, thẩm định hồ sơ mời thầu 10 ngày, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu 10 ngày. Như vậy, để hoàn thành thủ tục đúng quy định cần ít nhất 60 ngày, nhanh nhất cũng phải đầu tháng 9 mới có nguồn xi măng cung ứng cho các địa phương” - ông Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm.

Trong khi đó, theo ông Võ Sá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đây là năm đầu tiên thực hiện chủ trương của tỉnh mua xi măng phải qua đấu thầu để đảm bảo đúng quy định. Do đó, phía Văn phòng Điều phối NTM tỉnh bước đầu có lúng túng trong việc lập quy trình, kế hoạch đấu thầu. Hiện nay, công việc đã hoàn tất, chỉ vướng về giá cả, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp các sở, ngành liên quan rà soát lại để tham mưu UBND tỉnh đưa ra kế hoạch đấu thầu sao cho đảm bảo. Sau khi nút thắt này được tháo gỡ thì tầm cuối tháng 8, đầu tháng 9 này sẽ có xi măng cho các địa phương.

Nguồn kinh phí phân bổ đầu tư xây dựng NTM năm 2022, đối với ngân sách trung ương, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đang đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân bổ vốn đầu tư phát triển 127 tỷ đồng và vốn sự nghiệp 41,7 tỷ đồng. Đối với ngân sách tỉnh 490 tỷ đồng, trong đó đã phân bổ trả nợ mua xi măng năm 2021 hơn 93,7 tỷ đồng; mua xi măng tập trung năm 2022 là 89,6 tỷ đồng; hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn hơn 118 tỷ đồng; hỗ trợ 7 xã phấn đấu về đích NTM năm 2022 là 105 tỷ đồng; hỗ trợ 8 xã phấn đấu về đích NTM nâng cao 63 tỷ đồng; hỗ trợ huyện NTM 20 tỷ đồng. Ngân sách huyện, xã khoảng 927 tỷ đồng. Doanh nghiệp và nhân dân đóng góp khoảng 189,7 tỷ đồng, các nguồn vốn lồng ghép khác gần 218 tỷ đồng.


  • Từ khóa
148454

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu