Thứ 2, 20/05/2024 12:34:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nông thôn mới 16:20, 25/10/2021 GMT+7

Xây dựng nông thôn mới - hành trình liên tục

Thứ 2, 25/10/2021 | 16:20:04 1,239 lượt xem

BPO - Cơ sở hạ tầng nông thôn khang trang, đồng bộ, thông suốt; cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng với nhiều mô hình hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao… đó là những điểm nhấn, thành quả nổi bật của thị xã Bình Long sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM). Niềm vui đó càng được nhân lên khi vừa qua thị xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng NTM năm 2020.

***

Năm 2011, thị xã Bình Long có 2 xã được đầu tư xây dựng NTM là Thanh Lương và Thanh Phú. Ở thời điểm đó, xã Thanh Lương đạt 5/19 tiêu chí, xã Thanh Phú đạt 4/19 tiêu chí. Với khí thế phấn khởi và quyết tâm cao, đến năm 2016 cả 2 xã đều cán đích NTM và từ đó đến nay luôn nỗ lực nâng cao tiêu chí đã đạt.

Vùng quê khởi sắc

Thời điểm năm 2011, 100% tuyến đường ở ấp Thanh Hải, xã Thanh Lương đều là đường đất chật hẹp, sình lầy. Thế nhưng đến nay 10,8km đường của ấp đã được bê tông hóa 100%. Ngoài đóng góp 2,5 tỷ đồng cùng với Nhà nước làm đường theo cơ chế đặc thù, nhân dân còn tự nguyện hiến mỗi bên 1m để mở rộng lộ giới. Người dân còn góp công, góp của trồng hoa 2 bên và lắp đèn đường tạo thành những tuyến đường kiểu mẫu “sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Hiện ấp không còn hộ nghèo, khu dân cư 6 năm liền đạt văn hóa với 99,1% gia đình văn hóa. Bà Phan Kim Toàn, Bí thư Chi bộ ấp Thanh Hải tự hào: “Từ chỗ phải lách cây mà đi, đến nay tất cả tuyến đường đều quang đãng, sạch sẽ, nhất là các ngõ ngách đều được bê tông. Vì vậy, người dân nơi đây rất phấn khởi, tin tưởng vào thành quả xây dựng NTM”. 

Nông dân xã Thanh Phú nâng cao thu nhập từ nuôi dê

Xã Thanh Lương có hơn 100km đường giao thông thì đến nay đã bê tông xi măng 74km. Xã đang tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường còn lại để phấn đấu cán đích NTM nâng cao vào cuối năm nay. Tương ứng với các tuyến đường bê tông là 50km đèn đường được đầu tư xây dựng, giúp người dân đi lại, phát triển sản xuất, vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Cơ sở vật chất văn hóa, các trường học cũng được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, đạt chuẩn theo quy định. 

Tại xã Thanh Phú, điểm nhấn ở địa phương này là sự đổi thay, khởi sắc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhờ sự quan tâm đầu tư 100% vốn xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu như điện, đường, thiết chế văn hóa và hỗ trợ vốn sản xuất của Nhà nước. Đặc biệt, các hộ dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại mà nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. 

“Trước đây bà con dân tộc S’tiêng trình độ nhận thức hạn chế nên nghèo khổ mãi. Tuy nhiên những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thì cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã bám sát từng gia đình, khu dân cư để tuyên truyền, vận động, “tiếp lửa” giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Hiện 100% con em đều được đến trường, người dân trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định. Đó là điều mà tôi rất phấn khởi về thành quả xây dựng NTM của Đảng, Nhà nước ta” - ông Nguyễn Thanh Huân, người dân xã Thanh Phú bày tỏ.

Nâng cao mức sống người dân là cốt lõi

Để xây dựng NTM thành công, điều cốt lõi là nâng cao mức sống người dân. Đặc biệt ở xã Thanh Lương đã hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu biểu là 16 tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi, trồng tiêu… giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật và doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản. So với năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của 2 xã được nâng lên đáng kể, năm 2020 đạt 62,2 triệu đồng, tăng hơn 4,5 lần; tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2 xã chỉ còn 0,3%, giảm 3,8%.

Thị xã Bình Long tiếp tục đầu tư xây dựng NTM nâng cao với mục tiêu xã Thanh Lương đạt chuẩn vào năm 2021, Thanh Phú đạt chuẩn vào năm 2023. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025 sẽ đầu tư nâng cao các tiêu chí đã đạt theo hướng bền vững; trong đó, phấn đấu xây dựng từ 25-30 tuyến đường NTM kiểu mẫu, 10-20 khu dân cư kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người của 2 xã đạt khoảng 78 triệu đồng/năm; hộ nghèo chỉ còn 0,2%; trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi ở mức dưới 0,5%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%.

Để có những kết quả nổi bật như hôm nay là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực lâu dài, bền bỉ của cả hệ thống chính trị, người dân. Đặc biệt, các xã đầu tư xây dựng NTM đều có xuất phát điểm thấp, nhưng mỗi công trình, phần việc, tiêu chí hoàn thành là một kinh nghiệm quý; mỗi địa phương hoàn thành nhiệm vụ đã góp phần cổ vũ địa phương khác cùng vượt qua khó khăn ban đầu để về đích NTM đúng hẹn, tạo sự đổi thay toàn diện, rõ nét ở khu vực nông thôn. 

“Để huy động cả hệ thống chính trị, người dân vào cuộc thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Đặc biệt, trong đóng góp xây dựng hạ tầng cơ sở, cán bộ, đảng viên phải làm gương thì mới vận động được người dân làm theo; trong đó, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít chứ không cào bằng” - Bí thư Chi bộ ấp Thanh Hải Phan Kim Toàn chia sẻ kinh nghiệm.

Hành trình không có điểm dừng

Để hoàn thành xây dựng NTM, giai đoạn 2011-2020 thị xã Bình Long đã đầu tư gần 483 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hơn 227 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 47 tỷ đồng, còn lại là các nguồn huy động khác, từ đó kết cấu hạ tầng nông thôn được xây dựng đồng bộ, khang trang. Cùng với hạ tầng giao thông, cơ cấu kinh tế của thị xã chuyển dịch đúng hướng, hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhờ đó năng suất, chất lượng cây trồng tăng lên đáng kể.

“Điểm nhấn mà thị xã đạt được đó là hạ tầng giao thông. Thị xã tập trung đầu tư để kết nối các vùng lân cận và giữa các xã với nhau tạo điều kiện cho người dân đi lại, sinh hoạt, phát triển kinh tế. Đặc biệt là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về đầu tư sản xuất, kinh doanh tại 2 xã NTM, từ đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân”.

Chủ tịch UBND thị xã Bình Long HOÀNG THỊ HỒNG VÂN


Là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nên Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các xã Bình Long đã tập trung toàn lực để sớm hoàn thành mục tiêu đề ra. Nhưng không phải mọi công việc đều “trôi chảy” mà luôn xuất hiện những khó khăn, thách thức cần vượt qua. “Khi tiếp nhận chương trình NTM thì bỡ ngỡ lắm và có nhiều câu hỏi đặt ra. Tuy nhiên, quá trình làm thì từng bước rõ dần những khúc mắc, khó khăn. Kinh nghiệm của chúng tôi là cái gì dễ, ít tiền làm trước và khó, nhiều kinh phí làm sau; đồng thời phải xác định tiềm năng, thế mạnh, mục tiêu đột phá để thực hiện. Ngoài huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, chúng tôi phát huy tối đa vai trò của người dân - chủ thể thực hiện, kiểm tra, giám sát và cũng chính là người thụ hưởng” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Lương Võ Văn Quốc nhấn mạnh.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
131737

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu