Thứ 2, 20/05/2024 10:04:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nông thôn mới 10:12, 30/07/2021 GMT+7

Khơi sức dân xây dựng nông thôn mới

Vũ Thuyên
Thứ 6, 30/07/2021 | 10:12:27 734 lượt xem
BPO - Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), với phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, “lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho dân”, nhiều chương trình, phần việc thiết thực đã được khơi dậy và nhận được sự đồng tâm hiệp lực của người dân. Từ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cùng với chung tay, góp sức của người dân, đến nay diện mạo các vùng nông thôn đã có nhiều khởi sắc, mang lại sự hài lòng cho chính người dân.

Phát huy tính tiên phong, gương mẫu

Để hoàn thành các tiêu chí NTM, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, không thể thiếu vai trò đóng góp của người dân. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, người dân đã hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM. Qua đó, ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình, tiêu biểu đi đầu trong phong trào hiến đất, cây trồng, vật kiến trúc, trả lại mặt bằng cho Nhà nước thi công các công trình. 

Cây Da là thôn rộng, xa và đông dân nhất xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập với 470 hộ/2.245 người. Hạ tầng cơ sở của thôn vẫn còn thiếu và yếu. Mặc dù thôn đã có nhà văn hóa nhưng diện tích nhỏ hẹp không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân. Không chỉ vậy, thôn có khoảng 250 cháu trong độ tuổi mầm non nhưng đến nay vẫn chưa có điểm trường để học. Để có phòng học, xã mượn 1 phòng của điểm trường tiểu học nhưng chỉ ưu tiên cho trẻ 5 tuổi. Số còn lại vì vậy vẫn chưa được đến lớp. Nguyên nhân là do thôn không còn quỹ đất công để xây dựng các công trình này.

Đường vào ấp Bình Phú, xã An Phú, huyện Hớn Quản được bê tông xi măng năm 2021 khang trang, sạch đẹp

Để có quỹ đất xây nhà văn hóa, điểm trường cho các cháu theo học và xã cán đích NTM vào năm 2022 là sự trăn trở của cấp ủy, chính quyền nhiều năm qua. Tuy nhiên, bài toán khó này đã có lời giải sau nhiều lần tuyên truyền, vận động. Đầu năm 2021, gia đình ông Vũ Văn Trường, thôn Cây Da đã hiến trên 3.200m2 đất. Từ diện tích đất hiến, dự kiến ngoài xây dựng nhà văn hóa, điểm trường mầm non, địa phương còn làm đường nối ra ĐT760 dài 290m, rộng 6m. Điều đặc biệt là trước đó gia đình ông Trường đã làm căn nhà cấp 4 ngay mặt tiền ĐT760 nhưng sau khi hiến đất, gia đình ông phải đập căn nhà đang ở để xây nhà mới bên cạnh, nhường khu đất hiến cho xã mở đường. 

“Vẫn biết hiến đất, cây trồng là thiệt thòi không nhỏ cho gia đình nhưng vì tương lai con em, người dân, gia đình tôi cũng ráng đóng góp một phần. Việc làm của gia đình là xuất phát từ cái tâm, vì cộng đồng chứ không có tư lợi gì ở đây” - ông Vũ Văn Trường nói.

Trước đó, thôn Tân Bình, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp không có quỹ đất xây dựng nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, nhất là người đứng đầu, năm 2017, bà Nguyễn Thị Sổ đang là Bí thư Chi bộ thôn Tân Bình đã hiến 300m2 đất cho thôn làm nhà văn hóa. Sau khi có đất, thôn được Nhà nước hỗ trợ và nhân dân đóng góp thêm kinh phí đã xây được nhà văn hóa rộng 200m2, với kinh phí 500 triệu đồng. Đây là nghĩa cử cao đẹp góp phần đưa xã Tân Tiến về đích NTM vào cuối năm 2019.

Cơ hội lớn cho người dân

Hằng năm, Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng để thực hiện tiêu chí NTM cho các địa phương, trong đó ưu tiên lớn nhất cho các xã về đích NTM. Trong 19 tiêu chí NTM, ưu tiên là giao thông, vì cần nguồn vốn lớn. Để hoàn thành tiêu chí giao thông, những năm qua, Bình Phước thực hiện theo cơ chế đặc thù. Đây là cơ hội rất lớn cho người dân, bởi nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì rất khó để thi công các tuyến đường.

Xã An Phú, huyện Hớn Quản là một trong 10 xã của tỉnh được đầu tư cán đích NTM năm 2021. Trong đó, năm nay xã được Nhà nước hỗ trợ làm gần 20km đường bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù. Chủ tịch UBND xã An Phú Mai Hoàng Phúc cho biết: Những năm trước, bình quân mỗi năm Nhà nước chỉ đầu tư làm 1-2km đường giao thông nông thôn nhưng năm nay hỗ trợ làm 18,5km theo cơ chế đặc thù, rộng 4m, dày 14cm. Đây là con số lớn nhất từ trước đến nay. Mặc dù phần lớn người dân làm nông nghiệp, điều kiện kinh tế khó khăn, nhà ở thưa, các tuyến đường dài, đóng góp vốn đối ứng lớn nhưng đây là cơ hội nên được người dân tích cực hưởng ứng. Để hoàn thành các tuyến đường giao thông, ngay từ đầu năm, lãnh đạo xã phối hợp các ấp tăng cường đối thoại, họp dân, đồng thời cho nhân dân đăng ký góp vốn đối ứng. Theo đó, ngoài hiến đất, cây trồng để mở rộng đường, người dân còn đóng góp kinh phí làm các tuyến bê tông xi măng. Đến nay, 50% tuyến giao thông trên địa bàn xã đã được bê tông, phấn đấu đến cuối tháng 9 hoàn thành 100%. Đặc biệt, tuyến đường liên ấp Bình Phú - Sóc Ru dài 2km, trong đó Nhà nước chỉ hỗ trợ bê tông rộng 4m, dày 14cm nhưng nhân dân đóng góp thêm làm rộng đến 5m. Sau khi hoàn thành đây là tuyến đường bê tông xi măng rộng, dài và đẹp nhất xã.

Sau 10 năm thực hiện xây dựng NTM, toàn tỉnh đã huy động nhân dân đóng góp hơn 630 tỷ đồng, doanh nghiệp gần 247 tỷ đồng. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 63,7 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,56%. Cuối năm 2020, toàn tỉnh có 60/90 xã về đích NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; năm 2021 phấn đấu thêm 10 xã về đích NTM và 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Tiên phong trong phong trào hiến đất, cây trồng và đóng góp kinh phí làm đường giao thông ở xã An Phú là gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn. Ngoài hiến hàng trăm mét vuông đất để mở rộng đường, gia đình ông còn ủng hộ 400 triệu đồng cùng Nhà nước bê tông các tuyến đường. “Nhà nước hỗ trợ 70%, nhân dân chỉ đóng góp 30%. Hơn 20 năm nay mới có cơ hội này, nếu không chớp thời cơ thì không biết khi nào mới có đường bê tông để đi. Vì thế, tôi bàn với các hộ dân nơi đây nên làm gương hiến đất, cây trồng, đóng góp kinh phí để cùng Nhà nước làm đường. Giao thông có phát triển thì đời sống người dân mới khấm khá lên được” - ông Nguyễn Văn Tuấn bày tỏ.

Thực hiện bê tông xi măng theo hình thức Nhà nước đầu tư 70%, nhân dân đối ứng 30%; đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, Nhà nước đầu tư 100% vốn. Theo đó, năm 2019, toàn tỉnh làm 1.000km, năm 2020 làm thêm 828km và năm 2021 phấn đấu làm 618km đường giao thông nông thôn.

Và những thành quả

Năm 2014, Đồng Phú là huyện đầu tiên của tỉnh có xã về đích NTM là Tân Lập. Đến nay, 10/10 xã của huyện đã về đích NTM và 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Tân Tiến. Bà Ngô Thị Thanh Chung, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Đồng Phú chia sẻ: Để có kết quả như hôm nay, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, không thể thiếu vai trò đóng góp của người dân. 5 năm qua, nhân dân trong huyện đã đóng góp gần 4.000 ngày công lao động và hơn 42,3 tỷ đồng làm 200km đường giao thông nông thôn. Đồng thời xây dựng hàng trăm công trình điện thắp sáng đường quê trị giá hơn 1,7 tỷ đồng; lắp 195 mắt camera an ninh trị giá gần 1,2 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện giảm còn 105 hộ nghèo, phấn đấu cuối năm 2021 giảm thêm 63 hộ.

Hiện thành phố Đồng Xoài và thị xã Phước Long đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng NTM. Thị xã Bình Long, huyện Chơn Thành và Đồng Phú cũng đã hoàn thành các tiêu chí, đang trình thẩm định và phê duyệt.

  • Từ khóa
127449

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu