Thứ 2, 20/05/2024 12:33:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nông thôn mới 14:13, 16/05/2021 GMT+7

Nông thôn mới ở huyện biên giới

Thanh Tuyền
Chủ nhật, 16/05/2021 | 14:13:38 1,135 lượt xem
BPO - Lộc Ninh là huyện biên giới của tỉnh Bình Phước. Huyện bước vào xây dựng nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm thấp so với nhiều nơi khác trong tỉnh. Năm 2011, khi triển khai thực hiện NTM, huyện đạt trung bình 1,05 tiêu chí NTM/xã, thu nhập bình quân 18,7 triệu đồng/người/năm. Đến nay, toàn huyện không còn hộ đói, hộ nghèo giảm còn 1,62%, kinh tế tăng trưởng khá. Lộc Ninh đang từng bước thay da đổi thịt, vững bước phát triển.

Qua 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, hiện Lộc Ninh có 10/15 xã đạt chuẩn, đạt 66,7% tổng số xã và đạt 125% so với chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Trong đó, có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 13,3%. Số tiêu chí bình quân của 15 xã là 16,8 tiêu chí/xã. Điều này đã góp phần cải thiện ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Tuyến đường giao thông liên xã Lộc Điền - Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Ông Bùi Phước Cường, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để đạt được kết quả này, huyện Lộc Ninh đã quán triệt, chỉ đạo các ngành, xã tập trung mọi nguồn lực từ cân đối nguồn vốn ngân sách các cấp đến huy động sức mạnh của toàn dân chung tay xây dựng NTM. Qua việc lồng ghép tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt chuyên đề, các hội thi, buổi sinh hoạt khu dân cư, trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến xã, chương trình NTM đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân. 

Hiệu quả nhất trong chương trình xây dựng NTM của huyện Lộc Ninh là việc triển khai Đề án 03 làm đường giao thông theo phương châm “Nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ vật tư’’. Sau khi kết thúc đề án, huyện tiếp tục triển khai làm đường theo Nghị định số 161/NĐ-CP của Chính phủ. Tính từ khi triển khai làm đường bê tông xi măng đến nay, Lộc Ninh đã thực hiện được 431,5km, với tổng kinh phí trên 220 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân tham gia đóng góp hơn 73,8 tỷ đồng, tỉnh hỗ trợ 45.343 tấn xi măng, huyện hỗ trợ 94.634m3 cát, 243.708m3 đá. 

Tính riêng năm 2020, toàn huyện được đầu tư làm 46km đường nhựa, 14,2km đường cấp phối sỏi đỏ. Trong đó, riêng 2 xã Lộc Thiện, Lộc An về đích NTM trong năm là 14,96km nhựa và trên 12km sỏi đỏ. Về làm đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù, đến nay đã thực hiện được 100/106km, đạt 100% so với tỉnh giao. Tổng kinh phí thực hiện làm đường 85 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ cát, đá 26,875 tỷ đồng; xi măng tỉnh hỗ trợ 19,75 tỷ đồng và nhân dân tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc, cây trồng, đóng góp tiền, ngày công lao động trên 25,5 tỷ đồng; vận động các nguồn khác 12,875 tỷ đồng.

Huyện Lộc Ninh tiếp tục vận động nhân dân đóng góp lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng nông thôn. Năm 2020, thực hiện được 40km, nâng tổng số tuyến đường điện chiếu sáng nông thôn lên 125km. “Từ khi chính quyền địa phương triển khai đề án điện chiếu sáng đường giao thông nông thôn, người dân tích cực thực hiện, có điện đường cuộc sống của người dân và diện mạo nông thôn thêm đổi mới nhiều mặt’’- ông Đỗ Văn Nghĩa Việt, ấp Quyết Thành, xã Lộc Khánh phấn khởi nói.

2 xã NTM nâng cao Lộc Hiệp và Lộc Thái được đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình thiết yếu như điện, đường, trường học, nhà văn hóa để nâng chất các tiêu chí. Đồng thời, các xã đã thành lập các tổ tự quản về an ninh trật tự, tổ xử lý môi trường nông thôn, tổ giúp nhau làm kinh tế, xây dựng các tuyến đường hoa, điện chiếu sáng để đạt khu dân cư kiểu mẫu.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, huyện vẫn còn những khó khăn. Đó là: Ngân sách nhà nước bố trí để thực hiện chương trình còn ít, chậm giao vốn nên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế cũng như tiến độ thực hiện các công trình. Một số công trình có tỷ lệ vốn đối ứng lớn, trong khi đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhất là các hộ dân tộc thiểu số nghèo, các hộ bị thiệt hại cây trồng do thiên tai gây ra hoặc một số tuyến đường thưa dân cư nên mức đóng góp cao... từ đó rất khó huy động.

Theo ông Bùi Phước Cường, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết tập trung, khai thác hiệu quả lợi thế vùng miền, tạo đột phá phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nâng cao thu nhập cho người dân; tập trung huy động các nguồn lực để triển khai chương trình cho 5 xã còn lại. Phấn đấu đến năm 2023 có 15/15 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có trên 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, mỗi xã có ít nhất 2 khu dân cư đạt kiểu mẫu, 3 hợp tác xã nông nghiệp và 6 tổ hợp tác, đến năm 2024-2025 đưa huyện biên giới Lộc Ninh đạt chuẩn NTM đúng lộ trình đã đề ra. 

  • Từ khóa
123499

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu