Thứ 5, 18/04/2024 12:07:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thanh niên 04:45, 25/08/2022 GMT+7

KỶ NIỆM 50 NĂM CHIẾN THẮNG CHỐT CHẶN TÀU Ô (28-8-1972 - 28-8-2022)

Tàu Ô - thắp lửa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Lê Na
Thứ 5, 25/08/2022 | 04:45:46 1,209 lượt xem
BPO - 50 năm đã trôi qua sau chiến thắng lịch sử Chốt chặn Tàu Ô (28-8-1972 - 28-8-2022), huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước đang thay đổi, chuyển mình phát triển từng ngày và “địa chỉ đỏ Tàu Ô - Xóm Ruộng” vẫn vẹn nguyên giá trị. Không chỉ góp phần quan trọng làm nên một thiên anh hùng ca vĩ đại của dân tộc ta ở thế kỷ XX, nơi đây còn lưu giữ ký ức hào hùng của một thời hoa lửa. Qua đó tiếp tục khơi dậy, lan tỏa tinh thần yêu nước, tiếp lửa truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Tự hào tuổi trẻ đất anh hùng 

Năm 2012, di tích địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Những ngày này, trong không khí sôi nổi của lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tỉnh Bình Phước nói chung và thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản nói riêng lại có dịp đến thăm, dâng hương tưởng niệm tại Di tích địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô.

Đoàn viên thanh niên thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản thắp hương tưởng niệm tại Tượng đài chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô

Không giấu được niềm vui, em Diệp Khải My, học sinh lớp 10T10, Trường THPT chuyên Bình Long, thị xã Bình Long chia sẻ: Em luôn tự hào là người con của mảnh đất Tân Khai anh hùng. Từ khi còn nhỏ, em đã biết đến chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô qua lời kể của ông, bà nội. Khi tượng đài chiến thắng và di tích Tàu Ô chưa được xây dựng, em và các bạn trong xóm thường xuyên ra đây chơi. Sau này, việc học nhiều hơn, em chỉ ghé thăm di tích vào những ngày đặc biệt, như dịp lễ lớn của dân tộc, ngày tết và các đợt sinh hoạt đoàn - đội dưới chân Tượng đài chiến thắng Tàu Ô.

Đối với em Trương Gia Huy, học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, huyện Hớn Quản, câu chuyện lịch sử về chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô tại các buổi “Ông kể, cháu nghe” do các cựu chiến binh kể lại luôn là những buổi sinh hoạt dưới cờ sinh động, hấp dẫn. “Em đã nhiều lần được đến thăm di tích Tàu Ô. Nhìn các tấm bia đá, đọc tên, quê quán, tuổi của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống tại đây, em rất xúc động. Nhiều người hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc, mang lại hòa bình, yên vui cho chúng em như ngày nay. Em tự hứa rằng, mình phải học tập thật tốt để sau này đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước” - Huy chia sẻ.

Di tích địa điểm Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ 

Tự hào với truyền thống cách mạng, những năm qua, tuổi trẻ Hớn Quản đã biến suy nghĩ thành hành động, tích cực tham gia các hoạt động đoàn - hội - đội với nhiều công trình, phần việc ý nghĩa. Trong đó, từ năm 2017 đến nay, các cấp bộ đoàn trong toàn huyện đã vận động trao tặng hàng ngàn phần quà, hàng trăm suất học bổng với tổng trị giá hơn 2,6 tỷ đồng; thực hiện 9 công trình cầu, cống thanh niên, trị giá hơn 2,4 tỷ đồng; xây tặng 23 căn nhà nhân ái, nhà thanh niên, nhà khăn quàng đỏ, trị giá gần 2 tỷ đồng; lắp đặt 51 công trình thanh niên “Thắp sáng đường quê”, tổng trị giá hơn 2,5 tỷ đồng; thực hiện 200 chương trình an sinh xã hội, xuân yêu thương với tổng nguồn lực cho các chương trình trên 3,5 tỷ đồng…

Phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”

Tháng 11-2014, UBND huyện Hớn Quản ban hành Quyết định số 2152-QĐ/UBND về việc phê duyệt Đề án tuyên truyền “Tự hào lịch sử Việt Nam” cho thanh thiếu niên huyện Hớn Quản giai đoạn 2015-2020. Sau này, địa phương tiếp tục triển khai đề án trong giai đoạn 2020-2025. Đề án được coi là dấu mốc quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Hớn Quản.

Thiếu nhi huyện Hớn Quản thăm, chụp hình lưu niệm tại Di tích địa điểm Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô 

Anh Lê Văn Quý, Phó bí thư Huyện đoàn Hớn Quản chia sẻ: Trước năm 2015, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh thiếu nhi toàn huyện được thực hiện bằng cách lồng ghép vào các chương trình phát triển thanh niên hoặc dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn. Sau khi đề án được triển khai, có bố trí kinh phí đã giúp chúng tôi chủ động thực hiện hiệu quả hơn trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh thiếu nhi toàn huyện. Các cấp bộ đoàn trong huyện đã lập kế hoạch đồng bộ, cụ thể, chia thành từng giai đoạn, theo lộ trình khác nhau để việc tuyên truyền được hiệu quả. Từ đó, hàng ngàn buổi sinh hoạt về lịch sử Việt Nam, lịch sử địa phương được các cấp bộ đoàn toàn huyện thực hiện.

Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử địa phương. Các cấp bộ đoàn toàn huyện đã tổ chức cho học sinh tại các trường học đến tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Di tích địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô. Tổ chức hàng trăm buổi lễ kết nạp đoàn viên trang trọng dưới chân Tượng đài chiến thắng Tàu Ô. ĐVTN Hớn Quản cũng đã đảm nhận việc vệ sinh, chăm sóc, làm đẹp cảnh quan di tích… Thông qua những chương trình, hoạt động ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó đã truyền lửa cách mạng, góp phần khơi dậy niềm tự hào, tinh thần yêu nước trong ĐVTN, học sinh toàn huyện.

Cùng với niềm tự hào, tuổi trẻ Hớn Quản càng ý thức sâu sắc trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy giá trị Di tích địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô. Công trình này đã và đang là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, để mạch nguồn lịch sử chảy mãi trong lòng mỗi ĐVTN Hớn Quản.

Anh LÊ VĂN QUÝ,
Phó bí thư Huyện đoàn Hớn Quản


  • Từ khóa
149363

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu