Thứ 2, 20/05/2024 18:06:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 09:40, 18/09/2020 GMT+7

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC TỈNH BÌNH PHƯỚC LẦN THỨ V NĂM 2020

Cô giáo tâm huyết với nghề, có trái tim nhân hậu

Trần Thị Bích Lệ
Thứ 6, 18/09/2020 | 09:40:00 793 lượt xem

BPO - Cuộc thi viết về “Mô hình tiêu biểu, điển hình tiên tiến xuất sắc, gương người tốt, việc tốt” trong phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2016-2020 lần đầu tiên được tổ chức, nhưng đã có số lượng lớn tác phẩm tham gia dự thi (547 tác phẩm). Kết quả chấm điểm qua các vòng thi cho thấy, các tác phẩm dự thi có nội dung phong phú, đa dạng, nhiều mô hình tiêu biểu, gương điển hình tiên tiến được giới thiệu trong tác phẩm dự thi bao quát được tất cả lĩnh vực đời sống xã hội... Đài Phát thanh truyền hình và Báo Bình Phước xin giới thiệu đến độc giả một trong những bài viết đạt giải cao tại cuộc thi.

Cô giáo tâm huyết với nghề, có trái tim nhân hậu

Qua gần 30 năm công tác, tôi rất may mắn, vinh dự được gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với rất nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị, địa phương trong và ngoài huyện. Quá trình đó, tôi thấy rất nhiều người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, tâm huyết, nhiệt tình với công việc, không ngại khó, ngại khổ để cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó, tôi đặc biệt cảm phục tấm gương trong sáng, tiêu biểu của cô giáo Lưu Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Lộc Hưng, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh.

Với 38 tuổi đời, 21 năm tuổi nghề, đi lên từ điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, cô Hiền luôn say mê lao động, ra sức học tập, không ngừng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vượt qua mọi trở ngại, khó khăn để vươn lên, không ngừng hoàn thiện bản thân về mọi mặt. Cô đã tạo được lòng tin không chỉ trong đồng nghiệp nhà trường nơi cô công tác, mà còn lan tỏa đến đồng nghiệp trong ngành giáo dục huyện với những thành tích đáng nể.

VÌ HỌC SINH THÂN YÊU

Trách nhiệm, tâm huyết với nghề, cô Hiền đã khơi dậy tính năng động, sáng tạo, tinh thần đoàn kết, sự quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ của phụ huynh và để lại những dấu ấn quan trọng tại ngôi trường Mẫu giáo Vàng Anh, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh trong những năm cô công tác. Bởi ngôi trường này ở địa bàn xã biên giới, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, mới được chia tách năm 2012. Giai đoạn đó, khi tiếp xúc với cô Hiền, thấy được những thuận lợi, khó khăn, những tâm tư, nguyện vọng chính đáng và khao khát, ước mơ của cô, tôi đã có những gợi ý, tư vấn, chia sẻ một chút kinh nghiệm, cách làm và được cô Hiền lắng nghe, tiếp thu, từng bước vận dụng sáng tạo. Cô Hiền đã cùng tập thể Chi bộ, Ban giám hiệu, các đoàn thể nhà trường và đội ngũ giáo viên tranh thủ sự ủng hộ của Ban đại diện cha mẹ học sinh để từng bước hình thành, xây dựng, phát triển, bổ sung nhiều công trình, sân chơi, nhiều hạng mục có giá trị. Từ đó giúp trường khang trang, sạch, đẹp hơn, là hình mẫu để các trường đến tham quan, học tập, áp dụng.

Cô Hiền đã cùng với tôi xây dựng, thực hiện và có 1 sáng kiến đạt cấp tỉnh năm 2017: “Vận dụng sáng tạo các mô hình “Dân vận khéo” nhằm tăng cường xây dựng cơ sở vật chất tại Trường mẫu giáo Vàng Anh, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước - trường thuộc xã biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống”. Nếu có dịp đến thăm trường, mọi người có thể thấy sự thay đổi ngoạn mục về mọi mặt so với thời gian đầu, nơi nào cũng có bàn tay chăm sóc của các cô giáo và sự hỗ trợ, góp công sức của phụ huynh và nhiều lực lượng.

Khi được huyện điều động, luân chuyển về giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Lộc Hưng, cô vui vẻ và nghiêm túc chấp hành. Bằng những kinh nghiệm, tâm huyết của mình có được trong nghề, cô tiếp tục áp dụng linh hoạt tại ngôi trường mới này. Kết quả, ngôi trường từng bước chuyển mình, được “khoác lên chiếc áo mới”.

LAN TỎA YÊU THƯƠNG TỪ TẤM LÒNG NHÂN ÁI

Trong những ngày cả nước tập trung cao độ phòng, chống dịch Covid-19, các trường học trong cả nước phải tạm nghỉ. Thời gian này, cô Hiền lại có những hoạt động rất đáng trân quý. Khi nghe tin Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức khu cách ly tập trung tại trụ sở Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh (cũ), cô chủ động vận động thêm một số đồng nghiệp tham gia hỗ trợ khâu sơ chế các suất ăn phục vụ người đang cách ly tập trung. Không chỉ vậy, điều làm tôi cảm phục hơn đó là cô Hiền còn sử dụng một phần tiền bán hàng online là một số món ăn cô và chị gái tự làm đợt nghỉ phòng chống dịch, tiết kiệm tiền lương của mình mua, đóng góp, ủng hộ khu cách ly tập trung trị giá hơn 3 triệu đồng. Cô tích cực vận động thêm bạn bè, người thân ủng hộ 6,6 triệu đồng để mua 20 thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh hoàn cảnh khó khăn; dịp tết cổ truyền của đồng bào Khơme, cô vận động được 14 phần quà, mỗi phần trị giá 300 ngàn đồng, tặng các hộ nghèo và người neo đơn; vận động 5 triệu đồng mua và tặng quà các em thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số và trẻ trong trường nhân Ngày quốc tế thiếu nhi (1-6). Khi nghe, xem các chương trình như “Khát vọng sống”, “Chia sẻ nỗi đau” của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, thấy những hoàn cảnh thương tâm, cô đã tự nguyện đóng góp và kêu gọi bạn bè ủng hộ, mỗi đợt 3-4 triệu đồng để sẻ chia.

Lưu Thị Thu Hiền (SN1982) tại tỉnh Nghệ An. Sau khi học hết lớp 9, gia đình khó khăn nên cô theo anh chị vào Nam sinh sống tại Bình Long. Mơ ước được làm cô giáo từ nhỏ, tốt nghiệp THCS, cô không học tiếp lên cấp 3 mà đăng ký thi sơ cấp sư phạm mầm non (hệ 9+1) tại Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước (nay là Trường cao đẳng Bình Phước). 1 năm sau cô tốt nghiệp, được phân công về làm giáo viên tại Trường mẫu giáo An Lộc, huyện Bình Long (cũ). Sau đó, cô kinh qua nhiều vị trí công tác và hiện là Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Lộc Hưng.

Cũng trong thời gian nghỉ để phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của bộ, sở, phòng GD&ĐT huyện về tổ chức học, dạy online, cô Hiền đã nhanh chóng triển khai, vận động giáo viên tổ chức thực hiện. Kết quả thật bất ngờ, chỉ trong thời gian ngắn đã có 18 giáo viên của trường tự thực hiện các clip dạy học. Cô Hiền đã chọn 8 clip gửi báo cáo và xin ý kiến của Phòng GD&ĐT, trong đó 6 clip được phê duyệt và được phép đăng, truyền tải tới phụ huynh, học sinh trên Zalo, website của trường. Cô Hiền cũng đang hoàn chỉnh sáng kiến năm học 2019-2020: “Sử dụng biện pháp giáo dục truyền thông online với trẻ mầm non trong thời gian nghỉ học do dịch bệnh Covid-19”.

GẶT HÁI “TRÁI NGỌT”

Quá trình tiếp xúc với cô Hiền, tôi nhận thấy cô rất hòa đồng, khiêm tốn, luôn lắng nghe, học hỏi. Cô luôn giữ mối quan hệ tốt và thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, xác định rõ vai trò khi nào là bí thư cấp ủy, khi nào là thủ trưởng đơn vị. Tôi cũng đã theo dõi, tiếp cận những vấn đề này mỗi khi có dịp đến trường, nghiên cứu sổ sách ghi chép các cuộc họp, sổ nghị quyết của chi bộ.

Nhìn lại những thành quả cô Hiền gặt hái được suốt thời gian qua mới thấy thật đáng khâm phục và trân trọng những gì cô đã cống hiến, đóng góp: 1 bằng khen của Bộ GD&ĐT, 3 bằng khen của UBND tỉnh, 9 danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 6 giấy khen của Sở GD&ĐT, 3 giấy khen của UBND huyện, 1 bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh, 3 giấy khen của Liên đoàn Lao động huyện, 5 giấy khen của UBND xã.

Cô Hiền thật sự là tấm gương sáng để tôi và mọi người học tập, làm theo. Cảm nhận sâu sắc về phẩm chất đạo đức, năng lực và sự phấn đấu không ngừng của cô, tôi quyết định viết bài tham gia dự thi này, với mong muốn tấm gương của cô sẽ được lan tỏa, nhân rộng góp phần đưa xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Xin chúc cô Hiền tiếp tục phấn đấu và gặt hái thêm nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa trong thời gian tới.

  • Từ khóa
89932

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu