Thứ 2, 20/05/2024 15:48:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 07:31, 05/09/2020 GMT+7

Chuyện đầu năm học mới ở Bù Đăng

Vũ Thuyên
Thứ 7, 05/09/2020 | 07:31:00 743 lượt xem
BPO - Giáo dục huyện miền núi Bù Đăng ngày nay đã khởi sắc. Trường lớp khang trang, trang thiết bị cơ bản đầy đủ, thầy trò không còn cảnh phải dạy và học trong các phòng tạm, lớp ghép… Đó là bức tranh chung về nhiều ngôi trường vùng sâu, xa, song công tác tuyển sinh, vận động các em người dân tộc thiểu số (DTTS) đến lớp vào đầu năm học mới vẫn còn lắm gian nan, nhọc nhằn.
Điểm trường Đắk Ma, Trường tiểu học Võ Thị Sáu, xã Đường 10 được xây dựng 3 phòng học mới đưa vào sử dụng từ năm học 2019-2020

Trái ngược với bức tranh ở khu vực thành thị khi vào mùa tuyển sinh phụ huynh phải mắc võng chờ xuyên đêm mới có được suất học trường công, lớp bán trú, thì tại vùng sâu, xa, DTTS, nhà trường phải huy động 100% thầy cô phối hợp chính quyền sở tại tổ chức các đoàn “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” vận động các em đến lớp.

Gian nan đầu năm học mới

Ròng rã hơn 1 tháng nay, trong khi thầy cô giáo của nhiều trường được nghỉ hè, vui chơi bên gia đình thì tại 6 điểm trường của Trường mẫu giáo Phước Sơn, xã Phước Sơn, các cán bộ, giáo viên phải túc trực để tuyển sinh năm học mới. Dù kế hoạch tuyển sinh được phát trên loa phát thanh xã hằng ngày và dán thông báo tại các điểm trường, nơi công cộng nhưng đến cuối tháng 8 chỉ đạt hơn 50%. Hiệu trưởng Bùi Thị Thu chia sẻ: Hằng năm, trường có trên dưới 300 học sinh/12 lớp, trong đó 75% là người dân tộc S’tiêng, Tày, Nùng... Học sinh DTTS đông, học ở nhiều điểm trường, dân sống thưa, hoàn cảnh gia đình khó khăn cùng với cơ sở vật chất không đảm bảo, chưa có bếp ăn bán trú… là những rào cản vận động đến lớp. Bên cạnh đó, nhận thức của phụ huynh chưa coi trọng bậc mầm non và theo truyền thống bao đời nay của họ là đến ngày toàn dân đưa trẻ đến trường mới đưa con em đến lớp. Vì thế, sau ngày khai giảng mới biết trẻ nào chưa đi học để tổ chức vận động. 

Ngoài các hoạt động chuyên môn, sau lễ khai giảng là cuộc hành trình gian nan “bắt” trẻ đến lớp của các giáo viên. Tranh thủ lúc xế chiều hoặc ngày nghỉ lễ, giáo viên phối hợp ban thôn đi vận động. Có em chỉ đến 1 lần nhưng có em phải đến 6 lần mới gặp vì trẻ thường theo cha mẹ đi làm ăn xa hoặc trốn tránh khi thấy người lạ. Phần lớn trẻ DTTS là con em hộ nghèo, khó khăn thế nên như đã mặc định sẵn là vận động luôn phải kèm với quà. “Dụ” được các em ra lớp đã khó mà duy trì sĩ số càng khó hơn. Hằng năm, ngoài hỗ trợ các khoản theo quy định, để “giữ chân” các em, những trường hợp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trường vận động nhà hảo tâm hỗ trợ 200 ngàn đồng/em/tháng. Gian nan là vậy nhưng tỷ lệ vận động trẻ 5 tuổi đến lớp hằng năm trường chỉ đạt trên 98%, 4 tuổi đạt 70%, 3 tuổi đạt 20%.

Thầy Trần Bá Quân, Hiệu phó Trường tiểu học Võ Thị Sáu, xã Đường 10 cho biết: Năm học 2020-2021, trường sẽ đón 124 trẻ 6 tuổi vào lớp 1, trong đó khoảng 50% là trẻ DTTS. Trong số 124 em thì 20 em chưa qua mẫu giáo. Đây cũng là những trường hợp khó vận động, bởi phần lớn là con em người S’tiêng, Mơnông, nhà ở xa trường, nhút nhát, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Để thông tin đến phụ huynh về kế hoạch tuyển sinh lớp 1, ngay từ đầu dịp nghỉ hè, trường phối hợp với xã phổ biến đến các trưởng thôn, đồng thời thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Đến ngày 31-7, tổng hợp chốt danh sách, trường hợp nào chưa nộp hồ sơ nhập học thì trường phân bổ giáo viên phối hợp cùng ban thôn đi vận động. 

“Ròng rã 1 tháng nay, ngoài cắt cử cán bộ, giáo viên thường xuyên túc trực tại 3 điểm trường nhận hồ sơ nhập học thì mỗi điểm, trường phân công 5 giáo viên đi vận động. Khó khăn nhất hiện nay là ở điểm trường thôn 5. Điểm này có 20 học sinh DTTS vào lớp 1, trong đó nhiều em nhà ở xa trường từ 12-15km, giao thông cách trở nên vận động rất vất vả. Để đến tận nhà các em, thầy cô đã nhiều lần băng suối, vượt hàng chục kilômét đường đất nhưng đến nay vẫn còn 13 hồ sơ chưa nhập học. Công tác vận động còn rất dài với nhiều khó khăn trước mắt nhưng trường không để bất cứ học sinh nào bỏ học” - thầy Trần Bá Quân nói.

Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh

Bù Đăng có số lượng trường, lớp đông nhất toàn tỉnh và cũng là huyện tồn tại nhiều phòng học tạm, mượn nhất. Nhưng với sự quan tâm đầu tư của cấp ủy, chính quyền, sự góp sức của người dân, nhà hảo tâm, cuối năm 2019 huyện đã xóa 100% phòng học tạm, mượn. Tuy nhiên, 2020-2021 là năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 nên sẽ phát sinh nhiều vấn đề khác… Dù còn nhiều khó khăn nhưng các thầy luôn tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh.

Thầy Hiệu phó Trần Bá Quân chia sẻ thêm: Trước đây, các điểm lẻ chỉ dạy 1 buổi/ngày nhưng từ đầu năm học 2020-2021, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nên sẽ dạy 2 buổi/ngày đối với lớp 1. Tuy nhiên, phần lớn là học sinh DTTS nên không chỉ lớp 1 mà trường chủ động tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho tất cả khối lớp nhằm bổ sung kiến thức và tránh tình trạng bỏ học. Do chưa có bếp ăn bán trú nên việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày phát sinh nhiều vấn đề như tăng thêm giáo viên, tổ chức bữa ăn trưa cho các em... Nhằm giúp những học sinh ở xa, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có suất ăn trưa miễn phí để ở lại học buổi chiều, đầu năm học này trường dự định sẽ vận động hỗ trợ khoảng 30 suất/ngày tại điểm trường thôn 5. Để thực hiện được, trước mắt nhà trường vận động tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên tiên phong đóng góp 1 ngày lương, sau đó sẽ tìm cách kêu gọi phụ huynh, mạnh thường quân ủng hộ.

Trường tiểu học Đăng Hà, xã Đăng Hà có 484 học sinh/23 lớp/4 điểm, trong đó 82% là con em người DTTS. Khoảng 5 năm trước, công tác vận động học sinh ra lớp cũng gặp nhiều gian nan, trắc trở do nhà các em ở xa trường, hoàn cảnh gia đình khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn. Nhưng những năm gần đây, công tác vận động học sinh ra lớp không còn là việc khó, bởi trường đã xây dựng bếp ăn tình thương cho các em. Thông qua mạng xã hội, cơ quan báo chí, nhà trường đã kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân hỗ trợ hàng chục suất ăn trưa/ngày. Riêng năm học 2019-2020, trường vận động hỗ trợ kinh phí, gạo, thực phẩm và vận động phụ huynh, giáo viên nấu 80 suất ăn/ngày. Năm học này, trường vẫn tiếp tục duy trì để giúp các học sinh đặc biệt khó khăn.

  • Từ khóa
89892

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu