Thứ 2, 20/05/2024 18:13:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 13:22, 28/08/2020 GMT+7

Rộn ràng lớp học hè tiếng Khơme

Ngọc Quế
Thứ 6, 28/08/2020 | 13:22:00 463 lượt xem
BPO - Đã trở thành thông lệ, vào dịp nghỉ hè, các chùa Khơme trên địa bàn huyện Lộc Ninh lại mở lớp dạy chữ Khơme cho con em đồng bào nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Qua đó, giúp các em có thêm tình yêu đối với tiếng mẹ đẻ, hiểu được phong tục, tập quán và bản sắc của dân tộc mình cũng như tạo không gian sinh hoạt lành mạnh, bổ ích trong kỳ nghỉ hè.

Nâng cao hiểu biết về giá trị truyền thống

Cứ đến dịp hè, chùa Serey Odom ở xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh lại tiếp nhận học sinh là con em đồng bào Khơme đến học tiếng nói, chữ viết Khơme. Nhà chùa đã duy trì việc dạy chữ Khơme từ năm 2003.

Năm nay, thời gian nghỉ hè chỉ 1,5 tháng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Vì thế, thời gian học hè của các em cũng ngắn lại. Hiện chùa Serey Odom đã tiếp nhận 110 học sinh ở các độ tuổi từ 4-15, học từ lớp 1 đến lớp 4 theo bộ sách tiếng Khơme. Đầu tháng 7, nhà chùa đã kiểm tra và phân lớp theo trình độ tiếng Khơme. Đối với những em mới đi học lần đầu hoặc đã học mà quên sẽ được học các lớp vỡ lòng, căn bản. Còn các em đã nhận biết được mặt chữ hay đọc thành thạo sẽ học các lớp nâng cao. Mỗi lớp có những giáo án, bài giảng khác nhau, phù hợp trình độ của mỗi em.

Giờ học đọc của học sinh chùa Serey Odom, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh

Đang theo học lớp 4 tiếng Khơme, em Lâm Huy Hoàng, học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Lộc Ninh chia sẻ: Học hè ở chùa giúp con biết đọc chữ, viết chữ của dân tộc mình. Ngoài bài học, các sư còn dạy một số bài kinh với những điều hay, lẽ phải trong cuộc sống.

Thượng tọa Thạch Danh, trụ trì chùa Serey Odom cho biết: Chùa tổ chức dạy chữ Khơme giúp các em biết nói, biết chữ và tìm hiểu kinh, kệ, phật pháp để giữ gìn bản sắc văn hóa, tập quán của dân tộc mình. Có những em đã theo học tiếng Khơme ở chùa năm trước thì năm sau lại tiếp tục đến học và dẫn theo anh, chị mình cùng đi học. Đến chùa, ngoài được học về ngôn ngữ, chữ viết Khơme, các em còn được các sư giáo dục đạo đức, lối sống, những điều hay lẽ phải, đạo lý làm người, truyền thống quý báu và bản sắc văn hóa dân tộc… Từ đó, giúp các em nâng cao kiến thức, rèn luyện nhân cách để trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội.

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Hè năm nay là hè thứ 10 chùa Sóc Lớn ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh tổ chức khóa học chữ Khơme cho con em dân tộc Khơme. Khóa học này, chùa đón nhận khoảng 250 học sinh theo học từ lớp 1 đến lớp 5, học vào 3 buổi sáng, chiều và tối trong tuần. Tùy theo trình độ mỗi lớp, các em được học theo mức độ tăng dần nhưng vẫn đảm bảo các bộ môn tiếng Khơme, tập viết, nghe giảng kinh và sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật. Đối với lớp lớn, các em được học thêm về ngữ pháp, chính tả, giải từ, ca dao - tục ngữ, lịch sử Đức Phật… “Em học chữ Khơme ở chùa năm nay là năm thứ 6. Em luôn cố gắng học tập để sau này tuyên truyền, vận động và giúp đỡ bà con mình có cuộc sống ngày càng tốt hơn” - em Thị Nhung, học sinh Trường THPT Lộc Thái chia sẻ.

Thượng tọa Thạch Nê, trụ trì chùa Sóc Lớn cho biết: Giáo viên trực tiếp giảng dạy là các vị sư và phật tử có trình độ học vấn cao, là người có uy tín trong cộng đồng. Nhà chùa chú trọng chất lượng học tập cho học sinh. Chương trình dạy luôn được đổi mới, bám sát bộ sách giáo khoa tiếng Khơme. Trong quá trình dạy, giáo viên còn xây dựng nhiều hoạt động hấp dẫn, như trò chơi, liên hệ thực tế để tạo hứng thú, giúp các em tiếp thu và ghi nhớ bài học tốt hơn. Kết thúc mỗi khóa học, chùa tổ chức thi và trao thưởng cho các em có thành tích cao để động viên, khích lệ. Điển hình, khóa học hè năm 2019, chùa trao tặng 6 máy vi tính và 2 mắt kính cận, loạn thị cho các học sinh tiêu biểu, trị giá gần 80 triệu đồng; hỗ trợ ăn trưa trong 2 tháng, trị giá 40 triệu đồng, cùng các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các em, trị giá gần 30 triệu đồng.

Ngoài học các bộ môn theo giáo trình tiếng Khơme, các em theo học tại chùa Sóc Lớn còn được học và làm quen với chữ viết Khơme trên máy tính, đánh văn bản bằng chữ Khơme đúng chính tả, ngữ pháp. Mỗi ngày, các em đều có ít nhất 1 tiếng đồng hồ được học kinh tụng và sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật. Đồng thời tập các bài hát, điệu múa, đánh đàn ngũ âm, giúp các em biết về cội nguồn, lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Thượng tọa Thạch Nê cho hay: Ngoài dạy tiếng nói, chữ viết, nhà chùa còn giáo dục về đạo đức, nhân cách sống, sự hiếu thảo và các nghi thức trong giao tiếp, ứng xử... Qua đó, giúp các em từng bước tiếp thu, lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình; xem việc học tập tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình là nhu cầu, nguyện vọng thiết thực. Nhà chùa còn hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh ở xa nhà, hoàn cảnh khó khăn theo học và cung cấp một phần ăn trưa giúp các em có thêm năng lượng cho buổi học chiều. 

  • Từ khóa
89864

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu