Thứ 2, 20/05/2024 09:46:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 09:03, 31/05/2020 GMT+7

Học đường không thuốc lá, rượu bia

Phạm Quang
Chủ nhật, 31/05/2020 | 09:03:00 299 lượt xem
BPO - Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá và Ngày thế giới không thuốc lá (31-5), nhiều cơ sở giáo dục, trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề “Học sinh nói không với thuốc lá, rượu bia”. Hoạt động này càng được tuyên truyền đậm nét tại một số trường trên địa bàn huyện miền núi, biên giới Bù Gia Mập.

Trường THCS Lý Thường Kiệt, thôn 1, xã Phú Văn có gần 50% học sinh dân tộc thiểu số. Vừa qua, hơn 100 học sinh được trường tổ chức sinh hoạt tập thể chuyên đề “Phòng, chống tác hại của thuốc lá”. Đây là hoạt động thiết thực của tập thể thầy cô và học sinh trường hưởng ứng tích cực Tuần lễ quốc gia không thuốc lá và Ngày thế giới không thuốc lá, với những thông tin cụ thể, hình ảnh trực quan sinh động, các trò chơi đố vui có thưởng...

Việt Nam hiện có gần 16 triệu người hút thuốc lá. Con số này đưa nước ta vào “top 3” khối ASEAN và đứng thứ 9 thế giới về số người hút thuốc lá. Theo thống kê của ngành y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40 ngàn người tử vong vì các bệnh liên quan tới thuốc lá. Con số này sẽ tăng lên 70 ngàn người/năm vào năm 2030 nếu không có các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá hiệu quả.

Em Lê Hoàng Yến, học sinh lớp 9.1, Trường THCS Lý Thường Kiệt chia sẻ ngay sau buổi sinh hoạt chuyên đề: Qua chương trình trường tổ chức, em cảm thấy hút thuốc lá rất có hại đối với sức khỏe bản thân và ảnh hưởng tới những người xung quanh. Trong thuốc lá chứa chất gây hại các cơ quan trong cơ thể con người. Đặc biệt ảnh hưởng xấu tới phụ nữ mang thai và trẻ em, làm giảm sự phát triển của trẻ em.

Nhận thức rõ tác hại của thuốc lá, nhất là trong môi trường học đường, nơi đang “ươm mầm” những thế hệ tương lai của đất nước, thầy Phạm Mạnh Tưởng, giáo viên Trường THCS Lý Thường Kiệt khẳng định: Bên cạnh bộ môn chính là Giáo dục công dân tuyên truyền về pháp luật, trong đó có nội dung về tác hại của thuốc lá thì trong các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, Ban giám hiệu, giáo viên còn tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Là giáo viên trực tiếp đứng lớp, tôi lồng ghép tuyên truyền tác hại của thuốc lá trong các tiết dạy và thấy tương đối hiệu quả.

Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS-THPT Bù Gia Mập sinh hoạt chuyên đề “Học sinh nói không với thuốc lá, rượu bia”

Còn tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS-THPT Bù Gia Mập, đặc thù sinh hoạt nội trú nên vấn đề học sinh sử dụng rượu bia, thuốc lá trong học đường được thầy cô đặc biệt quan tâm, kiểm soát chặt chẽ. Các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức học sinh, nhất là khối lớp 8, 9 và THPT, ngoài sinh hoạt chuyên đề, trường còn lồng ghép trong hầu hết các hoạt động giáo dục khác để học sinh nhận thức rõ tác hại của uống rượu bia, hút thuốc lá đối với bản thân, gia đình và cộng đồng. Em Vi Bảo Trâm, học sinh lớp 11C, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS-THPT Bù Gia Mập chia sẻ: Em tìm hiểu và biết nếu hút thuốc lá, uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này. Vì vậy, em tuyên truyền mọi người xung quanh cũng như người thân trong gia đình không nên hút thuốc lá và uống rượu, bia.

Trường THCS - THPT Võ Thị Sáu có 902 học sinh thuộc 2 khối, trong đó có 314 học sinh dân tộc thiểu số. Song song với công tác giảng dạy chuyên môn, trường cũng đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, trong đó tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kỹ năng mềm, phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia được đặc biệt quan tâm. Trường tập trung vào khai thác yếu tố đặc thù giới tính để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao. Thầy Ngô Văn Tám, Bí thư Đoàn trường cho biết: Đoàn trường đã triển khai thực hiện rất nhiều hình thức tuyên truyền sinh động như: Tổ chức các buổi ngoại khóa dưới cờ, thi trắc nghiệm, thi tiểu phẩm... để tuyên truyền trực quan tới tất cả học sinh, giúp các em có những hiểu biết cơ bản về tác hại của chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia và các chất gây hại khác.

Từ nhiều năm nay, môi trường học đường trong tỉnh khá an toàn với học sinh. Thầy cô đều rất quan tâm tuyên truyền, có cả chế tài với những trường hợp sử dụng chất kích thích gây hại như thuốc lá, rượu, bia. Đây là việc làm rất đáng ghi nhận và cần được tiếp tục nhân rộng, tổ chức thường xuyên dưới hình thức đa dạng hơn nữa. Mục tiêu cuối cùng là hướng đến một thế hệ tương lai thực sự khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.

Từ lâu, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia. Ngày 1-5-2013, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực. Tuy nhiên, việc thực hiện phòng, chống hút thuốc lá trong cộng đồng chưa thực sự hiệu quả. Công tác tuyên truyền trong học đường dù đã đa dạng, phong phú, trực quan, sinh động vì một môi trường không khói thuốc lá, rượu bia nhưng vẫn cần hơn nữa việc xử lý bằng chế tài đã được luật hóa một cách nghiêm túc hơn. Có như vậy, luật mới thật sự đi vào cuộc sống, đủ sức răn đe, cảnh báo cộng đồng nói chung và thế hệ trẻ - tương lai của đất nước - trong môi trường học đường nói riêng. 

  • Từ khóa
89636

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu