Thứ 7, 18/05/2024 13:59:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:41, 09/03/2014 GMT+7

Phải “liệu cơm gắp mắm”!

Chủ nhật, 09/03/2014 | 06:41:00 6,151 lượt xem

Bộ Giáo dục - Đào tạo đã chính thức công bố môn thi và cách thức để công nhận, xếp loại tốt nghiệp THPT năm 2014. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có 4 môn thi. Toán và Ngữ văn là hai môn thi bắt buộc. Hai môn còn lại, thí sinh lựa chọn trong 6 môn: Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử, Hóa học, địa lý và Sinh học. Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng cho biết sẽ kết hợp kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 với kết quả 4 môn thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp (theo tỷ lệ 50%-50%), không dựa hoàn toàn vào kết quả thi tốt nghiệp để đánh giá, xếp loại như trước.

Những năm trước, kỳ thi tốt nghiệp THPT có 6 môn thi, trong đó Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ là 3 môn bắt buộc, 3 môn còn lại trong số 5 môn: Vật lý, Lịch sử, Hóa học, địa lý và Sinh học sẽ được Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố khoảng cuối tháng 3 hằng năm. Mặc dù thi 6 môn nhưng tỷ lệ thí sinh dự thi đậu tốt nghiệp rất cao, từ 95% trở lên. Nhiều ý kiến cho rằng, với thực lực của học sinh lớp 12 hiện nay, nếu ngành giáo dục xiết chặt khâu coi thi thì kết quả tốt nghiệp chắc chắn sẽ không cao “ngất ngưởng” đến vậy. Tình trạng quay cóp, gian lận trong thi cử vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Không ít học sinh nhờ quay cóp mà đạt điểm cao. Để hạn chế tình trạng “bỗng dưng” đậu tốt nghiệp THPT loại giỏi, loại khá này, Bộ Giáo dục - Đào tạo còn dựa vào kết quả học tập và rèn luyện ở lớp 12 để công nhận và xét tốt nghiệp. Đây là sự bổ sung, điều chỉnh kịp thời của bộ và nhận được sự đồng tình của nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh.

Tuy nhiên, để đánh giá chất lượng giáo dục một cách trung thực, khách quan và công bằng, chúng ta không thể chỉ dựa trên điểm thi và kết quả học tập năm cuối cấp của các em. Khi mà “bệnh thành tích” trong giáo dục vẫn còn khá nặng nề thì việc cán bộ coi thi, chấm thi “nương tay” cho học sinh trong cả đánh giá kết quả học tập và thi cử sẽ khó tránh khỏi. Có thể đây là năm đầu tiên áp dụng thi và công nhận kết quả tốt nghiệp theo phương thức mới nên các trường còn nhiều lúng túng, bị động. Song đến năm sau, khi đã quen với cách làm này, chắc chắn sẽ có trường “đôn” kết quả học tập và rèn luyện của các em lớp 12 lên nhằm giúp các em đậu tốt nghiệp một cách dễ dàng!

Khi lựa chọn môn thi trong các môn tự chọn, các em sẽ “chạy theo phong trào” như cách lựa chọn khối thi, ngành nghề khi thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, sẽ có rất ít thí sinh lựa chọn môn Lịch sử (ngoại trừ những em đã có định hướng sẽ thi đại học khối C). Bởi phần lớn các em đều “ngán” môn học này, nếu giám thị coi thi nghiêm túc thì chỉ còn biết... “gặm bút” vì thi tự luận chứ không có chuyện “một phút làm nên lịch sử”, “may nhờ, rủi chịu” như thi trắc nghiệm! Một người bạn là giáo viên của một trường THPT chia sẻ, có nhiều em “mù tịt” ngoại ngữ nhưng vẫn thích làm hướng dẫn viên du lịch để được đi đây, đi đó nên đăng khí thi khối D (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ). Hay như trường hợp cả nhóm bạn thân cùng đăng ký dự thi vào một trường để “nếu đậu sẽ học chung... cho vui”. Điều đó phản ánh một thực tế về sự hụt hẫng, thiếu định hướng trong việc chọn môn gì, thi ngành nào phù hợp với năng lực và sở trường của các em.

Tục ngữ Việt Nam có câu “liệu cơm gắp mắm”; có nghĩa là để hoàn thành được mục tiêu đã đề ra thì mỗi chúng ta phải biết lượng sức mình trong từng hoàn cảnh, công việc cụ thể. Mong rằng, mỗi học sinh lớp 12 sẽ có một lựa chọn đúng đắn, phù hợp với năng lực, trình độ, sở trường và niềm đam mê của bản thân trước kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng sắp tới. 

N. Bảo

  • Từ khóa
83931

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu