Thứ 2, 20/05/2024 11:23:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 00:00, 17/10/2011 GMT+7

Dạy bán trú cho học sinh THCS: Bước tiên phong ở trường THCS Tân Phú

Thứ 2, 17/10/2011 | 00:00:00 1,017 lượt xem

Mô hình bán trú ở các trường tiểu học đã phổ biến từ nhiều năm nay nhưng với bậc THCS trong tỉnh thì vẫn còn rất mới. Trước nhu cầu bức thiết của phụ huynh, từ năm học 2010-2011, trường THCS Tân Phú (TX. Đồng Xoài) đã thử nghiệm mô hình bán trú và bước đầu đã có những thành công. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh thực hiện mô hình này đang gặp nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất...

NHU CẦU BỨC THIẾT

Trên địa bàn tỉnh, mô hình học bán trú đang có nhu cầu lớn. Đặc biệt là khu vực thị xã, thị trấn, nơi tập trung các bậc phụ huynh làm việc hành chính Nhà nước, hoặc tại các khu công nghiệp. Hiện nay, trường THCS Tân Phú (TX. Đồng Xoài) là điểm duy nhất trong tỉnh mở mô hình bán trú dành cho bậc THCS. Cô Tạ Thị Liên, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu phụ huynh, đồng thời chứng kiến cảnh học sinh vất vưởng ngay tại cổng trường vào những buổi trưa chờ đến giờ học buổi chiều khiến chúng tôi phải suy nghĩ rồi đi đến quyết định thành lập lớp bán trú. Nhưng hiện vẫn chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu thực tế”.

Điểm ăn uống bán trú sạch sẽ và tiện lợi cho học sinh

Trường THCS Tân Phú có nhiều em phải ở lại buổi trưa cho tiện học buổi chiều. Những học sinh nhà ở xa, cha mẹ không thể đưa đón đành tá túc ở những quán cơm gần trường. Ăn xong, không có chỗ nghỉ nên nhiều em đã tìm đến các tiệm Internet hoặc lang thang giao du với những trẻ em hư, gây bất an cho phụ huynh và cho chính các thầy cô. Một số em được cha mẹ đón về cũng mất nhiều thời gian khiến các em không được nghỉ ngơi, ảnh hưởng đến việc tiếp thu các môn học vào buổi chiều, bản thân cha mẹ đưa rước cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc. Em Nguyễn Trần Thanh Phương, lớp 7/7 cho biết: “Khi trường chưa có lớp bán trú, em cứ phải lang thang vì không có chỗ nghỉ trưa nên rất mệt mỏi. Bây giờ được nghỉ ngơi ngay tại trường em thấy thoải mái và tiếp thu bài tốt hơn”.

Theo cô Liên, sau thử nghiệm dạy bán trú năm học 2010-2011 ở khối 6 thành công đã giúp Ban giám hiệu tự tin hơn để tiếp tục giữ khối bán trú này (nay đã lên lớp 7) và tiếp tục nhận dạy bán trú khối 6. Các phụ huynh khối 8 và 9 cũng có nhu cầu nhưng khả năng của trường chưa thể đáp ứng được. Chỉ có 17 em khối 8 và 9 do nhà quá xa trường nên ban giám hiệu đã xét cho các em được ở bán trú, nâng tổng số học sinh được ở bán trú toàn trường lên 303 em.

CUNG CHƯA ĐÁP ỨNG CẦU

Cô Tạ Thị Liên cho biết: “Trường THCS Tân Phú cũng phải đi học hỏi từ rất nhiều trường, kể cả các trường ở Thành phố Hồ Chí Minh trước khi quyết định mở lớp bán trú. Khó khăn lớn nhất hiện nay là kinh phí, bởi trong kinh phí hoạt động hằng năm của trường không có mục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cho bán trú. Phụ huynh học sinh rất ủng hộ nhưng trường không có quỹ đất để mở rộng theo nhu cầu. Nếu các trường khác có xây mới thì cần tính đến vấn đề này để tạo điều kiện tốt hơn cho việc học tập của học sinh”.

Cái lợi của mô hình bán trú là các em được thầy cô quản lý chặt chẽ, ăn ngủ đúng giờ nên vừa bảo đảm sức khỏe để tiếp thu bài, phụ huynh lại không lo lắng trong thời gian con ở lại trường. Theo đánh giá của chúng tôi, một suất cơm trưa trị giá 15 ngàn đồng và một bữa phụ 2 ngàn đồng trước khi các em chuẩn bị lên lớp buổi chiều là rất hợp lý. Cô Liên cho biết: “Chúng tôi đã lên thực đơn và tổ chức đấu thầu người nấu. Vì vậy, chất lượng bảo đảm mà số lượng cũng được tuân thủ theo quy định, giúp các em có bữa ăn hợp vệ sinh và đủ dinh dưỡng”. Chị Nguyễn Hà Dung, phụ huynh em Trương Quỳnh Hương, học lớp bán trú khối 7, tâm sự: “Từ ngày có lớp bán trú đến nay, tôi đỡ vất vả. Nhà trường cần nhân rộng mô hình để phụ huynh yên tâm gửi con”.

Nhưng không phải ai cũng may mắn gửi được con học bán trú. Nhìn nhận thực tại, phụ huynh của em L.N.A ở trường T.T than phiền: “Con tôi học hai buổi nhưng không có lớp bán trú nên vợ chồng tôi đã gặp không ít khó khăn trong việc đưa đón cháu. Nhiều hôm quá bận đành gửi con ở những nhà dân hoặc hàng quán gần trường. Biết như vậy là không an toàn, nhưng không còn cách nào khác”.

Hiện tại, các trường đều không tính đến mô hình bán trú ở bậc THCS nên việc mở rộng mô hình này đang gặp không ít khó khăn vì điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn. Để giải quyết khó khăn trường THCS Tân Phú đã “linh hoạt” đóng bàn học có bản lề, sau khi học thì ghép lại thành phản cho các em ngủ.

CẦN NHÂN RỘNG MÔ HÌNH

Khó khăn nhất của trường THCS Tân Phú hiện nay là quỹ đất xây dựng khu ăn nghỉ phục vụ học sinh bán trú. Cô Đinh Thị Hường, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Nhu cầu của phụ huynh nhiều vì ở độ tuổi của các em rất cần phải quản lý chặt chẽ. Chúng tôi đã phân công ban giám hiệu luân phiên túc trực tại trường. Quản lý các em không hề đơn giản bởi các em rất hiếu động và tâm sinh lý đang phát triển nên phải theo dõi chặt chẽ”.

Gửi con em cho thầy cô quản lý, các bậc phụ huynh thật sự an tâm. Bản thân các em cũng nhận thấy lợi ích từ mô hình bán trú. Em Đoàn Lê Thúy Vân, lớp 7/8 chia sẻ: “Nhà em ở xã Thuận Phú, cha mẹ không thể đưa rước. Nhờ được học bán trú mà em được sinh hoạt điều độ, từ đó em học chuyên cần hơn và kết quả học tập cũng cao hơn”. Với những thành quả gặt hái được thì đây là một cách làm hay, phụ huynh không còn lo lắng con em bị lôi kéo sa vào games online hoặc chơi bời lêu lổng...

Đã có một số trường đến trường THCS Tân Phú tham quan, học tập để mở lớp bán trú nhưng đến nay vẫn chưa trường nào thực hiện được. Có rất nhiều lý do nhưng để bảo đảm chất lượng, duy trì được lâu dài và có hiệu quả là việc không hề đơn giản. Những ai quan tâm tới việc mở rộng mô hình bán trú bậc THCS đều mong muốn ngành giáo dục tỉnh có những chính sách phù hợp để tất cả các em học sinh được hưởng những điều kiện giáo dục ngày một tốt hơn.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
82464

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu