Thứ 2, 20/05/2024 22:43:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 07:59, 19/03/2014 GMT+7

Lập nghiệp trên quê hương

Thứ 4, 19/03/2014 | 07:59:00 207 lượt xem

Bằng sự cần cù, vượt khó, hai anh Trần Quốc Duyệt và Nguyễn Hợp Vinh đã gầy dựng được sự nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương. Đây là hai trong số 51 người được Tỉnh đoàn tuyên dương Thanh niên nông thôn sản xuất - kinh doanh giỏi năm 2013.

Nguyễn Hợp Vinh - Vượt lên khuyết tật


Anh Nguyễn Hợp Vinh bên tác phẩm Việt Nam hóa rồng và Mã đáo thành công

Nguyễn Hợp Vinh ở khu phố Ninh Phước, thị trấn Lộc Ninh khiến nhiều người khâm phục bởi tinh thần vượt khó. Năm 2002, Vinh gặp tai nạn. Bác sĩ kết luận anh bị liệt dây thần kinh số 7 với các triệu chứng chân tay co quắp, đi lại khó khăn, sức khỏe yếu. Năm đó, Vinh tròn 18 tuổi.

Không muốn suốt đời phải sống phụ thuộc người thân, anh quyết tập đi. Anh dựa vào những bức tường, chiếc bàn, ghế dài để lê từng bước. Không ít lần bị ngã, chân tay bầm dập nhưng anh không bỏ cuộc. Sau 2 năm, Vinh đã tự đi lại trên đôi chân không lành lặn của mình. Sau đó, xem trên ti vi có chương trình hỗ trợ dạy nghề cho người khuyết tật, anh đăng ký học và được nhận vào Trung tâm Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi TP. Hồ Chí Minh. Có năng khiếu, khéo léo cộng thêm sự quyết tâm, anh tốt nghiệp với tấm giấy chứng nhận loại khá. Anh đã xin ở lại trung tâm học thêm khóa nâng cao về tranh ghép gỗ. Được sự giúp đỡ của thầy cô, Vinh đã tìm được công việc bán thời gian phù hợp với năng lực và điều kiện sức khỏe. Năm 2010, anh trở về quê mở cơ sở sản xuất tranh mỹ nghệ Thế Vinh. Cũng thời gian này, anh được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tặng giấy khen do có thành tích xuất sắc vượt khó, tự lực vươn lên trong cuộc sống.

Đối với Vinh, được sống, được ghép tranh là anh thể hiện ước mơ, niềm khao khát mãnh liệt về cuộc sống qua từng bức tranh để mọi người hiểu và sẻ chia. Đề tài của anh bắt nguồn từ cuộc sống thường ngày nên được khách ưa chuộng. Vinh chia sẻ: “Tôi mong mình học được nhiều hơn, làm ra nhiều sản phẩm có chất lượng hơn. Như vậy mới thể hiện được đam mê và vẫn có thể kiếm tiền nuôi sống bản thân”.

Hiện Vinh vẫn còn nhiều trăn trở về đầu ra cho sản phẩm, vì không có nơi trưng bày nên sức mua hạn chế; mua được xe ba bánh để có phương tiện di chuyển và xa hơn, anh mong mở được lớp dạy ghép tranh miễn phí cho những người đồng cảnh ngộ.

Trần Quốc Duyệt - Đam mê sáng tạo

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Trần Quốc Duyệt rời quân ngũ trở về địa phương tại ấp An Tân, xã An Phú (Hớn Quản) và bắt tay làm kinh tế. Khởi nghiệp từ 6 ha đất khai hoang, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng làm cao su giống. Vượt qua những khó khăn ban đầu, anh tích cóp dần vốn liếng. đến nay, anh đã làm chủ hơn 4 ha cao su, 400 nọc tiêu, nuôi gần 200 con gà, vịt, heo. Qua thực tế sản xuất, anh Duyệt nhận thấy, nếu có máy móc hỗ trợ thì hiệu quả sẽ cao hơn. Ham học hỏi, lại thích nghiên cứu sáng tạo, anh đã mua các vật liệu còn sử dụng được từ những cơ sở phế liệu về mày mò cải tiến ra nhiều vật dụng hữu ích. Điển hình như: Cải tiến máy cày không sử dụng được thành máy phun thuốc bảo vệ thực vật, tưới tiêu; máy xay bắp kết hợp máy thái chuối...


Anh Trần Quốc Duyệt cải tiến máy cày thành máy phun thuốc bảo vệ thực vật, tưới tiêu

Đầu năm 2013, anh mở xưởng mộc nhỏ tại nhà. Trong quá trình làm việc, anh luôn chăm chỉ học hỏi và tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng. Nhờ vậy, sản phẩm mộc của xưởng anh tạo ra ngày càng phong phú, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng.

Hàng năm, anh Duyệt thu về từ chăn nuôi, trồng trọt và xưởng mộc trên 300 triệu đồng. Năm 2012, anh vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của; nhiều năm liền đạt danh hiệu Thanh niên nông thôn sản xuất - kinh doanh giỏi.   

 Thanh Thủy

  • Từ khóa
81344

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu