Thứ 2, 20/05/2024 20:54:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:39, 11/12/2013 GMT+7

Hỗ trợ vốn vay cho thanh niên: Chưa đủ lực

Thứ 4, 11/12/2013 | 06:39:00 269 lượt xem

Nhiều năm qua, đoàn thanh niên các cấp đã tích cực hỗ trợ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong việc tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm để phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, nguồn vốn vay còn khiêm tốn, một số cơ sở đoàn chưa nhiệt tình nên công tác hỗ trợ vốn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của ĐVTN trong tỉnh.

Dư nợ cho vay giải quyết việc làm của tỉnh tính đến ngày 30-9-2013 đạt hơn 57,7 tỷ đồng, với 3.618 hộ vay, trong đó tỷ lệ thanh niên được vay rất ít. Đồng thời, Tỉnh đoàn đang quản lý vốn vay giải quyết việc làm từ kênh Trung ương đoàn (vốn 120) với tổng dư nợ 580 triệu đồng. Tính từ thời điểm triển khai đến nay, nguồn vốn 120 kênh Trung ương đoàn đã giải ngân cho 50 dự án với gần 500 thanh niên được vay. Như vậy, số thanh niên được vay vốn còn ít so với 154.678 ĐVTN trong toàn tỉnh, trong đó có gần 80% thanh niên nông thôn.


HIỆU QUẢ TỪ VỐN VAY ƯU ĐÃI

Thông qua các kênh vay vốn ưu đãi mà nhiều gia đình, cơ sở sản xuất - kinh doanh của ĐVTN có cơ hội phát triển kinh tế, mở rộng quy mô, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Mô hình vườn ươm giống cao su của anh Lê Minh Hiến ở ấp 7, xã Minh Long (Chơn Thành) đã phát huy hiệu quả từ nguồn vốn được vay. Tháng 8-2011, anh Hiến vay 100 triệu đồng vốn 120. Từ nguồn vốn này, anh Hiến mở rộng thêm diện tích vườn ươm, đầu tư mua trang thiết bị, vật dụng phục vụ mô hình sản xuất. Đến nay anh đã làm chủ vườn ươm giống cao su rộng hơn 10 ha. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình anh thu về trên 300 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức lương 3 triệu đồng/tháng và 50 lao động thời vụ. Giữa năm 2013 anh Hiến đã trả vốn vay về Tỉnh đoàn để các bạn thanh niên khác có nhu cầu được vay.


Anh Nguyễn Văn Dũng mong muốn được vay vốn ưu đãi để mở rộng cơ sở sản xuất chổi

Chị Lường Thị Xuyến, Trưởng ban thanh niên nông thôn, công nhân, viên chức và đô thị Tỉnh đoàn, đánh giá: “Các dự án vay vốn hỗ trợ việc làm cho thanh niên ở tỉnh tuy số lượng không nhiều, nhưng đã tạo ra động lực giúp thanh niên mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, tự tạo việc làm và nâng cao thu nhập. Thông qua các kênh vay vốn, đã có nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh của thanh niên được cải tạo và phát triển tốt vườn cây, vật nuôi, điển hình là đoàn thanh niên các huyện Chơn Thành, Bù Đăng. Ngoài hiệu quả về kinh tế và giải quyết việc làm cho thanh niên, việc triển khai nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm còn có ý nghĩa quan trọng trong công tác tập hợp đoàn kết thanh niên, xây dựng và củng cố tổ chức đoàn, hội cơ sở”.


VẪN CHƯA ĐỦ LỰC

Trên thực tế, nhiều thanh niên có nguyện vọng nhưng lại gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn. Anh Trịnh Xuân Cường, Bí thư đoàn xã Long Bình (Bù Gia Mập) cho biết: “Muốn vay được vốn ưu đãi do tổ chức đoàn quản lý, người vay phải chứng minh được hiệu quả của các mô hình sản xuất - kinh doanh và một số trường hợp phải có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, đa số ĐVTN trong xã còn sống phụ thuộc vào gia đình, một số trường hợp tách hộ khẩu ra ở riêng tiềm lực kinh tế chưa có, nên không thể có tài sản để thế chấp”.

Năm 2005, gia đình anh Nguyễn Văn Dũng từ tỉnh Bến Tre lên thôn 7, xã Long Bình (Bù Gia Mập) lập nghiệp bằng nghề bó chổi sống dừa. Sản phẩm làm ra ngày càng nhiều. Hiện nay, bình quân gia đình anh Dũng xuất trên 12.000 cây chổi/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Đặc biệt, chổi làm ra bao nhiêu được thương lái đến tận nhà thu mua hết. Anh Dũng mong muốn được tiếp cận vốn 120 từ kênh Trung ương đoàn để xây nhà xưởng, mua ôtô nhằm chủ động vận chuyển nguyên vật liệu và phân phối sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho thanh niên địa phương. Tuy nhiên, do không có tài sản thế chấp nên anh Dũng vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 400 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, thu nhập từ 70-500 triệu đồng/năm. Đây là những mô hình có khả năng giải quyết việc làm thường xuyên và theo mùa vụ cho hàng chục ngàn thanh niên nông thôn. Những mô hình này cần vốn rất lớn. Bên cạnh đó, số ĐVTN hiện có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế rất nhiều. Song nguồn vốn của Tỉnh đoàn quản lý còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu của thanh niên; điều kiện vay vốn của các ngân hàng thương mại khó khăn và lãi suất cao, không ổn định nên ĐVTN khó có khả năng mở rộng sản xuất. Để giải quyết, đáp ứng những nhu cầu trên không chỉ đặt ra đối với tổ chức Đoàn mà rất cần sự chung tay của các cấp, ngành liên quan.

Chị Lường Thị Xuyến cho biết: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên được tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế, Tỉnh đoàn đang lập đề án Xây dựng quỹ vốn vay giải quyết việc làm cho thanh niên trong tỉnh. Theo đó, nguồn vốn này sẽ tập trung cho các xã, phường có diện tích canh tác chuyển đổi mục đích sử dụng, có điều kiện phát triển kinh tế trang trại, phát triển sản xuất với quy mô lớn, chăn nuôi gia súc tập trung và đang thực hiện xây dựng nông thôn mới. Thanh niên khi có nhu cầu vay vốn phải xây dựng dự án, lập hồ sơ vay vốn theo hướng dẫn của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương”.           

Thanh Thủy

  • Từ khóa
81309

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu