Thứ 2, 20/05/2024 22:12:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 09:07, 03/12/2013 GMT+7

Tác động của văn hóa truyền thống tới văn hóa thanh niên

Thứ 3, 03/12/2013 | 09:07:00 191 lượt xem

Bên cạnh dòng văn hóa chính thống của xã hội còn có một dòng chảy khác được gọi chung là “văn hóa thanh niên”. Dòng chảy ấy, có thể là ít khuôn phép, ít bài bản và hàn lâm nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ và sáng tạo. Để hội nhập được với dòng chảy văn hóa đặc biệt ấy người ta cũng phải có một tiêu chuẩn đặc biệt - một con tim và một bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Đặc trưng sáng tạo của văn hóa thanh niên

Trong từ điển xã hội học, người ta xếp văn hóa thanh niên vào dạng các “tiểu văn hóa”, tương đương với những tiểu văn hóa khác như tiểu văn hóa dân tộc, tiểu văn hóa gia đình, tiểu văn hóa nghề nghiệp, tiểu văn hóa kinh doanh...

Đặc trưng đầu tiên và dễ nhận biết của văn hóa thanh niên là tính mới mẻ và khác biệt của nó với những dạng thức văn hóa khác. Chúng ta đều biết, mọi thanh niên đều mong muốn được tự khẳng định mình. Nếu có một vị thành niên hút thuốc trước mặt một người hoặc một nhóm đông người nào đó, thì lúc đó không hẳn là anh ta đã thèm thuốc, hoặc đã cảm nhận cái “ngon” của thuốc mà thực ra chỉ là muốn được khẳng định vị thế của mình.  Các điều tra xã hội học đã cho thấy, một trong những điều dễ gây khó chịu nhất đối với thanh niên là việc họ luôn bị người lớn coi là trẻ con, là “trứng khôn hơn vịt”. Để khẳng định rằng họ đã là “vịt” chứ không phải chỉ là “trứng”, họ phải cố gắng chứng tỏ rằng mình có thể làm tất cả những điều mà người trưởng thành cho là không làm được, thậm chí không được phép làm.

Thanh niên Việt Nam giao lưu với thanh niên quốc tế trong chương trình Tàu thanh niên Đông Nan Á 2013

Mong muốn được tự khẳng định cũng khiến cho thanh niên muốn được mọi người nhìn nhận một cách chân thực và đúng đắn về mình. Để thực hiện được điều đó trước hết, họ cảm thấy cần phải gây sự chú ý của người khác đối với mình. Cái điều mà những người lớn tuổi có phần cho là lố lăng, kệch cỡm, khác đời trong cách ăn mặc, nói năng, cử chỉ ở thanh niên và vị thành niên chính là sự phản ánh các cách thức gây chú ý nói trên. Thanh niên không thích đi tìm những khuôn mẫu lý tưởng từ những gì xưa cũ, nhàm chán. Hình ảnh người nông phu dung dị trong đời thường, chỉ biết cặm cụi với các công việc cày cuốc, cấy hái, ít thay đổi, mặc dù có thể tạo được một sự kính trọng nhưng thật khó có thể trở thành khuôn mẫu lý tưởng của những thanh niên ham muốn phấn đấu vươn lên.

Là những người trẻ tuổi, tương lai luôn rộng mở ở phía trước, thanh niên cũng có tâm lý không muốn lặp lại những điều cũ kỹ, đi lại những quãng đường đã trở nên mòn nhẵn của những người đi trước. Họ thường không thỏa mãn với những gì đã có sẵn, không muốn coi mọi cái như đã an bài. Thêm nữa, họ cũng không có quá nhiều kinh nghiệm với cuộc đời để những kinh nghiệm này có thể trói buộc họ vào sự khuôn cứng.

Do vậy, văn hóa thanh niên, dù có mặt này mặt khác, có tiêu cực và có hạn chế nhưng bao giờ cũng là văn hóa của sự sáng tạo và đổi mới. Chính những đặc trưng về sự đổi mới và sáng tạo của văn hóa thanh niên đã khiến cho nó có được một đặc trưng khác nữa, đặc trưng về sự trẻ trung và sôi động, sự hồn nhiên và trong sáng. Từ những phân tích xã hội học nói trên, theo chúng tôi, bên cạnh sự định hướng cho thanh niên tới những cảm thụ văn hóa lành mạnh, những nhà sư phạm và các bậc ông bà, cha mẹ, cũng không nên quá lo lắng với những mái tóc vàng hoe, cái ống quần loe rộng ra hay bó chặt lại, những tiếng ghi-ta chói tai, tiếng trống muốn vỡ tung các ô cửa sổ... Hãy bình tĩnh suy ngẫm, tiếp nhận và cảm thông với những nhịp đập tình cảm trong trái tim của con em mình, dù có thể trong những nhịp đập ấy sẽ có những nhịp sai lạc, nhưng chúng ta cần phải có sự hiểu biết để điều chỉnh và hướng nó tới những điều tốt lành.

Khắc phục các sai lệch văn hóa trong thanh niên

Thực tế xã hội đã cho thấy, từ sự ngây thơ trong sáng, sự mới mẻ sáng tạo, đến những sai lệch văn hóa đã không có một khoảng cách lớn trong văn hóa thanh niên. Những lỗ hổng trong kiến thức cơ bản chưa được lấp đầy, những thiếu hụt trong tư duy do hiểu biết vấn đề chưa thật thấu đáo, triệt để, có thể kéo theo những nhận thức và hành vi không đúng đắn, phản văn hóa ở thanh niên. Sự phá bỏ công thức dễ biến thành phá hoại. Sự đổi mới, sáng tạo dễ trở thành manh động, dễ dãi. Sự hồn nhiên, sôi động dễ trở thành bồng bột, quậy phá.

Sức mạnh sáng tạo và sôi nổi của văn hóa thanh niên đến mức độ nào thì khả năng sai lệch của nó cũng có thể tương ứng như vậy. Nếu người ta đã ngạc nhiên và bất ngờ như thế nào trước sức mạnh đổi mới của văn hóa thanh niên thì họ cũng sẽ phải ngạc nhiên và bất ngờ như vậy đối với sự lệch lạc của chính nó.

Để trả lời câu hỏi về những nguyên nhân dẫn tới các sai lệch trong văn hóa thanh niên, chúng ta có thể phân tích nó trên hai khía cạnh. Thứ nhất quan hệ của văn hóa thanh niên với tính cách là một tiểu văn hóa với văn hóa chung và với xã hội. Thứ hai, bản thân sự chuyển hóa nội tại trong văn hóa thanh niên.

Cũng như tất cả các hình thái ý thức xã hội khác, văn hóa, trong đó có văn hóa thanh niên chịu sự tác động mạnh mẽ của những điều kiện kinh tế xã hội của xã hội. Sự lệch lạc của văn hóa thanh niên về thực chất là sự phản ánh những lệch lạc của chính xã hội. Một xã hội không biết sửa mình, không biết tự điều chỉnh và hoàn thiện, để các quan hệ xã hội ngày càng trong sáng lành mạnh hơn thì xã hội đó cũng không có khả năng để giải quyết các lệch lạc trong văn hóa, trong đó có văn hóa thanh niên. Trong trường hợp này, mọi sự thuyết phục, tuyên truyền đơn thuần đều không hiệu quả mạnh mẽ trong thực tế, thậm chí còn có thể tạo ra những phản ứng ngược lại. Điều này là hoàn toàn đúng đắn đối với trường hợp những nghiên cứu về thanh niên nghiện hút ma túy ở Mỹ trong đó nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng “nghiện ma túy là một trong những hình thức mà thanh niên dùng để phản ứng lại những trật tự của đạo đức xã hội”... và họ đề nghị: “Hãy khoan vội vàng lên án những thanh niên nghiện ngập ma túy mà hãy lên án chính cái cơ sở xã hội đã đẻ ra ma túy”.

Tất nhiên, chúng ta không thể hiểu vấn đề một cách giản lược như sự nhấn mạnh của các nhà xã hội học ở Mỹ, nhưng những kiến giải của họ về việc cần phải xây dựng một xã hội trong sáng lành mạnh, một xã hội không có chỗ cho những sự lệch lạc thì mới ngăn cản được ma túy với tư cách là “một hiện tượng của văn hóa thanh niên”, là hoàn toàn hợp lý và có cơ sở khoa học.

Ngày nay trong điều kiện phát triển của xã hội thông tin và toàn cầu hóa, trong những sự biến động phức tạp có phần nhiễu loạn của những chuẩn mực văn hóa trên thế giới, việc ngăn chặn những sai lệch văn hóa trong đó có văn hóa thanh niên và ảnh hưởng của nó tới đời sống xã hội là rất cần thiết. Tìm tới sự trong sáng của các giá trị văn hóa truyền thống là một trong những bước đi quan trọng để ngăn chặn những sai lệch trong văn hóa thanh niên.

(Theo QĐND)

  • Từ khóa
81305

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu