Thứ 2, 20/05/2024 22:43:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 16:39, 01/08/2013 GMT+7

Khơi dậy sức trẻ phát triển sản xuất

Thứ 5, 01/08/2013 | 16:39:00 300 lượt xem

Những năm qua, Xã đoàn Tân Thành luôn được đánh giá là đơn vị điển hình trên các mặt hoạt động của Huyện đoàn Bù Đốp. Hiện nay, bên cạnh những hoạt động bề nổi, xã đoàn đã, đang đẩy mạnh các hoạt động đồng hành cùng thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm, nhằm phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong lao động, sản xuất. Nhờ đó, nhiều mô hình mới, cách làm hay được các bạn ứng dụng vào thực tế sản xuất, mang lại hiệu quả rõ rệt.

TRỒNG TIÊU KẾT HỢP NUÔI DÊ

Qua những con đường đất đỏ trơn trượt do mưa liên tục nhiều ngày, chúng tôi đến nhà đoàn viên sản xuất giỏi Lê Văn Trực ở tổ 29, ấp Tân Phong. Dù đã được Bí thư Xã đoàn Lý Thanh Sang giới thiệu trước, nhưng đứng trước căn nhà khang trang nằm giữa vườn tiêu xanh tốt, tôi càng khâm phục ý chí và nghị lực của đoàn viên này. Trực cho biết: Tuy là lao động chính trong nhà, nhưng mọi việc em đều bàn bạc trước khi quyết định. Những bài học rút ra sau nhiều năm gắn bó với vườn rẫy và kinh nghiệm học hỏi được từ các mô hình sản xuất hiệu quả, em mạnh dạn phát triển mô hình trồng hồ tiêu kết hợp chăn nuôi dê.

nuôi dê
Đoàn viên Trần Minh Thiện chăm sóc đàn dê của gia đình

Do ít vốn nên Trực phát triển vườn tiêu theo hình thức mỗi năm trồng một ít, đến nay đã phủ xanh toàn bộ diện tích đất của gia đình. Trực sử dụng cây keo lai làm nọc tiêu để lấy lá cho dê ăn. Ngược lại, phân dê sau khi được ủ yếm khí sẽ trở thành nguồn phân bón cho cây tiêu. “Hơn 1 ha tiêu và đàn dê 40 con, sau khi trừ chi phí, em thu về trên 200 triệu đồng/năm. Muốn cây tiêu khỏe, cho năng suất cao và ít sâu bệnh, vườn tiêu phải thoát nước tốt, hạn chế sử dụng phân hóa học và thường xuyên bám vườn, kịp thời phát hiện những biểu hiện bệnh để phòng trị. Còn đàn dê, ngoài phòng bệnh, chuồng trại chăn nuôi phải sạch sẽ, thoáng mát”, Trực cho biết thêm.

Cũng với cách làm trên, ngoài 1.000 nọc tiêu, đàn dê 30 con, đoàn viên Trần Minh Thiện ở tổ 32, ấp Tân Phong còn trồng thêm 0,5 ha cà phê. Mô hình này đã và đang cho thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí. Thiện tâm sự: Muốn làm nhà nông tốt phải chăm chỉ và tích cực học tập khoa học - kỹ thuật từ sách, báo, tham gia các buổi tập huấn, mô hình sản xuất hiệu quả. Đặc biệt phải biết sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Theo Thiện, không nên sử dụng một lần một loại thuốc bảo vệ thực vật (tránh sâu bệnh lờn thuốc) mà kết hợp nhiều loại cùng một lúc; không sử dụng thuốc quá độc để bảo vệ cây trồng và môi trường.

SÁNG TẠO VÌ MÔI TRƯỜNG

Dẫn chúng tôi thăm nhà xưởng với ngổn ngang các phụ kiện bằng vật liệu composit dùng làm hầm biogas, đoàn viên Ngọ Văn Hoạt, chủ doanh nghiệp phát triển khí sinh học Môi trường xanh ở ấp Tân Hội cho biết: Từ nhỏ em đã phụ bố mẹ chăn nuôi nên luôn bị ám ảnh mỗi khi làm vệ sinh chuồng trại. Chăn nuôi càng nhiều thì mức độ gây ô nhiễm môi trường càng cao. Câu hỏi: “Làm sao để hạn chế ô nhiễm trong chăn nuôi?” luôn thôi thúc em tìm lời giải đáp. Sau này, gia đình có sử dụng hầm biogas bằng gạch, túi ni-lon để tận dụng nước thải, phân heo làm phân bón và chất đốt. Nhưng các vật liệu trên chỉ sử dụng được một thời gian ngắn. Nắm được thông tin về sản xuất hầm biogas bằng vật liệu composit, em đề xuất với bố mẹ cho thử nghiệm. Dựa trên công nghệ mới của nước ngoài và tìm hiểu thực tế từ một cơ sở sản xuất ở miền Bắc, em cải tiến lại cho phù hợp với điều kiện chăn nuôi của khu vực, đồng thời cho thử nghiệm rất nhiều lần trước khi đưa vào sản xuất đại trà.

Hầm được thiết kế theo nguyên tắc cân bằng áp suất, dựa vào hai cột điều áp theo phương thẳng đứng. Phân và nước thải của heo sau quá trình phân hủy thành khí gas sẽ tự động đẩy chất thải ra ngoài. Chất thải do đã qua quá trình phân giải nên sạch mầm bệnh, rất tốt cho các loại cây trồng. Hầm được sản xuất bằng nhựa không phân hủy nên có kết cấu chắc, độ bền cao, có thể sử dụng thay hầm cầu trong các khu tập thể, lò mổ... “Sản phẩm góp phần làm sạch môi trường nên em rất mong được tỉnh và ngành chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi mở rộng sản xuất theo mô hình công nghệ cao”, Hoạt tâm sự.

THAY LỜI KẾT

Bí thư xã đoàn Lý Thanh Sang cho biết: Trực, Thiện, Hoạt không chỉ là tấm gương tiêu biểu về sản xuất - kinh doanh giỏi mà còn là những đoàn viên xuất sắc, tích cực tham gia các hoạt động do tổ chức Đoàn phát động. Ở Tân Thành ngày càng có nhiều bạn trẻ khẳng định được năng lực sản xuất - kinh doanh trên các lĩnh vực cũng như chủ động tiếp cận thị trường. Nhiều trang trại chăn nuôi dê, cá, nhím của đoàn viên thanh niên đang phát triển tốt, mang lại thu nhập cao cho gia đình. Đây là động lực giúp đoàn viên thanh niên hăng say lao động.

Từ đầu năm 2012 đến nay, các hoạt động tương trợ, cập nhật thông tin, ứng dụng khoa học - kỹ thuật phục vụ sản xuất, đào tạo nghề cho thanh niên... được Xã đoàn Tân Thành triển khai với nhiều hình thức phong phú. Các chi đoàn duy trì tốt hình thức vần đổi công, xây dựng quỹ xoay vòng vốn giúp nhau phát triển kinh tế... Đoàn thanh niên xã cũng nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 4 tỷ đồng cho 243 đoàn viên thanh niên vay và hầu hết sử dụng có hiệu quả nguồn vốn. Những việc làm ý nghĩa này đã tiếp sức và phát huy sức trẻ của thanh niên xã nghèo biên giới Tân Thành.

Lâm Phương

  • Từ khóa
81275

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu