Thứ 6, 10/05/2024 01:00:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:09, 06/03/2024 GMT+7

CUỘC SỐNG TƯƠI ĐẸP

Bài học về 'Giá trị của lòng biết ơn'

Ngọc Quế
Thứ 4, 06/03/2024 | 14:09:00 6,179 lượt xem
BPO - Nhà văn Pháp Marcel Proust từng nói: “Hãy biết ơn những người làm chúng ta hạnh phúc vì họ là những người làm vườn đầy duyên dáng khiến tâm hồn chúng ta nở hoa”. Lòng biết ơn là một giá trị tốt và rất cần thiết để giáo dục cho thanh thiếu nhi và học sinh. Nếu các em biết cảm ơn và trân trọng những gì người khác đã làm cho mình, điều này sẽ giúp trẻ tự trọng hơn, biết yêu thương mọi thứ và có thái độ sống tích cực hơn.

Khi thanh thiếu nhi hiểu và có lòng biết ơn thì sẽ đồng cảm với mọi người, từ đó xây dựng nhân cách sau này. Giáo dục kỹ năng sống về “Giá trị của lòng biết ơn” là một trong các kỹ năng sống mà gia đình, nhà trường rất cần giáo dục con trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

Với lối dẫn dắt tự nhiên, chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Lệ Thủy (Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng) đã đưa ra các tình huống gần gũi để giúp các em nhận ra những hành động đẹp, lời nói hay từ những điều bình dị nhất trong cuộc sống hằng ngày.

Không khí ở sân Trường tiểu học Tân Thiện (TP. Đồng Xoài) mỗi lúc càng thêm sôi động và nóng lên cùng với sự hào hứng của học sinh và giáo viên trong phần giao lưu vũ điệu. Những điệu nhảy sáng tạo của các em đã mang đến nhiều tiếng cười bổ ích cho một ngày học tràn đầy năng lượng.

Hơn 1000 học sinh Trường tiểu học Tân Thiện (TP. Đồng Xoài) hào hứng tham gia chuyên đề giáo dục kỹ năng sống “Giá trị của lòng biết ơn”

Tiếng cười vui, nô đùa vừa kịp tắt cũng là lúc cả sân trường im lặng, lắng nghe những câu chuyện về tình cảm gia đình, thầy trò, bạn bè ý nghĩa và cảm động. Ai cũng trầm ngâm theo những suy nghĩ, xúc cảm của riêng mình về lòng biết ơn. Những tiếng thút thít dần rõ hơn, lấn át cả không gian yên ắng trước đó. Qua những câu chuyện bi thương về trẻ mồ côi bị cha mẹ bỏ rơi; câu chuyện học sinh hư hay cả những câu chuyện truyền cảm hứng về học sinh chăm ngoan đã khiến các em không giữ được cảm xúc. Nghĩ về cha mẹ, về những lỗi lầm gây ra ở trường với thầy cô, bạn bè khiến nước mắt các em tuôn rơi.

Đôi mắt đỏ hoe, em Đặng Thị Thùy Chi chia sẻ: Em cảm thấy mình may mắn vì có cả cha và mẹ chứ không như những bạn mồ côi bị cha mẹ bỏ rơi trong câu chuyện em từng nghe. Em sẽ cố gắng trở thành người tốt để cha mẹ, thầy cô hài lòng và luôn ở bên cạnh em. “Con cảm ơn cha mẹ vì đã nuôi dạy, chăm sóc và yêu thương con”. Đó là câu nói Thùy Chi muốn gửi đến cha mẹ ngay sau khi tan học về nhà.

Rất nhiều em học sinh đã khóc thút thít khi nghe những câu chuyện kém may mắn của các bạn đồng trang lứa 

Cũng đong đầy cảm xúc khi nghe những câu chuyện bi thương của các bạn nhỏ bị cha mẹ bỏ rơi, em Nguyễn Phạm Quốc Huy xúc động: Em biết ơn thầy cô vì đã dạy em những điều hay, lẽ phải và dạy dỗ em nên người; biết ơn cha mẹ đã sinh thành và nuôi dưỡng em. Em hứa sẽ chăm ngoan, học giỏi để không phụ lòng cha mẹ, thầy, cô giáo.

Bên cạnh những câu chuyện được nghe kể ở đâu đó ngoài xã hội thì không xa, các em còn được nghe trực tiếp những chia sẻ của các bạn học sinh trường mình. Đó là hoàn cảnh đau lòng của bạn học kể về lần gặp cha cuối cùng ở bệnh viện trước khi mất vì tai nạn giao thông, còn mẹ vì không chịu nổi cú sốc mà phát bệnh tâm thần nên em ở với dì dượng; hay những bạn có cha mẹ vất vả mưu sinh với gánh hàng rong để lo cho các em có bữa cơm ngon, có bộ quần áo mới đến trường… Những chia sẻ ngắn gọn nhưng làm nghẹn đắng cảm xúc của tất cả người nghe.

Học sinh Trường tiểu học Tân Xuân C (TP. Ðồng Xoài) chia sẻ cảm nghĩ về “Giá trị của lòng biết ơn”

Em Vũ Thanh Thủy, học sinh Trường THCS&THPT Đồng Tiến (huyện Đồng Phú) chia sẻ: Cha mất sớm, một mình mẹ vất vả nuôi 3 chị em ăn học nên cuộc sống rất khó khăn. Em rất thương và biết ơn mẹ đã lam lũ để lo cho chúng em được ăn học. Em hứa sẽ cố gắng trở thành con ngoan, trò giỏi. Em cảm ơn thầy cô giáo đã dạy dỗ, dìu dắt chúng em; cảm ơn các bạn đã đồng hành với em mỗi ngày.

Chuyên đề giáo dục kỹ năng sống “Giá trị của lòng biết ơn” với mong muốn giúp các em học sinh, thanh thiếu nhi hiểu được ý nghĩa và giá trị của lòng biết ơn để các em biết nói lời cảm ơn và xin lỗi; biết ơn cha mẹ, thầy cô, bạn bè và những người xung quanh, từ đó cố gắng chăm ngoan, học giỏi và trở thành người tốt, sống có ích trong xã hội.

Chị NGUYỄN THỊ HUYỀN,
Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Ðội TP. Ðồng Xoài


Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Thiện Nguyễn Thị Huê cho biết: Học sinh rất hào hứng, thích thú đưa ra những suy luận của bản thân để trả lời câu hỏi “Vì sao phải biết ơn và cần biết ơn những ai?”. Các em đã tự tin, mạnh dạn thể hiện quan điểm của mình về lòng biết ơn. Thông qua chuyên đề giáo dục kỹ năng sống này, nhà trường mong muốn lan tỏa đến học sinh và cán bộ, giáo viên về giá trị của lòng biết ơn, sự yêu thương, từ đó giúp học sinh hình thành nhân cách tốt đẹp.

Các em học sinh mạnh dạn, tự tin nói lời cảm ơn và yêu thương đến thầy, cô giáo tại chương trình

Chuyên đề giáo dục kỹ năng sống với chủ đề “Giá trị của lòng biết ơn” do Câu lạc bộ tư vấn, trợ giúp trẻ em tỉnh Bình Phước phối hợp với Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng và các đơn vị thực hiện tại các trường trong tỉnh đã giúp học sinh hiểu được giá trị của lòng biết ơn, biết nói lời cảm ơn và xin lỗi.

Lòng biết ơn không chỉ dành cho những điều lớn lao mà còn cho cả những điều bình thường, giản dị. Trong cuốn sách “The Magic - Phép màu” của Rhonda Byrne đã viết: “Khi bạn biến lòng biết ơn trở thành phương châm sống của mình, mỗi sáng bạn sẽ thức dậy cùng sự hào hứng đối với cuộc sống. Bạn sẽ cảm thấy yêu thương cuộc sống tuyệt đối. Mỗi ngày sẽ là một phép màu, mỗi ngày sẽ tràn ngập điều kỳ diệu, hơn cả khi bạn còn là một đứa trẻ”.

  • Từ khóa
190897

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu