Thứ 5, 09/05/2024 23:34:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 09:27, 31/01/2024 GMT+7

CUỘC SỐNG TƯƠI ĐẸP

Trường học hạnh phúc

Thanh Nga
Thứ 4, 31/01/2024 | 09:27:00 4,643 lượt xem
BPO - Là “ngôi nhà thứ hai” của các em học sinh đồng bào S’tiêng, Khmer, Tày, Nùng và một số dân tộc khác, nhiều năm qua, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập được các em gọi bằng cái tên thân thương “trường học hạnh phúc”. Bởi nơi đây không chỉ có nhiệm vụ dạy và học mà còn là nơi nuôi dưỡng, là tình thương của các thầy, cô giáo với học sinh, là sự quý mến, tình cảm giữa những người bạn… Ngôi trường là mái nhà chung chắp cánh ước mơ của các em học sinh người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Bù Gia Mập.

Vừa qua, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập là một trong 4 tập thể điển hình tiên tiến vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2023 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

Trường là nhà

Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập đứng chân trên địa bàn xã Phú Nghĩa với hơn 400 học sinh đang theo học. Trường luôn chú trọng xây dựng môi trường giáo dục toàn diện, kết hợp hài hòa giữa việc nâng cao chất lượng dạy học với tổ chức nếp sống nội trú theo phương châm: Trường là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em.

Em Vi Thị Vân Anh, học sinh của trường chia sẻ: Em đã có 7 năm theo học tại trường, thực sự rất nhiều cảm xúc, tự hào ở mái trường này. Nơi đây có tình yêu thương của các thầy cô, có sự hòa đồng của bạn bè và cả sự đa dạng về văn hóa các dân tộc... Chúng em gọi đây là “trường học hạnh phúc”!

Các em học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập tập luyện tiết mục văn nghệ để phục vụ lễ hội mừng Đảng, mừng xuân năm 2024

Còn em Đinh Trường Giang theo học tại trường được 2 năm. Với Giang, mái trường quá đỗi thân thương. Ngoài học 13 môn văn hóa, em còn được tham gia nhiều trò chơi dân gian, tìm hiểu kiến thức, văn hóa dân tộc của các bạn. “Chúng em coi trường như mái nhà thứ 2 của mình, đi đâu rồi cũng nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô và bạn bè. Em thường xuyên đăng các hoạt động của trường lên Facebook, Zalo… để lan tỏa cho mọi người biết thêm về ngôi trường chúng em đang học.

Tiết học âm nhạc của trường hấp dẫn, thú vị hơn khi có sự kết hợp giữa âm nhạc hiện đại với các giai điệu riêng của mỗi dân tộc

Do đặc thù, chất lượng đầu vào của Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập vẫn còn khiêm tốn. Tuy nhiên, thay đổi trong dạy và học đã mang về nhiều “trái ngọt” cho thầy, trò nhà trường. Khối THCS cũng như THPT, tỷ lệ tốt nghiệp và lên lớp luôn đạt cao, đặc biệt học sinh đã mạnh dạn tham gia các cuộc thi cấp tỉnh và có thành tích tốt. “Trong quá trình dạy và học, trường bám sát mục tiêu của giáo dục phổ thông và giáo dục dân tộc. Chính vì thế, nâng cao tỷ lệ giáo viên giỏi, học sinh giỏi các cấp, tham gia hội thao, văn nghệ… luôn được chúng tôi đặc biệt quan tâm và có những kết quả ghi nhận. Đó là động lực để tập thể nhà trường tiếp tục cố gắng hơn nữa” - thầy Nguyễn Thế Hùng, Phó Hiệu trưởng điều hành Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập cho biết.

Nâng chất giáo dục

Hơn 400 học sinh theo học tại trường gồm 13 thành phần dân tộc. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học, trong đó chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu; tăng cường tổ chức cho học sinh học tập, làm việc theo nhóm; vận dụng các kiến thức đã học vào thực tế... đã tạo ra môi trường học đường năng động, các em hào hứng với những kiến thức được tiếp cận mỗi ngày. Phong trào “Dạy tốt, học tốt”, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực luôn được thầy, cô giáo cũng như học sinh không ngừng nỗ lực, cố gắng. Mỗi người thi đua với một cách làm riêng phù hợp điều kiện của mình. Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên Ngữ văn chia sẻ: Mỗi tiết học, không đơn thuần là giới thiệu các tác phẩm văn học, chúng tôi lồng vào đó giáo dục kỹ năng ngôn ngữ, cách ứng xử và giao tiếp cho các em. Ở môi trường học đường đặc thù, giáo viên cũng phải tìm hiểu thêm các nét văn hóa, đặc trưng, phong tục của mỗi dân tộc và thông qua tiết dạy hướng dẫn học sinh biết cách gìn giữ cũng như bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống đó.

“Trường học hạnh phúc” là mục tiêu tập thể nhà trường hướng đến. Vì vậy, từ giáo viên đến học sinh, ai cũng tích cực thực hiện

Là ngôi trường đa sắc màu dân tộc, bên cạnh dạy và học, việc giúp các em giữ gìn cũng như lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống là điều mà mỗi giáo viên nhà trường trăn trở và lên kế hoạch thực hiện. Dễ nhận thấy nhất là trong tiết học âm nhạc của trường. Mỗi tiết học thường diễn ra sinh động và có những nét riêng rất đặc biệt. Đó là sự kết hợp giữa âm nhạc hiện đại và cổ điển. Và nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc S’tiêng, Khmer, Tày, Nùng… sẽ được thực hành ngay trên lớp. Điều này vừa giúp gìn giữ văn hóa truyền thống của mỗi học sinh vừa lan tỏa nét đẹp văn hóa các dân tộc. Thầy Lê Văn Công, giáo viên Âm nhạc chia sẻ: Để có những tiết học sôi nổi, hiệu quả, tôi tiếp cận và học từ phụ huynh. Sau đó, bằng kiến thức, kinh nghiệm của mình sẽ truyền lại cho các em. Được học tập, trau dồi những lời ca, tiếng hát của đồng bào các dân tộc giúp buổi học sinh động hơn. Các em sẽ thật vui, thật hạnh phúc khi đến trường!

Mục tiêu cũng như định hướng phát triển mà trường đang lan tỏa trong mỗi cán bộ, viên chức, người lao động, cha mẹ học sinh là phải xây dựng và hướng đến một ngôi trường thật sự hạnh phúc. Hạnh phúc ở đây là một ngôi trường có trách nhiệm qua lại giữa thầy với trò, phụ huynh và học sinh an tâm tin tưởng khi học tập tại trường.

Thầy NGUYỄN THẾ HÙNG, Phó Hiệu trưởng điều hành Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập


“Trường học hạnh phúc”, đó là mục tiêu tập thể nhà trường đề ra. “Sống có trách nhiệm” hay “Mỗi thầy, cô giáo là một giáo viên chủ nhiệm” là chủ đề luôn được các thầy, cô nghiêm túc thực hiện; “Lịch sự - tự tin - thông minh - tháo vát” là mục tiêu để mỗi học sinh cố gắng và hoàn thành. Để đạt mục tiêu đó, bên cạnh giáo dục kiến thức, nhà trường luôn quan tâm tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, hướng nghiệp; các cuộc thi và giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… để học sinh có cơ hội phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản. Ngôi trường hạnh phúc cứ thế được xây dựng, bồi đắp từ sự cố gắng của mỗi cá nhân.

  • Từ khóa
188421

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu