Thứ 5, 09/05/2024 08:06:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 10:41, 15/11/2023 GMT+7

Trường tiểu học Kim Đồng: Bao giờ được xây mới?

Vũ Thuyên
Thứ 4, 15/11/2023 | 10:41:02 3,729 lượt xem
BPO - Đức Liễu, huyện Bù Đăng là xã được đầu tư về đích nông thôn mới nâng cao năm 2022 và đến nay phần lớn các tiêu chí đã đạt. Tuy nhiên, tiêu chí cơ sở vật chất trường học lại đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Bởi đến nay, Trường tiểu học Kim Đồng vẫn chưa có quỹ đất để xây mới khi trường học cũ chật hẹp, xuống cấp và thiếu rất nhiều phòng học, phải đi mượn khắp nơi.

Khó chồng khó

Điểm trường thôn 5 thuộc Trường tiểu học Kim Đồng có 2 phòng học cấp 4 cũ, phục vụ công tác dạy học 3 lớp với khoảng 120 học sinh từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các lớp phải học 2 buổi/ngày nên phát sinh thêm phòng học. Ngoài tận dụng 2 phòng học hiện có thì do số học sinh đông, số lớp nhiều nên từ năm học 2023-2024, trường phải mượn nhà văn hóa thôn 5 ngăn đôi để làm lớp học cho 40 học sinh.

Không chỉ tại thôn 5 mà nhiều thôn trên địa bàn xã Đức Liễu, Trường tiểu học Kim Đồng đều mượn tạm để làm nơi dạy học. Và Tiểu học Kim Đồng trở thành ngôi trường có nhiều điểm lẻ, cũng là cơ sở giáo dục mượn tạm nhà văn hóa nhiều nhất tỉnh hiện nay. Hiện trường có 1.007 học sinh/32 lớp với 8 điểm trường, gồm 1 điểm chính và 7 điểm lẻ. Trong 7 điểm lẻ có tới 4 điểm phải mượn nhà văn hóa thôn.

Lớp có 40 học sinh nhưng phải mượn tạm nhà văn hóa thôn 5 ngăn đôi làm lớp học

Dạy học trong ngôi trường cũ xuống cấp đã khó khăn, bất cập thì việc mượn nhà văn hóa làm nơi học tập là một thiệt thòi lớn cho các em. Thầy Nguyễn Tuấn Anh, giáo viên Trường tiểu học Kim Đồng cho biết, ngoài không gian không đúng tiêu chuẩn gây bất cập cho giáo viên và học sinh, vì mượn tạm nên những lúc thôn triển khai hội họp phải tổ chức song song, một bên là lớp học, một bên là cuộc họp. Trong khi đó, toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị không thể mua sắm mà xin từ nơi khác về nên không thể đáp ứng đầy đủ các điều kiện.

Học sinh Trường tiểu học Kim Đồng học tại Nhà văn hóa thôn 7 

“Vì là phòng học tạm nên nhà trường không thể mua sắm trang thiết bị dạy học như máy chiếu, tivi, nhất là các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không đảm bảo các hoạt động dạy học. Ngoài ra, các trang thiết bị được cấp đến nay vẫn chưa đầy đủ, đảm bảo tương tác giữa thầy và trò. Đây là thiệt thòi lớn đối với học sinh của trường” - cô Vũ Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng trăn trở.

Cô Hiền cho biết, trường được xây dựng từ giai đoạn 1996-1998, tiền thân là điểm lẻ của Trường tiểu học Đức Liễu. Những năm trước, khi đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006, các phòng học cơ bản đủ cho hoạt động dạy học. Tuy nhiên, thời gian gần đây thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các lớp 1, 2, 3, 4 học 2 buổi/ngày dẫn đến phát sinh thêm phòng học, trong khi phòng học của trường không còn. Để có đủ phòng học cũng như bàn ghế, trang thiết bị dạy học, từ đầu năm học mới ban giám hiệu phải liên hệ các thôn để mượn nhà văn hóa; đồng thời chủ động liên hệ trường bạn xin lại bàn ghế, bảng viết cũ trang bị cho các phòng học mượn. Và nếu năm học tới chưa xây phòng học mới sẽ phát sinh thêm 3 lớp nữa, bởi từ năm học 2024-2025 sẽ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho lớp 5. Lúc này khó sẽ chồng thêm khó, bởi các nhà văn hóa không còn để mượn. Dự kiến năm học tới, nhà trường sẽ phải ghép lớp hoặc dồn học sinh mới đủ phòng học.

Điểm chính của trường xây dựng từ năm 1996 nay xuống cấp, chật hẹp

Phó Chủ tịch UBND xã Đức Liễu Hoàng Trọng Bình cho hay, trên địa bàn xã có 8 trường học, gồm 7 trường công và 1 trường tư. Trong đó, cơ sở vật chất Trường tiểu học Kim Đồng đang gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là tiêu chí mà xã đang nợ trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Học sinh của Trường tiểu học Kim Đồng tập trung tại 4 thôn, chủ yếu ở khu vực trung tâm xã, nơi có đông dân cư sinh sống, nhiều công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp hoạt động. Cùng với đó, Đức Liễu đang hướng tới đô thị loại V vào năm 2025 nên dân số tập trung ngày càng nhiều. Đây là lý do khiến số lượng học sinh đông và tăng theo hằng năm. Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên các lớp phải học 2 buổi/ngày dẫn đến phát sinh thêm phòng học. Trong khi đó, các phòng học ở điểm chính và điểm lẻ của trường không đáp ứng đủ, buộc phải mượn tạm các nhà văn hóa thôn.

Vì sao chưa được xây mới?

Khó khăn ở Trường tiểu học Kim Đồng nhiều năm nay ai cũng cảm nhận và thấy rõ. Nguyên nhân do đâu? Theo cô Hiền, địa bàn xã Đức Liễu nằm trong vùng đất khoáng sản nên việc xây dựng trường học gặp khó khăn. Bởi theo Luật Khoáng sản, muốn xây dựng trên đất khoáng sản là không thể, chỉ trừ công trình cấp thiết như quốc phòng - an ninh.

Phó Chủ tịch UBND xã Đức Liễu Hoàng Trọng Bình cho biết, nguyên nhân là vướng công tác quy hoạch. Trước đây, xã cũng đã khảo sát tại vị trí cũ (điểm chính) để xây dựng trường mới, tuy nhiên, diện tích chật hẹp không đảm bảo nên muốn xây mới phải lấy thêm đất của 3 hộ dân bên cạnh. Diện tích đất của các hộ dân bên cạnh không nhiều, từ vài trăm mét vuông đến 3 sào, tuy nhiên, không nhận được sự đồng thuận của người dân. Trong khi đó, Đức Liễu là địa phương đang phát triển, đất tăng giá hằng ngày, nhất là “cơn sốt” lịch sử vừa qua nên việc tìm được mảnh đất rộng, gần trung tâm, thuận lợi cho học sinh, phụ huynh đi lại là bài toán khó. Từ trăn trở đó, xã đã báo cáo huyện. Lãnh đạo huyện cũng giao UBND xã tìm các vị trí đất để có thể quy hoạch xây dựng trường học. Tuy nhiên, khi tìm được vị trí đất lại vướng vào quy hoạch chung, quy hoạch đô thị Đức Liễu, quy hoạch nông thôn mới Đức Liễu.

Học sinh Trường tiểu học Kim Đồng tại điểm chính trong giờ học 

Chia sẻ về thông tin Đức Liễu nằm trong khu vực khoáng sản nên việc xây dựng trường học khó khả thi, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Trọng Bình cho biết thêm, không biết công tác khai thác khoáng sản bô-xít khi nào mới triển khai thực hiện, trong khi công trình giáo dục là phục vụ mục đích xã hội quan trọng không thể bỏ.

Nguyên nhân chậm xây mới Trường tiểu học Kim Đồng do vướng quy hoạch vùng đất khoáng sản. Vấn đề này huyện đã kiến nghị UBND tỉnh và được tỉnh thuận chủ trương cho xây dựng.

Ông TRẦN VĂN PHƯƠNG, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng


Về công tác chọn vị trí đất để xây dựng Trường tiểu học Kim Đồng, ông Hoàng Trọng Bình cho biết, sau khi cho xã chủ trương, địa phương đã khảo sát 2 vị trí là đường 33, thôn 6 và tại thôn 2. Trong đó, tại thôn 2 - khu vực trung tâm xã tạo điều kiện cho học sinh đi lại thuận tiện nhất. Huyện Bù Đăng đã quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ, UBND xã kiến nghị các cấp, ngành quan tâm hơn nữa để giúp các cháu sớm có nơi học tập thuận lợi, đồng thời giúp địa phương “trả nợ” được tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

  • Từ khóa
181972

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu