Thứ 4, 08/05/2024 21:42:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 13:58, 30/10/2023 GMT+7

Nan giải bài toán thiếu giáo viên

Vũ Thuyên
Thứ 2, 30/10/2023 | 13:58:00 4,543 lượt xem
BPO - Năm học 2023-2024 đã diễn ra gần 2 tháng, thế nhưng bài toán thiếu giáo viên tồn tại từ nhiều năm nay vẫn chưa tìm được lời giải. Toàn tỉnh Bình Phước hiện thiếu 1.620 giáo viên các cấp, nhất là các bộ môn chuyên. Việc thiếu giáo viên, đặc biệt đối với địa bàn có tỷ lệ học sinh tăng cơ học nhanh khiến việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vô cùng khó khăn.

Đồng loạt tăng tiết

Đứng chân trên địa bàn tập trung đông dân cư, có Khu công nghiệp Đồng Xoài III và gần Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú nên Trường tiểu học Tiến Hưng A, thành phố Đồng Xoài có số lượng học sinh tăng cơ học nhanh, trung bình mỗi năm tăng 100 em. Trường hiện có 1.497 học sinh/36 lớp. So với quy định trường chuẩn quốc gia, trường vượt 447 học sinh và vượt 6 lớp. Đây cũng là lý do khiến ngôi trường này không đạt chuẩn quốc gia theo đúng lộ trình đề ra trong năm học 2022-2023.

Điều đáng nói là số học sinh, số lớp tăng nhưng giáo viên lại không được bổ sung tương ứng nên hiện trường thiếu 13 giáo viên tiểu học. Thiếu quá nhiều giáo viên khiến việc sắp xếp dạy học gặp muôn vàn khó khăn. Cô Nguyễn Thị Hảo, Hiệu trưởng trường cho biết: Do không đủ giáo viên làm công tác chủ nhiệm nên trường bố trí giáo viên dạy Âm nhạc có chứng chỉ tiểu học làm công tác này. Mặt khác, trường chỉ dạy được tối thiểu 32 tiết/tuần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 1, 2, 3, 4 và 25 tiết/tuần đối với học sinh lớp 5 Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

100% giáo viên, kể cả đội ngũ ban giám hiệu đều phải dạy tăng tiết, tăng buổi nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu phân phối chương trình. Hiện bình quân một giáo viên của trường tăng từ 10-12 tiết/tuần. Để khắc phục tình trạng này, trường cũng tính đến phương án hợp đồng thêm giáo viên và đã thông báo đến toàn thể cán bộ, giáo viên và nhân dân nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bộ hồ sơ nào.

Cô NGUYỄN THỊ HẢO, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tiến Hưng A


Trường tiểu học Tân Thiện, thành phố Đồng Xoài dù học sinh không tăng nhiều nhưng thiếu biên chế giáo viên vẫn là điệp khúc nhiều năm nay. Hiện trường thiếu 7 giáo viên, trong đó 6 giáo viên tiểu học và 1 giáo viên dạy Mỹ thuật. Cô Nguyễn Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường cho biết: Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, trường vận động tất cả giáo viên dạy tăng buổi, tăng tiết (từ 5-6 tiết/tuần) để đảm bảo đủ theo phân phối chương trình 32 tiết/tuần đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 các lớp 1, 2, 3, 4; đồng thời đáp ứng nhu cầu của phụ huynh lớp 5, dạy 32 tiết/tuần, Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Cô và trò Trường tiểu học Tân Thiện, thành phố Đồng Xoài trong giờ học

Tuy nhiên, đối với môn chuyên biệt Mỹ thuật, việc dạy thay rất khó đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Cô Lê Thị Hương Giang, giáo viên Trường tiểu học Tân Thiện chia sẻ: Dù phải dạy tăng thêm nhiều tiết so với quy định, nhưng vì nhiệm vụ, vì học sinh, chúng tôi cố gắng thực hiện đảm bảo không bớt xén chương trình và dạy đúng, đủ số môn theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, đối với môn Mỹ thuật do không được đào tạo chuyên sâu nên hạn chế trong việc kèm cặp và khó đạt thành tích cao trong các hội thi.

Một khó khăn nữa tại các trường học trên địa bàn thành phố Đồng Xoài là giáo viên dạy tăng giờ, tăng buổi nhưng vẫn chưa có kinh phí chi trả cho hoạt động này.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Thành phố Đồng Xoài hiện có gần 31.000 học sinh từ bậc mầm non đến THCS, tăng gần 1.000 em so với năm học trước. So với quy định, toàn thành phố thiếu 152 giáo viên ở hầu hết trường học trên địa bàn; trong đó mầm non 11, tiểu học 94 và THCS 47. Trường thiếu nhiều nhất là THCS Tân Phú 16 giáo viên, tiếp đến là Tiểu học Tiến Hưng A 13 giáo viên… Khó khăn nhất hiện nay là cấp tiểu học, ngoài thiếu giáo viên tiểu học thì còn thiếu giáo viên bộ môn chuyên như Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Học sinh Trường tiểu học Tiến Hưng A, thành phố Đồng Xoài trong giờ học

Phó trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Đồng Xoài Ngô Văn Quyền cho biết: Để giải quyết tình trạng thiếu nhiều giáo viên, phòng tham mưu UBND thành phố sắp xếp lại chuyên môn cho phù hợp, tiết kiệm và hiệu quả nhất. Đồng thời phối hợp Phòng Nội vụ tham mưu UBND thành phố sử dụng triệt để biên chế được giao phục vụ tốt hoạt động dạy và học. Bên cạnh đó, phòng tính toán đến việc dạy liên trường đối với đơn vị không có giáo viên Tin học hay Tiếng Anh. Cụ thể như 4 trường tiểu học trên địa bàn chưa có giáo viên Tin học buộc phải điều động 1 giáo viên dạy 2 trường mới đáp ứng nhu cầu.

Theo ông Quyền, ngoài sắp xếp chuyên môn, phòng đã tham mưu UBND thành phố kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho việc thiếu quá nhiều giáo viên làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học. Cụ thể, kiến nghị bổ sung biên chế còn thiếu cho tỉnh, trên cơ sở đó để bổ sung cho thành phố Đồng Xoài. Bên cạnh đó, phòng cũng đã tham mưu UBND thành phố kiến nghị các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn thiếu giáo viên; bổ sung kinh phí cho các trường chi trả cho giáo viên dạy tăng giờ, tăng tiết.

Không chỉ địa bàn trung tâm mà tại các huyện biên giới, vùng sâu, tình trạng thiếu giáo viên vẫn luôn thường trực. Huyện biên giới Bù Đốp thiếu 40 giáo viên, trong đó Tin học 6, Tiếng Anh 11, tiểu học 23. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bù Đốp Trần Đình Trọng cho biết: Ngành giáo dục Bù Đốp đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo chất lượng dạy và học. Cụ thể, phối hợp Phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện tuyển bổ sung các giáo viên còn thiếu. Trong khi chờ tuyển, Phòng GD&ĐT phối hợp Phòng Nội vụ và các trường học trên địa bàn điều tiết các thầy cô ở THCS có trình độ chuyên môn Tin học, ngoại ngữ tăng cường, hỗ trợ các trường tiểu học để phục vụ tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo thống kê, toàn tỉnh Bình Phước hiện thiếu 1.620 biên chế giáo viên; trong đó, 303 giáo viên mầm non, 545 giáo viên tiểu học, 588 giáo viên THCS và 184 giáo viên THPT. UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét không cắt giảm biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế của tỉnh; đồng thời bổ sung số biên chế giáo viên còn thiếu cho tỉnh. UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 06/2015/TT-BGDĐT-BNV quy định về danh mục vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Từ đó mới có thể bố trí giáo viên theo định mức phù hợp với đặc thù vùng, miền (tỉnh Bình Phước có 58 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) nhằm đảm bảo điều kiện về đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phát triển giáo dục bền vững.

  • Từ khóa
181084

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu