Thứ 2, 20/05/2024 03:43:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 10:42, 17/10/2023 GMT+7

Học nghề - hiệu quả từ mô hình 9+

Thứ 3, 17/10/2023 | 10:42:57 3,290 lượt xem

Anh Ngọc

BPO - Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho các ngành nghề. Việc lựa chọn nghề chưa bao giờ dễ dàng, cũng không có hướng đi chung cho tất cả học sinh, sinh viên. Vậy nên, với sự định hướng của phụ huynh, nhà trường, con đường mà học sinh lựa chọn hợp lý chính là ngành nghề phù hợp năng lực bản thân, hoàn cảnh gia đình, sát với nhu cầu xã hội cũng như niềm yêu thích của chính các em.

Đại học không phải là duy nhất

Quyết định cho con học ngành công nghệ  ôtô ở Trường cao đẳng Bình Phước khi tốt nghiệp THCS, chị Nguyễn Thị Lan Phương ở ấp Thanh Kiều, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long cho biết, gia đình không áp đặt con học ở trường THPT, rồi đại học. Điều quan trọng nhất là sau khi ra trường, con có thể tự tin sống được với nghề. Với chị Phương, khi con chọn học nghề cũng là bước ngoặt để con tự lập và sớm trưởng thành. “Tôi thấy ngành nghề bây giờ rất đa dạng. Tôi cho con học ngành công nghệ ôtô, vì thấy ngành này dễ xin việc. Nhưng điều quan trọng là con thích và sức học của con cũng phù hợp” - chị Phương bày tỏ.

Làm thủ tục nhập học hệ trung cấp và cao đẳng nghề năm học 2023-2024 tại Trường cao đẳng Bình Phước - Ảnh: T.Hiện

Cũng như chị Phương, nhiều bậc phụ huynh rất cởi mở trong vấn đề định hướng nghề nghiệp cho con, không còn đặt áp lực bằng cấp mà quan tâm tới sở thích và ước mơ của con mình. Họ sẵn sàng đồng hành với sự lựa chọn của con. Có con trai là Điểu Thiên Lâm đang theo học tại Trường cao đẳng Bình Phước, anh Điểu Long ở xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú chia sẻ: Theo tôi, học nghề rút ngắn được thời gian. Con ra trường sớm, cơ hội việc làm sẽ cao hơn, mà quan trọng là con thích. Bên cạnh truyền dạy kiến thức, mong nhà trường quan tâm giáo dục kỹ năng nghề nghiệp để con trưởng thành, sau này có ích cho gia đình và xã hội.

Trước đây, tốt nghiệp THPT rồi vào đại học là ưu tiên lựa chọn của các bậc phụ huynh và học sinh. Thế nhưng hiện nay, phụ huynh, học sinh đã chủ động, tích cực tìm kiếm các ngành đào tạo mang tính thực hành cao, cơ hội việc làm lớn, cũng như tính toán về học phí, điều kiện học tập cho con em.

Nhiều phụ huynh rẽ hướng sang chọn học nghề cho con em mình. Trong ảnh:  Các giáo viên Trường cao đẳng Bình Phước hướng dẫn phụ huynh và học sinh làm thủ tục nhập học - Hình: Trương Hiện

Chị Nguyễn Thị Vân Anh ở phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long có con gái là Cao Thị Bảo Trâm học ở Trường cao đẳng Bình Phước cho biết: Khi thấy con thích học nghề thì gia đình rất ủng hộ. Tôi thấy học trường nghề, sau khi tốt nghiệp, con có thể đi làm sớm hơn các bạn đồng trang lứa. Đồng thời cơ hội học lên cũng cao, sau này vẫn có thể tiếp tục học để hoàn thiện bằng cấp, tay nghề.

Nhiều cơ hội

Ngay sau khi ngành GD&ĐT công bố điểm trúng tuyển vào lớp 10 các trường THPT, thay vì thất vọng, nhiều phụ huynh và học sinh đã chọn hướng đi theo mô hình 9+ (vừa học văn hóa THPT vừa học trung cấp). Phụ huynh, học sinh tìm đến cơ sở giáo dục nghề nghiệp để được tư vấn chi tiết hơn về chương trình 9+. Họ cởi mở trong vấn đề định hướng nghề nghiệp cho con. Anh Đỗ Văn Tới ở khu phố An Bình, phường An Lộc, thị xã Bình Long bày tỏ: Tôi quyết định cho con học trường nghề vì con vừa được tiếp tục hoàn thành chương trình THPT vừa được học nghề. Gia đình tôi hướng đến mục tiêu con sẽ làm được gì khi ra trường chứ không phải có bằng gì. Sau này, nếu con muốn tiếp tục học lên cao hơn, gia đình vẫn tạo điều kiện.

Trường cao đẳng Bình Phước áp dụng song song giữa đào tạo lý thuyết và thực hành. Trong ảnh: Một tiết thực hành của thầy trò Trường cao đẳng Bình Phước - Hình: Như Nam

Bình Phước hiện có 23 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 2 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 4 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 6 đơn vị có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Giai đoạn 2021-2023, các cơ sở đã đào tạo nghề cho 27.396 lao động trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp, đạt 54,8% kế hoạch của tỉnh. Thực hiện mục tiêu phân luồng học sinh giai đoạn 2021-2025, năm 2022 tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp đạt 25%, phấn đấu năm 2023 đạt 30%, năm 2024 đạt 35% và đến năm 2025 đạt 40%.

Đào tạo nghề nghiệp có vai trò quan trọng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chủ yếu cho doanh nghiệp. Ngoài GD&ĐT, giáo dục nghề nghiệp còn đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, việc làm. Điểm chung ở các cơ sở này là học sinh phân luồng từ THCS được học văn hóa và đào tạo nghề, khi tốt nghiệp được nhận bằng tốt nghiệp THPT và bằng nghề tương ứng. Năm học 2023-2024, riêng Trường cao đẳng Bình Phước tuyển sinh hệ trung cấp và cao đẳng với hơn 600 học sinh, sinh viên. “Nhu cầu tuyển dụng đối với lao động có tay nghề rất lớn. Trường đã thực hiện đúng theo chương trình của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là đào tạo 30% lý thuyết và 70% thực hành. Chúng tôi cũng cố gắng cho học sinh thực hành nhiều để các em nắm bắt được kiến thức, kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao” - Thạc sĩ Nguyễn Cao Cường, Phó Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường cao đẳng Bình Phước cho hay.

Các bậc phụ huynh cùng học sinh làm thủ tục nhập học hệ trung cấp và cao đẳng nghề năm học 2023-2024 cho con em mình tại Trường cao đẳng Bình Phước - Hình: Trương Hiện

Việc các bậc phụ huynh quan tâm lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho con là một trong những nhu cầu xã hội, thể hiện chức năng giáo dục của gia đình đối với các thành viên. Cũng theo một số phụ huynh, việc lựa chọn phương án này khi học lực của con không quá xuất sắc nhưng có đam mê một nghề nào đó. Trên thực tế, học nghề được xem là con đường lập nghiệp nhanh nhất. Từ 3-3,5 năm, người học vừa có trình độ văn hóa THPT vừa có kỹ năng nghề nghiệp để sớm tham gia thị trường lao động.

  • Từ khóa
179988

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu