Thứ 2, 20/05/2024 03:31:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 10:43, 12/10/2023 GMT+7

Trăn trở trường chuẩn quốc gia

Thứ 5, 12/10/2023 | 10:43:10 3,365 lượt xem

Bài cuối:
ÐIỂM SÁNG Ở VÙNG BIÊN

Vũ Thuyên

BPO - Cũng nằm trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới nhưng công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở huyện Bù Đốp lại đạt nhiều kết quả rất tích cực, trở thành điểm sáng của cả tỉnh. Đến nay, huyện có 11/22 trường công lập đạt chuẩn, chiếm 50%. Với kết quả này, Bù Đốp chỉ đứng sau thành phố Đồng Xoài và thị xã Phước Long về tỷ lệ trường đạt chuẩn.

Hưởng lợi gì từ trường chuẩn?

Mẫu giáo Tân Tiến, xã Tân Tiến là trường học đầu tiên trên địa bàn huyện Bù Đốp được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 từ cuối năm học 2022-2023. Để đạt chuẩn, trường đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng 12 phòng các loại, gồm phòng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ cùng khối phòng hành chính và các công trình phụ trợ; đồng thời mua sắm đầy đủ đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Việc có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị không chỉ là điều kiện tốt để trường huy động 100% trẻ trên địa bàn ra lớp mà còn tạo thuận lợi để trẻ thỏa sức vui chơi, trải nghiệm, sáng tạo.

“Tôi cũng như tập thể nhà trường rất vui và hạnh phúc khi được công tác ở ngôi trường khang trang, sạch đẹp như hiện nay. Khi trường được đầu tư xây dựng và công nhận đạt chuẩn đã tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh gửi gắm con em mình. Đặc biệt, 2023-2024 là năm học đầu tiên trường huy động tối đa trẻ ra lớp, trong đó có cả trẻ em dân tộc thiểu số với tổng 307 trẻ/10 nhóm, lớp, tăng 36 em so với năm học trước” - cô Nguyễn Thị Định, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Tân Tiến tự hào.

Trường mẫu giáo Tân Tiến, huyện Bù Đốp được đầu tư xây dựng đạt chuẩn là điều kiện thuận lợi cho trẻ học tập, trải nghiệm

Theo cô Định, chủ đề năm học 2023-2024 là “xây dựng trường học hạnh phúc, an toàn, thân thiện”. Vì vậy, với việc cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư xây dựng đồng bộ, trang thiết bị được mua sắm đầy đủ cùng đội ngũ ban giám hiệu tâm huyết, trách nhiệm sẽ là nguồn cảm hứng để giáo viên phát huy hết năng lực, sở trường trong nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Đồng thời, đây là những điều kiện rất tốt để trường thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm, khám phá cho trẻ với chuyên đề “lấy trẻ làm trung tâm, trẻ học bằng chơi, chơi mà học”. Đặc biệt, cho trẻ được tiếp xúc với thiên nhiên, vườn hoa, vườn rau của bé, vườn cổ tích, thư viện xanh. Từ đó giúp trẻ mạnh dạn, tự tin và phát triển toàn diện hơn về trí tuệ lẫn thể chất.

Nhà vệ sinh học sinh Trường tiểu học Tân Tiến được xây dựng khang trang, hiện đại

Một góc nhà vệ sinh nam Trường tiểu học Tân Tiến

Cũng trên địa bàn xã Tân Tiến, Trường tiểu học Tân Tiến đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm 2022. Hiện trường có 21 phòng học lý thuyết đảm bảo cho gần 700 học sinh/21 lớp, học 2 buổi/ngày. Ngoài ra, trường còn có đầy đủ phòng chức năng, bộ môn và công trình phụ trợ khác. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bù Đốp Trần Đình Trọng phấn khởi: Đứng chân trên địa bàn rộng, với gần 40% học sinh dân tộc thiểu số theo học nên trước đây Trường tiểu học Tân Tiến có đến 4 điểm lẻ. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp tại điểm chính nên đã xóa 100% điểm lẻ. Khi học sinh tập trung về điểm chính không chỉ tạo điều kiện cho các em tham gia đầy đủ hoạt động, hưởng thụ môi trường giáo dục chất lượng tốt mà còn tạo thuận lợi cho nhà trường trong việc tập trung quản lý, dễ dàng bố trí chuyên môn và tạo điều kiện cho giáo viên tăng cường trao đổi, dự giờ, thăm lớp… để nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhà vệ sinh thân thiện

Ngoài cơ sở vật chất trường lớp thì nhà vệ sinh Trường tiểu học Tân Tiến được đầu tư xây dựng rất khang trang, sạch, đẹp, đáp ứng nhu cầu cho tất cả học sinh. Theo quan sát, nhà vệ sinh được xây dựng rộng rãi, thoáng mát, thiết kế bắt mắt với 4 mái, lợp ngói đỏ rất chắc chắn. Nhà vệ sinh phân thành 2 khu vực nam và nữ, nền nhà và tường được lát đá hoa cương sạch sẽ, có chậu rửa gắn với gương soi rất hiện đại.

Trường tiểu học Thiện Hưng A, xã Thiện Hưng cũng tương tự. Ngoài nâng cấp nhà vệ sinh cũ, trường còn được bổ sung kinh phí xây thêm nhà vệ sinh mới rộng rãi bên cạnh. Tuy mới, cũ chắp nối nhưng nhờ được trang trí, lắp đặt đầy đủ thiết bị nên rất khang trang, hiện đại.

Nhà vệ sinh Trường tiểu học Thiện Hưng A

Nhà đa năng Trường tiểu học Thiện Hưng A vừa được đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng

Theo ban giám hiệu các trường học, nếu không gian nhà vệ sinh không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển nhân cách, ý thức của trẻ. Vì vậy, ở các trường học hiện nay, việc xây nhà vệ sinh vừa đảm bảo tiêu chuẩn vừa tăng cường ý thức cho trẻ là yếu tố vô cùng cần thiết. Bởi vậy, ngoài không gian thoáng mát, việc bảo đảm luôn sạch sẽ là điều quan trọng của mỗi khu vệ sinh trong các trường học. Và việc giữ nhà vệ sinh luôn thân thiện, sạch sẽ, thông thoáng cũng được nhiều trường học lưu tâm bằng cách giáo dục ý thức cho học sinh. Các trường nhắc nhở học sinh giữ gìn vệ sinh chung qua tiết chào cờ đầu tuần, tiết sinh hoạt lớp, hoạt động ngoại khóa. Ngoài ra, nhà trường còn giao trách nhiệm bảo quản, vệ sinh cho từng lớp học theo lịch phân công.

“Thực hiện chủ trương của ngành là xây dựng trường học xanh, sạch, thân thiện, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các trường xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đảm bảo. Theo đó, ngoài ngân sách địa phương, các trường đã chủ động vận động xã hội hóa xây dựng nhà vệ sinh đảm bảo đúng với Thông tư số 13 của Bộ GD&ĐT. Hiện nay, 100% trường học trên địa bàn có nhà vệ sinh đảm bảo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các em với phương châm “mỗi ngày đến trường là một niềm vui” - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bù Đốp Trần Đình Trọng chia sẻ.

Dành sự quan tâm đặc biệt

Theo ông Trần Đình Trọng, dù địa phương vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ. Kết quả đó là nhờ sự quan tâm đặc biệt của Huyện ủy, UBND huyện. Từ công tác chủ động tham mưu của ngành, Huyện ủy, UBND huyện tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị trường học để phục vụ cho nhiều mục đích. Đó là công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, giai đoạn 2021-2023, UBND huyện tập trung đầu tư cho ngành giáo dục từ nhiều nguồn lực với tổng kinh phí 156 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh 80 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 60 tỷ đồng và ngân sách Trung ương hơn 16 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cùng với cả nước, hiện nay trang thiết bị phục vụ công tác dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn huyện Bù Đốp vẫn còn thiếu. Ông Trần Đình Trọng cho biết, huyện đã bố trí một phần kinh phí trang bị cho lớp 1, còn lớp 2, 3, 4, 6, 7, 8 đang đợi các cấp có thẩm quyền phân bổ cũng như hướng dẫn để bố trí kinh phí mua sắm. Để đảm bảo dạy học, phòng chỉ đạo các trường tận dụng trang thiết bị có sẵn để khai thác, đồng thời khai thác thiết bị ảo của Bộ GD&ĐT để dạy học. Ngoài thiết bị, huyện Bù Đốp còn thiếu 11 giáo viên ngoại ngữ, 6 giáo viên môn Tin học và 25 giáo viên tiểu học. Vấn đề này huyện đã có kế hoạch tuyển dụng cũng như điều tiết giữa các cấp học nhằm đảm bảo tốt nhất trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bù Đốp nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu có 50% trường đạt chuẩn quốc gia nhưng đến nay huyện đã thực hiện đạt với 11/22 trường. Không dừng lại ở đó, từ nay đến cuối năm 2025, huyện phấn đấu công nhận thêm 5 trường, nâng tổng lên 16 trường, đạt 72%. Ngoài ra, huyện còn phấn đấu công nhận lại 3 trường... Với sự quan tâm đặc biệt của Huyện ủy, UBND huyện thì chỉ tiêu đặt ra là hoàn toàn có thể. Từ đó, góp phần nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh.


  • Từ khóa
179633

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu