Thứ 2, 20/05/2024 04:29:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:32, 11/10/2023 GMT+7

Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

Thứ 4, 11/10/2023 | 14:32:00 2,867 lượt xem

Xuân Túc

BPO - Triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, thời gian qua, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm tạo môi trường giáo dục theo tính mở, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện .“Việc lấy trẻ làm trung tâm giúp trẻ kích thích tính chủ động, tích cực, sáng tạo, qua đó từng bước góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non” - bà Vũ Thị Kim Huệ, Phó trưởng Phòng Giáo dục tiểu học và mầm non, Sở GD&ĐT nhấn mạnh.

“Học bằng chơi, chơi mà học”

Trường mầm non Tân Lập có 570 trẻ với 20 nhóm, lớp. Đây được xem là ngôi trường mầm non đẹp và khang trang bậc nhất của huyện Đồng Phú. Tại đây, bên trong và ngoài lớp học được thiết kế, bố trí hài hòa các góc chơi, phòng chức năng, khu trải nghiệm, hệ thống cây xanh. Với phương châm “học bằng chơi, chơi mà học”, mỗi tiết học được giáo viên thiết kế theo hướng mở, giúp trẻ thỏa sức khám phá, sáng tạo theo ý thích của mình.

Cô Võ Hoàng Như Ý, giáo viên Trường mầm non Tân Lập cho biết: Vào tiết trải nghiệm, sáng tạo, giáo viên chỉ là người hướng dẫn trẻ khám phá, xem trước các hình ảnh để gợi mở ý tưởng cho trẻ. Sau đó, trẻ tự thực hành, trải nghiệm tùy theo sở thích, sáng tạo của mình.

Trong tiết trải nghiệm sáng tạo, trẻ thuộc Trường mầm non Tân Lập thỏa sức khám phá, sáng tạo theo ý thích của mình

“Trước đó, giáo viên chuẩn bị các vật liệu gần gũi với thiên nhiên, cuộc sống như nắp chai nhựa, lá cây để làm học liệu. Từ những vật liệu đơn giản này, các em được thỏa sức sáng tạo ra những bông hoa, con vật hay vật dụng mà các em yêu thích. Với hình thức này, tiết học sẽ sinh động hơn, trẻ vừa được chơi vừa được học” - cô Ý cho biết thêm.

Tại Trường mầm non Thuận Phú, huyện Đồng Phú, các khu vực trong lớp được thiết kế theo hướng tận dụng không gian để trẻ hoạt động đảm bảo phù hợp, linh hoạt; các góc hoạt động mang tính mở, tạo điều kiện cho trẻ dễ dàng lựa chọn và sử dụng đồ chơi để thực hành, trải nghiệm. Được học tập, vui chơi, hoạt động trong môi trường thân thiện, an toàn, hơn 600 trẻ của trường luôn hào hứng, tích cực, tự tin tham gia các hoạt động học tập, khám phá, trải nghiệm, thực hành, sáng tạo.

Cô Nguyễn Thị Chao, giáo viên Trường mầm non Thuận Phú chia sẻ: Ngoài đảm bảo tiêu chí an toàn, thân thiện và gần gũi với trẻ, thông qua những đồ dùng, đồ chơi giúp trẻ khám phá, học hỏi kiến thức về cuộc sống, môi trường xung quanh, cũng như kỹ năng sống bổ ích.

“Các góc vui chơi ngoài trời được bố trí linh hoạt có thể thay đổi theo chủ đề, chủ điểm và di chuyển từ nơi này qua nơi khác, giúp trẻ không bị nhàm chán khi tham gia các hoạt động trải nghiệm” - cô Lê Thị Thực, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Thuận Phú cho biết.

Theo bà Vũ Thị Kim Huệ, Phó trưởng Phòng Giáo dục tiểu học và mầm non, Sở GD&ĐT, sau 2 năm thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm", tất cả trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng thêm phòng học kiên cố, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; các khu vực vui chơi của trẻ được đầu tư khang trang, trang thiết bị dạy học được bổ sung đầy đủ. Giáo viên linh động, sáng tạo, hướng tới xây dựng môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục lành mạnh, an toàn đáp ứng nhu cầu học tập và khả năng phát triển toàn diện của trẻ.

Tăng cường đầu tư cho giáo dục mầm non

Bên cạnh những kết quả tích cực sau 2 năm triển khai thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm", vẫn còn những khó khăn nhất định. Tại một số trường thuộc vùng kinh tế khó khăn, nhiều điểm lẻ và một số trường cơ sở vật chất đã xuống cấp nhưng công tác xã hội hóa vận động kinh phí để đầu tư còn nhiều hạn chế, trong khi ngân sách hạn hẹp.

Các góc vui chơi ngoài trời được bố trí linh hoạt, trẻ thuộc Trường mầm non Thuận Phú hào hứng tham gia các hoạt động trải nghiệm, thực hành và sáng tạo

Ngoài ra, nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục mầm non hiện còn hạn chế; nhiều trường có diện tích đất chật hẹp, thiếu không gian để bố trí, xây dựng môi trường hoạt động; cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn; định biên giáo viên/lớp còn thấp so với quy định... đã ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chuyên đề. Mặt khác, vẫn còn một số giáo viên lúng túng trong xây dựng kế hoạch giáo dục và lựa chọn nội dung tổ chức hoạt động học tập, vui chơi cho trẻ.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, thời gian tới tỉnh cần tiếp tục tăng cường đầu tư, xây dựng phòng học, mua sắm, bổ sung trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi trong và ngoài lớp học cho các trường. Đồng thời, tuyển dụng, bố trí đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ; tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn trình độ của giáo viên mầm non theo Luật Giáo dục năm 2019; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục...

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề, chương trình tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm tại các đơn vị điểm để các trường giao lưu, học hỏi triển khai chuyên đề hiệu quả trong những năm tiếp theo.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 245 cơ sở mầm non thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, đạt 92,1%. Trong đó, trường công lập và trường ngoài công lập thực hiện chuyên đề đạt 100%; nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập đạt 79%. Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, sau 2 năm thực hiện chuyên đề, tại các cơ sở giáo dục mầm non đã có sự thay đổi rõ rệt, nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ.


  • Từ khóa
179578

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu