Thứ 2, 20/05/2024 02:21:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 15:53, 18/09/2023 GMT+7

Hạn chế tiếng Việt: Rào cản đối với học sinh dân tộc thiểu số

Thứ 2, 18/09/2023 | 15:53:00 3,560 lượt xem

Xuân Túc

BPO - Nâng cao năng lực tiếng Việt cho học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) không chỉ là chìa khóa giúp các em nắm vững các môn học mà còn góp phần tạo sự hứng thú, chủ động, tự tin trong học tập, hình thành một số kỹ năng cơ bản và năng lực sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, ứng xử của trẻ.

Tuy nhiên, tại Bình Phước, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, chương trình tăng cường tiếng Việt cho học sinh lớp 1 đã tạm dừng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tiếp thu kiến thức của các em.

Giáo dục vùng sâu gặp khó

Năm học 2023-2024, Trường tiểu học Đắk Á, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập có 450 học sinh, trong đó hơn 80% là đồng bào DTTS. Học sinh lớp 1 có 101 em.

Cô Phạm Thị Thoa, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, Trường tiểu học Đắk Á cho biết, phần lớn học sinh trong lớp là con em đồng bào dân tộc M’nông, S’tiêng, nhiều em chưa qua mẫu giáo nên khả năng nói, hiểu tiếng Việt còn hạn chế. Thậm chí khi cô yêu cầu mở sách, lấy dụng cụ học tập để học bài, có em không hiểu cô đang nói gì, vì vậy công tác dạy và học gặp rất nhiều khó khăn. “Không chỉ hạn chế về tiếng Việt, các em còn nhút nhát, rụt rè, sợ tiếp xúc với giáo viên. Hai tuần đầu sau khi nhập học, chúng tôi phải tăng cường giao tiếp để tạo sự gần gũi, cùng với đó dạy bảng chữ cái, số đếm để các em làm quen với tiếng Việt. Chỉ khi các em giao tiếp bằng tiếng Việt tốt thì mới tiếp thu bài giảng hiệu quả” - cô Thoa chia sẻ thêm.

Cô Phạm Thị Thoa, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, Trường tiểu học Đắk Á hướng dẫn học sinh phát âm tiếng Việt

Theo cô Nguyễn Thị Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đắk Á, môi trường giao tiếp tiếng Việt bị hạn chế chính là rào cản lớn nhất để rèn kỹ năng sử dụng tiếng Việt của học sinh DTTS. Nắm bắt được những khó khăn đó, nhiều năm qua, trường tập trung bổ túc thêm tiếng Việt cho các em. Trong quá trình dạy, giáo viên chú ý phân loại khả năng tiếng Việt của từng em để có phương pháp, nội dung dạy tiếng Việt cho phù hợp.

Do không qua mẫu giáo nên đầu năm học mới, giáo viên Trường tiểu học Đắk Á phải tranh thủ bổ túc thêm tiếng Việt cho học sinh DTTS

Còn Trường tiểu học Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập có 362 em, trong đó gần 70% học sinh DTTS. Năm học này, nhà trường đón 88 em vào lớp 1, trong đó có 63 học sinh DTTS. Cô Đỗ Thị Lịch, Hiệu trưởng trường cho biết: Trong số học sinh lớp 1 của trường có rất nhiều em chưa qua mẫu giáo, các em ở nhà thường sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để giao tiếp, thành ra vốn tiếng Việt rất hạn chế. Để khắc phục rào cản ngôn ngữ, ngay từ đầu năm học, trường chỉ đạo giáo viên tranh thủ thời gian bổ túc tiếng Việt cho các em. Tuy nhiên, cũng phải mất khoảng 8 tuần các em mới có thể cơ bản nói, hiểu tiếng Việt.

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng dạy và học

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS không chỉ góp phần khắc phục những hạn chế rào cản ngôn ngữ đối với trẻ em, mà qua đó còn từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Tuy nhiên, thực tế việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, công tác này gần như bị ngưng lại.

Bù Gia Mập là huyện biên giới, tập trung nhiều thành phần dân tộc sinh sống. Hằng năm, số học sinh DTTS của huyện luôn chiếm tỷ lệ cao, thậm chí một số điểm trường 100% học sinh là con em đồng bào DTTS theo học. Vì cuộc sống người dân còn khó khăn, nhiều học sinh chưa qua mẫu giáo, ở nhà các em có thói quen sử dụng tiếng dân tộc mình để giao tiếp, nhiều em rụt rè, tâm lý sợ thầy cô nên việc tăng cường tiếng Việt cho các em là điều hết sức cần thiết.

Cô Đỗ Thị Lịch, cho biết thêm: Trước đây vào dịp hè, chúng tôi thường có các lớp tăng cường tiếng Việt nên đầu năm học mới các em tiếp thu bài nhanh hơn. Tuy nhiên gần 3 năm nay, nhà trường không nhận được kế hoạch hướng dẫn của Sở GD&ĐT về việc mở các lớp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dịp hè nên phải chờ đầu năm học mới bố trí giáo viên kèm thêm cho các em.

“Mặc dù nhà trường đã tăng cường nhiều biện pháp, song do vốn tiếng Việt của học sinh DTTS còn hạn chế, nên các em tiếp thu bài học khá chậm. Khi thầy, cô giáo giảng bài, các em không hiểu được nghĩa của từ dẫn đến mau quên, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục” - cô Lịch chia sẻ.

Theo ông Lê Văn Công, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bù Gia Mập, đặc thù của huyện là học sinh dân tộc S’tiêng, M’nông chiếm tỷ lệ cao. Phần lớn các em có thói quen sử dụng tiếng dân tộc mình để giao tiếp ở nhà nên vốn tiếng Việt rất hạn chế. Vì vậy, khi bước vào lớp 1, giáo viên gặp không ít khó khăn trong việc hướng dẫn các em cách giao tiếp, nội quy, quy chế của trường, lớp, chất lượng giáo dục cũng bị ảnh hưởng.

Việc mở các lớp tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS là rất cần thiết với địa bàn huyện Bù Gia Mập. Tuy nhiên, không có văn bản chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi  không thể tự ý mở. Phòng GD&ĐT huyện đã vận động các trường nâng cao tinh thần trách nhiệm của giáo viên, tranh thủ bổ túc thêm vốn tiếng Việt cho các em.

Ông LÊ VĂN CÔNG, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bù Gia Mập


Cùng với học sinh lớp 1 cả nước, hiện nay các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đang học chương trình giáo dục phổ thông mới. Do đó, nếu được tăng cường tiếng Việt sẽ tạo điều kiện giúp học sinh DTTS tiếp cận kiến thức thuận lợi, hiệu quả hơn. Qua đó, nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa khu vực biên giới với thành thị.

  • Từ khóa
177600

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu