Thứ 2, 20/05/2024 06:26:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 15:44, 30/11/2022 GMT+7

BÀI DỰ THI LIÊN HOAN NGHIỆP VỤ BÁO CHÍ TỈNH BÌNH PHƯỚC LẦN I, NĂM 2023

Xây dựng trường chuẩn quốc gia để nâng chất giáo dục

Vũ Thuyên
Thứ 4, 30/11/2022 | 15:44:26 2,229 lượt xem
BPO - Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp hoạt động, thu hút khoảng 150 ngàn lao động từ các địa phương về. Người lao động đến Bình Phước sinh sống, làm việc kèm thêm con em trong độ tuổi ăn học khiến học sinh tăng cơ học nhanh. Đây là vấn đề đã được dự đoán từ nhiều năm trước, tuy nhiên do cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như biên chế giáo viên không đáp ứng kịp dẫn đến quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, công tác xây dựng trường đạt chuẩn.

Bài 2
ĐI TÌM GIẢI PHÁP

Để cải thiện tình hình, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp “dài hơi” nhằm tạo môi trường học tập tốt nhất cho con em, cũng như hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn đã đề ra.

Có tư thục “gánh vác”

Phường Minh Hưng, TX. Chơn Thành là địa bàn trọng điểm về phát triển công nghiệp của cả tỉnh. Nơi đây có khoảng 2.000 trẻ trong độ tuổi mầm non. Tuy nhiên, toàn phường chỉ có 1 trường công lập là Mầm non Minh Hưng. Hiện trường có 500 trẻ/16 lớp, nhóm, đảm bảo quy định của trường chuẩn. Năm 2021, trường được bổ sung hơn 5 sào đất, nâng tổng diện tích đất của đơn vị lên hơn 1,1 ha. Trường cũng được đầu tư gần 33 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhiều công trình, hạng mục, mua sắm đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đảm bảo theo quy định mới của trường chuẩn quốc gia.

Trường mầm non Minh Hưng được đầu tư khang trang và đang hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn quốc gia

Cơ sở vật chất đầy đủ đã tiếp thêm động lực để giáo viên, phụ huynh đóng góp công sức thiết kế, bố trí các nhà chòi, góc vui chơi, học tập, trải nghiệm cho trẻ rất bắt mắt, đúng với tiêu đề “Trường mầm non xanh, an toàn, thân thiện”. “Học ở ngôi trường khang trang, rộng rãi, trẻ được thỏa sức vui chơi, trải nghiệm, khám phá, phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ. Hiện trường đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được công nhận đạt chuẩn quốc gia trong thời gian tới” - cô Lê Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng trường vui mừng cho biết.

Mầm non Minh Hưng cũng là một trong số rất nhiều trường mầm non trên địa bàn trung tâm, đông dân cư đã và đang được đầu tư xây dựng khang trang cũng như sắp xếp, bố trí trẻ đảm bảo tiêu chí trường chuẩn. Có được kết quả đó là nhờ địa phương thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, doanh nghiệp đã chung tay “gánh vác”, xây dựng các trường mầm non, cơ sở mầm non tư thục nhằm “giảm nhiệt” cho trường công.

Các cháu Trường mầm non Hoa Ngọc Lan MONTESSORI (Chơn Thành) hào hứng tiết học làm quen với tiếng Anh dưới sự hướng dẫn của giáo viên nước ngoài

Hiện trên địa bàn TX. Chơn Thành có 10 trường mầm non và 21 cơ sở mầm non ngoài công lập hoạt động, thu hút khoảng 50% số trẻ trên địa bàn. Đơn vị “đảm nhận trọng trách” nhiều nhất là hệ thống giáo dục Hoa Ngọc Lan MONTESSORI. Hiện đơn vị có 6 trường, thu hút 1.600 trẻ, trong đó TX. Chơn Thành có 4 trường với gần 1.000 trẻ theo học. “Ngoài giảm tải cho trường công thì nhờ thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa mầm non tư thục là cơ sở để điều hòa biên chế giáo viên cho bậc tiểu học, THCS. Không chỉ bậc mầm non mà huyện đang kêu gọi xã hội hóa các bậc học khác trong thời gian tới” - Phó Trưởng phòng GD&ĐT TX. Chơn Thành Nguyễn Văn Diễn khẳng định.

Tại TP. Đồng Xoài, hệ thống giáo dục ngoài công lập cũng đã phát triển mạnh về cả lượng lẫn chất. Hiện thành phố có 10 trường mầm non, mẫu giáo tư thục và 39 cơ sở mầm non tư thục với 3.195 trẻ/153 nhóm, lớp theo học. Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống mầm non ngoài công lập đã thu hút 44,4%/tổng số trẻ toàn thành phố.

Những giải pháp “dài hơi”

Đến nay, TP. Đồng Xoài và TX. Chơn Thành là 2 địa phương có số học sinh tăng cơ học nhanh nhất tỉnh, dẫn đến quá tải và khó khăn trong xây dựng trường đạt chuẩn.

Bà Dương Thị Thảo, Trưởng phòng GD&ĐT TP. Đồng Xoài cho biết, những năm qua, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được lãnh đạo thành phố quan tâm đầu tư xây dựng, mua sắm nhiều, nhất là đầu tư theo hướng đạt chuẩn. Tuy nhiên, do nhu cầu quá lớn nên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu theo các thông tư của Bộ GD&ĐT quy định về cơ sở vật chất đối với các trường chuẩn quốc gia. Mặt khác, năm học 2022-2023, thành phố thiếu 221 giáo viên đứng lớp (mầm non 109, tiểu học 82, THCS 30) nên không đảm bảo đội ngũ giáo viên theo quy định trường chuẩn, thậm chí không đủ giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

TP. Đồng Xoài có 27/31 trường công lập trực thuộc đã và đang được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, mầm non 10/11 trường được công nhận, tiểu học 9/13, THCS 8/8. Tuy nhiên đến tháng 9-2022, thành phố chỉ còn 20/31 trường còn hiệu lực, chiếm 64,6%. Một số trường còn hiệu lực đạt chuẩn đang gặp khó khăn trong lộ trình thực hiện công nhận chuẩn ở các giai đoạn tiếp theo và có nguy cơ “rớt” chuẩn, đặc biệt là cấp tiểu học. Nguyên nhân phần lớn do học sinh tăng cơ học nhanh dẫn tới vượt quá sĩ số học sinh/lớp, vượt quá tổng số lớp và tổng số học sinh/trường.

Để cải thiện, Phòng GD&ĐT đã tham mưu HĐND, UBND thành phố ban hành các kế hoạch, đề án định hướng phát triển của ngành giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 làm cơ sở để triển khai thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, trong đó có xây dựng trường chuẩn quốc gia. Các chiến lược, kế hoạch, đề án phù hợp với thực tiễn, lộ trình rõ ràng, cụ thể từng năm.

Ngành GD&ĐT đã tham mưu điều tiết, phân tuyến địa bàn tuyển sinh đầu cấp phù hợp để đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa các trường trên địa bàn thành phố. Đồng thời tham mưu xây dựng thêm các trường học trên địa bàn theo chiến lược đã được ban hành trong giai đoạn 2021-2030. Trước mắt cần xây dựng thêm 1 trường THCS trên địa bàn phường Tân Phú trước năm 2025 và 1 trường tiểu học ở xã Tiến Hưng vào năm 2026.

Bà Dương Thị Thảo, Trưởng phòng GD&ĐT TP. Đồng Xoài


Chưa thể tách trường

Cũng như TP. Đồng Xoài, tại TX. Chơn Thành công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị được lãnh đạo đặc biệt quan tâm. Đặc biệt là không dàn trải mà đầu tư quy mô lớn theo hướng đạt chuẩn quốc gia với nguồn ngân sách chi cho giáo dục khoảng 60 tỷ đồng/năm. Hiện Chơn Thành có 5/24 trường đạt chuẩn quốc gia và đang phấn đấu đến cuối năm 2025 có 18/24 trường đạt chuẩn theo nghị quyết Đảng bộ thị xã đề ra.

Học sinh Trường mầm non tư thục Việt Anh (Chơn Thành) trong giờ học

Tuy được quan tâm, chi “mạnh tay” cho giáo dục nhưng do là địa bàn trọng điểm công nghiệp của tỉnh nên học sinh tăng nhanh dẫn đến quá tải, tập trung chủ yếu ở 3 phường: Hưng Long, Minh Hưng, Minh Thành.

Để giảm tải trước mắt, UBND thị xã yêu cầu các đơn vị rà soát lại số lượng học sinh cũng như nhu cầu học tập của con em công nhân trên địa bàn để tính toán phân luồng một cách triệt để, quyết liệt hơn, con em ở địa phương nào thì học tập tại địa bàn đó. Về giải pháp dài hơi thì trong tất cả quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của thị xã đều bố trí diện tích đất để xây dựng trường học mới. Dự kiến năm 2023 sẽ xây thêm trường học mới ở phường Thành Tâm, qua đó góp phần đảm bảo việc xây dựng trường chuẩn cũng như chia sẻ áp lực số học sinh tập trung quá đông về khu vực trung tâm.

Phó Chủ tịch UBND TX. Chơn Thành Nguyễn Thị Hải Vân


Đối với Trường TH&THCS Lương Thế Vinh, Phó Chủ tịch UBND TX. Chơn Thành Nguyễn Thị Hải Vân thừa nhận có những khó khăn nhất định từ khi sáp nhập đến nay, nhất là áp lực quản lý do số lượng học sinh quá đông. Ngay từ đầu, lãnh đạo địa phương đã tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho trường nhằm đảm bảo công tác quản lý, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập, nâng cao chất lượng giáo dục. Về phương án tách trường, bà Vân cho biết chưa bàn đến phương án này, bởi trường mới sáp nhập nên tách ra sẽ tạo sự xáo trộn. “Sau khi xây dựng trường mới ở phường Thành Tâm sẽ xem xét số lượng học sinh giảm được bao nhiêu mới tính đến phương án tách trường và có tách cũng bàn ở nhiệm kỳ đại hội mới” - bà Nguyễn Thị Hải Vân khẳng định.

  • Từ khóa
156107

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu