Thứ 7, 27/04/2024 12:54:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Theo gương Bác 05:00, 02/12/2023 GMT+7

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO GƯƠNG BÁC

Sắc thắm “hoa 05”

Cẩm Liên
Thứ 7, 02/12/2023 | 05:00:00 1,743 lượt xem
BPO - Từ sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, trở thành động lực của sự phát triển toàn diện. Trong tháng 11, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với những “bông hoa” học và làm theo Bác trong ngành giáo dục. Đó là cô Lê Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Bù Đăng và cô Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng phụ trách Đội, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh.

Xây dựng “trường học hạnh phúc”

Hơn 4 năm công tác tại Trường THPT Lê Quý Đôn, Hiệu trưởng Lê Thị Bích Hạnh bằng sự đổi mới, sáng tạo, nhiệt huyết, niềm tin và khát vọng đã đem đến cho trường một “làn gió” mới, lan tỏa “ngọn lửa” đam mê trong cán bộ, đảng viên, giáo viên, xây dựng khối đoàn kết, đưa ngôi trường vùng sâu gặt hái nhiều “quả ngọt”. Từ một ngôi trường còn rất nhiều khó khăn, đơn vị đã vươn mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dạy và học, trở thành trường chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2022. Trường được Bộ trưởng Bộ Công an, UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Mới đây, trường vinh dự được tặng cờ thi đua của Chính phủ. Những kết quả đó được kết tinh từ phong trào học và làm theo Bác, tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong dạy, học và là ngôi trường của mô hình hạnh phúc.

Cô Lê Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn nhận cờ thi đua của Chính phủ về đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm học 2021-2022

Cô Lê Thị Bích Hạnh chia sẻ: Nhiều năm trở lại đây, chất lượng giáo dục tại trường ngày càng được nâng cao. Học sinh giỏi năm 2022 tăng đột biến về giải so với năm trước; giáo viên giỏi, sáng kiến cấp tỉnh đều trong top 10. Trường THPT Lê Quý Đôn xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” với các tiêu chí: yêu thương, an toàn, trân trọng, phát triển.

“Trường học hạnh phúc” là trường học đề cao cảm xúc tích cực của mỗi cá nhân trong trường, các mối quan hệ tốt đẹp, trên cơ sở tinh thần dân chủ, công bằng, tôn trọng sự khác biệt, lắng nghe lẫn nhau, đồng cảm, yêu thương và chia sẻ. Bởi thế, bên cạnh phương pháp giảng dạy lôi cuốn, học sinh được tự do sáng tạo, có môi trường gắn kết với nhau; giáo viên, học sinh có cơ hội thể hiện, khẳng định và được công nhận giá trị bản thân”.

Cô LÊ THỊ BÍCH HẠNH, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn


Cô Phạm Lan Giang, giáo viên môn Địa lý của trường bộc bạch: Trong môi trường giáo dục của “Trường học hạnh phúc”, đội ngũ giáo viên luôn được đổi mới, sáng tạo trong dạy và học. Ban Giám hiệu trường luôn quan tâm trang thiết bị dạy và học, đồng thời tạo điều kiện cho giáo viên được tham quan, học tập, trao đổi nghiệp vụ với giáo viên các trường trong và ngoài tỉnh. Qua đó, mỗi tiết dạy đều đem đến niềm vui cho cả giáo viên và học sinh.

Không chỉ ở các tiết học lý thuyết, những tiết thực hành, thí nghiệm hóa học cũng mang lại sự thú vị, hấp dẫn. Thầy cô hạnh phúc, học sinh hạnh phúc sẽ tạo nên lớp học, trường học hạnh phúc. Đó cũng là giá trị học và làm theo Bác mà mỗi thầy, cô giáo trong trường đang từng ngày thực hiện.

“Trường học hạnh phúc” cũng là nơi không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh. “Trường học hạnh phúc” là nơi thầy cô và học sinh vui sống và học tập trong sẻ chia, cảm thông, yêu thương nhau bằng tình cảm chân thành, nhân ái.

Được sống, học tập trong môi trường như vậy, em Nguyễn Hữu Nghĩa, học sinh lớp 11B5 đã tự tin khẳng định bản thân. Hữu Nghĩa chia sẻ: THPT Lê Quý Đôn xây dựng theo mô hình “Trường học hạnh phúc”, nơi học sinh, giáo viên được hạnh phúc, an toàn để phát triển bản thân. Trong 2 năm học ở trường, em cảm nhận bản thân trưởng thành rất nhiều. Năm lớp 10 em là học sinh xuất sắc, mới đây em đạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Em Dư Thị Thủy Trúc, lớp 10B7 chia sẻ: Trước khi chuyển về THPT Lê Quý Đôn, em học ở một trường tư khá nghiêm khắc. Khi chuyển về đây, em được tạo điều kiện học tập, sinh hoạt theo hướng phát triển sở trường, năng lực, đam mê của bản thân. Chúng em vừa học tập vừa trải nghiệm vô cùng thoải mái. Em thấy yêu trường nhiều hơn.

Hoạt động trải nghiệm tại Trường THPT Lê Quý Đôn góp phần nâng cao hiệu quả học tập và rèn kỹ năng sống cho học sinh 

Nặng lòng với văn hóa dân tộc

Tốt nghiệp chuyên ngành Âm nhạc, về công tác tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Lộc Ninh, cô Nguyễn Thị Phương Thảo vừa đảm nhận vai trò giáo viên âm nhạc vừa là Tổng phụ trách Đội của trường. Cô luôn trăn trở với việc giữ gìn, phát huy nhạc cụ truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS). Do đó, đội hình nhạc ngũ âm đồng bào Khmer được cô Thảo đề xuất ra đời. Các thành viên được lựa chọn từ những học sinh có năng khiếu âm nhạc khi các em mới vào lớp 6. Đến nay, trường đầu tư 2 bộ nhạc ngũ âm, luôn duy trì hoạt động và đã phát huy hiệu quả không chỉ ở các sân khấu huyện, tỉnh mà còn vươn xa giao lưu, tranh tài ở khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều thành viên của đội nhạc trở thành những “viên ngọc sáng” được tuyên dương cấp khu vực, toàn quốc.

Cô Nguyễn Thị Phương Thảo hướng dẫn các thành viên đội nhạc ngũ âm của trường luyện tập

Không sinh ra, lớn lên từ “cái nôi” nhạc ngũ âm, song em Nguyễn Ngân Khánh, dân tộc Mường, học sinh lớp 8A1 rất yêu thích dòng nhạc cụ dân tộc. Từ đam mê, em chăm chỉ luyện tập, rồi trở thành chỉ huy đội nhạc ngũ âm của trường. Ngân Khánh chia sẻ: Em rất vui và tự hào khi được trải nghiệm dòng nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer. Qua đó, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Cô Nguyễn Thị Phương Thảo trong một buổi nuôi heo đất của khối học sinh lớp 6

Tại trường, các loại hình âm nhạc truyền thống của các DTTS được lưu truyền, giao thoa và thăng hoa từ lớp trẻ. Âm thanh đàn đá đặc trưng của dân tộc S’tiêng cũng được ngân vang ở ngôi trường này. Điều thú vị hơn, âm thanh ấy lại được tạo ra bởi một học sinh dân tộc Khmer. Em Lâm Thị Kim Oanh, lớp 8A2, phụ trách chính dụng cụ đàn đá bày tỏ: Từ khi được cô Thảo phát hiện, chỉ dạy, em càng yêu thích nhạc cụ đàn đá. Em thấy văn hóa của đồng bào S’tiêng nói riêng và các DTTS trên địa bàn tỉnh nói chung rất phong phú, đa dạng. Bản thân là người Khmer, em luôn mong muốn văn hóa các dân tộc trên địa bàn được giao thoa, gìn giữ và phát triển.

Nhiều năm dấn thân, đam mê với hoạt động, phong trào đội, cô Nguyễn Thị Phương Thảo đã tạo nên nhiều dấu ấn từ những sân chơi hoạt náo, sôi động, bồi đắp kiến thức văn hóa, đời sống xã hội phong phú cho học sinh DTTS vùng biên giới. Với những đóng góp không ngừng nghỉ, cô Thảo là một trong 5 thanh niên tiêu biểu tỉnh Bình Phước được Trung ương Đoàn tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2023.


  • Từ khóa
183126

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu