Thứ 5, 09/05/2024 22:31:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Theo gương Bác 09:36, 29/05/2023 GMT+7

Những phụ nữ “hay lam, hay làm”

Phương Dung
Thứ 2, 29/05/2023 | 09:36:45 2,816 lượt xem
BPO - Về khu dân cư tìm hiểu gia đình chị Nguyễn Thị Chế ở ấp 5 và chị Lương Thị Kim, dân tộc Tày ở ấp 2, cùng xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, người dân nơi đây đều tấm tắc khen ngợi các chị. Không chỉ làm kinh tế giỏi, 2 chị còn nhiệt tình tham gia công tác xã hội mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng.

NHẠY BÉN TRONG LÀM KINH TẾ

Với hơn 5 ha vườn, trước đây chỉ canh tác cây điều, những năm gần đây chị Nguyễn Thị Chế chủ động thay thế bằng những loại cây ăn trái cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn như sầu riêng, bưởi, chôm chôm. Mỗi năm chuyển đổi một phần diện tích, chị Chế vừa đảm bảo nguồn thu vừa có điều kiện chăm sóc cây trồng mới. Đến nay, vườn nhà chị Chế có 3 ha cao su, trong đó 1 ha đang cho thu hoạch, 2 ha sầu riêng, chôm chôm và bưởi cho trái bói. Về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, chị Chế cho biết phần lớn chị cập nhật kiến thức trên internet.

Chị Nguyễn Thị Chế chủ động tự học cách chăm sóc cây sầu riêng

“Tôi sử dụng điện thoại chủ yếu để học hỏi kiến thức chăm sóc cây trồng và phòng trừ các loại sâu bệnh hại trên cây. Trước tiên, tôi chọn trang web uy tín, những lão nông có kinh nghiệm rồi theo dõi họ, quá trình tìm hiểu có vấn đề gì thì nhờ họ tư vấn, giúp đỡ. Nhờ vậy, không chỉ giúp tôi chăm sóc vườn hiệu quả mà còn hỗ trợ một số hộ khắc phục diện tích bưởi bị úng nước vàng lá, góp phần hạn chế thiệt hại cho các nông hộ” - chị Chế chia sẻ.

Chúng tôi băng qua con đường đất đỏ giữa trưa nắng để vào ấp 2, xã Đồng Tiến, nhà chị Lương Thị Kim lọt thỏm giữa vườn cao su xanh mát. Một ngày của chị gần như không có nhiều thời gian cho bản thân, bởi từ khuya chị đã đi cạo mủ cao su, sáng về chăm sóc đàn gà và lo việc nhà. Ngoài ra, gia đình chị còn có 1,6 ha cây dó bầu năm thứ 3. Kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào hơn 1 ha cao su đang thu hoạch và 6 sào điều. Chị Kim cho biết: “Nếu cây trồng đạt năng suất thì mỗi năm gia đình có nguồn thu từ 70-100 triệu đồng, chủ yếu lấy công làm lời. Nhà tôi còn nuôi hơn 200 con gà thịt, mỗi năm chỉ 2 lứa, cung cấp cho các thương lái trên địa bàn”. 

Xét về kinh tế, gia đình chị Chế và chị Kim thuộc hộ khá - giàu tại khu dân cư. Hiện các con của 2 chị đã lớn, có nghề nghiệp ổn định. Với nhiều người, khi các con đã lớn có thể thảnh thơi, dành thời gian cho bản thân, thế nhưng các chị lại chọn niềm vui rất khác…

“CHO ĐI” ĐỂ THẤY MÌNH “CÓ” RẤT NHIỀU

Với vai trò Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp 5, chị Chế đã vận động thành lập Tổ hợp tác cây ăn trái của ấp với 5 thành viên. Thành viên trong tổ hướng dẫn, giúp nhau về vốn, kỹ thuật sản xuất, trồng trọt đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP. Chị còn là Chủ nhiệm mô hình Tủ quần áo từ thiện do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã thành lập từ năm 2020. Ngoài ra, chị tích cực tham gia công tác từ thiện nhân đạo, giúp đỡ phụ nữ hoàn cảnh khó khăn, như nhận đỡ đầu cháu Nguyễn Thanh Thúy có mẹ bị bệnh nặng. Đặc biệt, chị Chế đã tham gia hiến máu nhân đạo 17 lần…

Chị Lê Thị Phụng Tiên, Trưởng ban Công tác mặt trận ấp 5, xã Đồng Tiến cho biết: “Tuy việc nhà còn bộn bề, hai con đang công tác tại tỉnh Bình Dương nhưng hễ người dân trong ấp có việc cần hỗ trợ là chị Chế sắp xếp tham gia ngay. Chị luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công tác xã hội”. 

“Tôi nghĩ mỗi người đều có một cách làm cho cuộc sống vui hơn. Tôi thì lấy niềm vui của người khác để mình vui theo. Làm việc có ích cho người dân, khu dân cư, cho ấp tôi thấy mình “có” rất nhiều. Một khi thấy việc mình làm mà giúp cộng đồng tốt lên, tôi vui chứ không hề mệt”.

Chị NGUYỄN THỊ CHẾ, ấp 5, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú

Ở ấp 2, nơi chị Kim sinh sống có rất nhiều hộ dân tộc Tày, Nùng và S’tiêng. Do đời sống còn nhiều khó khăn nên phụ nữ không nhiệt tình tham gia tổ chức hội. Chị Đặng Xuân Nhạn, Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Tiến cho biết: Lúc chị Kim nhận nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, tỷ lệ hội viên tham gia tổ chức hội chỉ đạt 40%, nhưng nay đã đạt hơn 90%. 

Chị Lương Thị Kim đứng ra thành lập tổ hợp tác nuôi gà thả vườn giúp chị em địa phương phát triển kinh tế

Để có kết quả này, quan trọng nhất là bản thân chị Kim không ngại vất vả, đến từng nhà vận động phụ nữ tham gia tổ chức hội. Không chỉ thuyết phục, chị còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để thu hút hội viên. Nổi bật là chị đã cùng các thành viên Ban Chấp hành Hội LHPN xã vận động chị em tham gia các lớp tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Chị Kim còn là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của ấp, làm hồ sơ cho nhiều hộ hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất. 

Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, chị Kim đã thuyết phục các chị dân tộc S’tiêng là tín đồ đạo Tin lành tham gia Tổ phụ nữ tôn giáo giúp nhau (gồm 8 thành viên), vận động thành lập Tổ phụ nữ phân loại rác thải tại nhà (gồm 10 thành viên) và thành lập Tổ hợp tác nuôi gà thả vườn. Cũng trong 4 tháng đầu năm nay, chị đã vận động được 24 hội viên người S’tiêng tham gia tổ chức hội. 

Với lối sống giản dị, vì mọi người, đi đầu trong công tác hội và phong trào phụ nữ ở địa phương, các chị Nguyễn Thị Chế và Lương Thị Kim là những phụ nữ bình dị, mạnh mẽ vượt qua khó khăn mang lại nhiều giá trị thật cho xã hội, cộng đồng.

  • Từ khóa
169070

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu