Thứ 5, 09/05/2024 20:06:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Theo gương Bác 08:19, 16/01/2023 GMT+7

Gương sáng bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận mới

Hiền Lương
Thứ 2, 16/01/2023 | 08:19:21 863 lượt xem
BPO - Xông pha nơi chiến trận, trở về đời thường và trải qua những khó khăn, lo toan của cuộc sống, vợ chồng cựu chiến binh Trương Xuân Tiêu - Võ Thị Niệm (đều 75 tuổi), ở thôn Sơn Lợi, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng luôn đồng lòng, toàn tâm chăm lo gia đình và làm thiện nguyện.

Ông Trương Xuân Tiêu và bà Võ Thị Niệm đều sinh ra, lớn lên ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Năm 1968, ông nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Năm 1972, ông bị thương, sau đó chuyển sang lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) và làm Đại đội trưởng Đại đội 2711, Đoàn 559. Còn bà Niệm đi TNXP năm 1967 và được điều động về Tổng đội 271 TNXP đường sắt thuộc Bộ Giao thông vận tải. Tại đây, ông gặp bà, người đồng hương, nữ TNXP cùng tham gia mở đường Trường Sơn. Thế rồi ông bà yêu nhau lúc nào không biết. Năm 1975, sau giải phóng, ông bà về quê tổ chức đám cưới và chuyển ngành. Bà đi học kế toán, còn ông vào công tác trong ngành cao su. Năm 1984, bà và các con theo ông chuyển vào Bình Phước sinh sống. 

Vợ chồng ông Trương Xuân Tiêu, bà Võ Thị Niệm lưu giữ cẩn thận những tấm huân, huy chương, kỷ niệm chương

Vẫn day dứt với nỗi niềm của những người lính trở về sau chiến tranh, trực tiếp chứng kiến cảnh hy sinh của đồng đội và nhiều lần thoát chết trong gang tấc, ông bà đã tự nguyện làm nhiều việc nghĩa tình để sẻ chia mất mát, đau thương của bao gia đình liệt sĩ. Sau những năm lập nghiệp, ổn định kinh tế, vợ chồng ông Tiêu gia nhập đoàn cựu chiến binh tình nguyện tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của tỉnh. “Vợ chồng tôi tham gia tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ nhiều năm rồi. Cứ nghe nơi nào có hài cốt đồng đội mình chưa được quy tập là chúng tôi tìm đến, chỉ mong đưa được các anh về với quê hương, với gia đình, dòng tộc” - ông Tiêu chia sẻ. 

Theo ông Tiêu, nhiều năm qua, vợ chồng ông đã tham gia hàng chục đợt tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở khắp các mặt trận trên cả nước, chỉ cần có thông tin là vợ chồng ông lại lên đường. Có những hôm thời tiết thất thường, vết thương cũ đau nhức nhưng vợ chồng ông vẫn quyết tâm đeo bám hiện trường để phục vụ tìm kiếm. Bà Niệm chia sẻ: “Đồng đội ngã xuống để mình may mắn được sống đến hôm nay. Vậy nên làm được gì cho đồng đội thì mình phải làm, đến khi nào không đi được nữa mới thôi!”. 

Không chỉ tích cực tham gia công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, với tấm lòng nhân ái, nghĩa cử cao đẹp, trọn nghĩa vẹn tình, vợ chồng cựu chiến binh, cựu TNXP Trương Xuân Tiêu - Võ Thị Niệm còn tâm huyết với hoạt động tri ân liệt sĩ. Trung bình mỗi năm, ông bà dành khoảng 20-30 triệu đồng để ủng hộ xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ bếp cơm tình thương, góp kinh phí tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ. Ông bà còn tổ chức chỗ ăn, nghỉ, cơm nước và hỗ trợ tiền tàu xe cho các gia đình ở xa hoàn cảnh khó khăn đến tìm kiếm, đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương. Những việc làm nghĩa tình của ông bà được chính quyền, nhân dân địa phương đánh giá cao, thực sự là những gương sáng bộ đội Cụ Hồ, cựu TNXP trên mặt trận mới.

Anh Trương Văn Thanh ở thôn Sơn Lợi, xã Thọ Sơn cho biết: Thấy hai bác tích cực tham gia tìm kiếm đồng đội đã hy sinh, tôi xin tham gia Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh và đồng hành với hai bác nhiều năm nay. Năm 2019, tôi lấy xe ôtô của gia đình cùng hai bác đưa 2 hài cốt liệt sĩ về ngoài Bắc cho gia đình an táng. Hai bác là tấm gương để các thế hệ trẻ học tập và tự soi rọi lại mình. 

Để có tiền làm việc thiện, ngoài lương hưu, ông bà còn chăm sóc, khai thác gần 6 ha điều. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu được ông bà chỉ để một khoản chi tiêu gia đình, còn lại dành làm việc thiện. Với ông bà, lao động vừa để rèn luyện sức khỏe vừa có thu nhập. 

Với những đóng góp trong kháng chiến và trên “mặt trận mới”, ông Tiêu, bà Niệm đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, hạng Nhì; được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam tặng kỷ niệm chương, cùng nhiều bằng khen, giấy khen, chứng nhận “Tri ân liệt sĩ”, “Bảng vàng tri ân”. Đặc biệt, năm 2014, ông bà được Chủ tịch nước gửi thư khen về hoạt động tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

  • Từ khóa
159581

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu