Thứ 5, 09/05/2024 06:31:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Theo gương Bác 09:18, 18/10/2021 GMT+7

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO GƯƠNG BÁC

Nơi quy tụ sức mạnh cộng đồng

Cẩm Liên
Thứ 2, 18/10/2021 | 09:18:13 2,348 lượt xem
BPO - Năm 2021, Bình Phước có 94 già làng tiêu biểu và 367 người có uy tín. Họ là những trụ cột trong cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) của mình, cũng là nơi quy tụ “sức mạnh” cộng đồng. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, những già làng, người có uy tín chính là tuyên truyền viên tích cực giúp người dân hiểu, tin và làm theo. Họ cũng là gương sáng để đồng bào vùng sâu thi đua học tập phát triển kinh tế, điểm tựa của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 hiện nay.

Người có uy tín xã vùng biên Lộc An, huyện Lộc Ninh phối hợp cùng chính quyền và bộ đội biên phòng đi tuyên truyền phòng, chống Covid-19

Chung tay phòng, chống dịch

Mỗi ngày, cứ 5-6 giờ sáng hay 17 giờ, bên trong nhà văn hóa ấp, ông Lâm Đay, người có uy tín, Bí thư chi bộ, Trưởng ấp Ba Ven, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh lại chọn đọc những bản tin, thông báo về diễn biến và kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 bằng ngôn ngữ riêng của đồng bào Khmer. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền bằng hệ thống loa truyền thanh, pa-nô với các thông điệp phòng, chống dịch, ông Lâm Đay còn trực tiếp tham gia tổ tự quản bảo vệ khu dân cư. 5 tổ tự quản với 15 thành viên có nhiệm vụ phát hiện, bảo vệ, không cho người lạ xâm nhập vào địa bàn ấp và vận động đồng bào Khmer trong vùng “ai ở đâu, ở yên đấy” để duy trì “vùng xanh” an toàn.

Ông Lâm Đay, Người có uy tín ấp Ba Ven, xã Lộc Khánh (Lộc Ninh) đọc những bản tin, thông báo về tình hình Covid-19 cho đồng bào thiểu số trong vùng cùng nắm

Ông Lâm Đay bày tỏ: “Xác định mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19, tôi đã đi từng ngõ, gõ từng nhà dân để phát tờ rơi; tuyên truyền đồng bào trong vùng đi đâu cũng phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. Tôi cũng động viên mỗi đồng bào Khmer nơi đây là một barie ngăn chặn người và phương tiện lạ vào địa bàn ấp”.

Tại ấp Tân Phú, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, dù đời sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào Chăm ở đây luôn chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Bà Xa Ró kể: Chúng tôi luôn chấp hành nghiêm những lời ông Chàm Sa, người có uy tín trong xóm tuyên truyền như đeo khẩu trang, không tụ tập đông người ngoài cộng đồng; ở trong nhà luôn giữ vệ sinh sạch sẽ, sử dụng nước sát khuẩn hoặc xà phòng diệt khuẩn... Xóm này ai cũng tôn trọng ông Chàm Sa. Ông ấy đi họp có thông tin gì đều tuyên truyền cho đồng bào nghe nên ai cũng chấp hành. Vừa rồi diễn biến dịch Covid-19 phức tạp nhưng trong xóm tôi không có ca F0 hay trường hợp F1, F2. Mặc dù cuộc sống tại xóm Chàm chúng tôi bình yên nhưng mọi người vẫn thực hiện các biện pháp 5K của Bộ Y tế.

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, toàn hệ thống chính trị đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát và đẩy lùi dịch. Trong đó, đội ngũ già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS không chỉ nêu gương mà còn xung kích hỗ trợ lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giám sát nhân dân, tạo nên thế trận lòng dân trong phòng, chống dịch.

Ông Lý Trọng Nhân,
Trưởng ban Dân tộc tỉnh


Trước sự tín nhiệm của người dân, ông Chàm Sa, người có uy tín tiêu biểu xã Thuận Phú, chia sẻ: Là thành viên trong tổ phòng, chống Covid-19, tôi luôn ý thức phải nâng cao công tác tuyên truyền các văn bản, tình hình dịch Covid-19 cho đồng bào DTTS trong vùng. Không chỉ người già, trẻ nhỏ, mà những đồng bào đang độ tuổi lao động, tôi cũng động viên “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải bảo đảm an toàn”.

Thực hiện mục tiêu kép

Ông Điểu Khinh (SN 1950), người có uy tín ở xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng được biết đến không chỉ tích cực tuyên truyền phòng, chống dịch trong vùng DTTS mà còn là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Từ những năm 1990, với suy nghĩ “mình có bàn tay, có khối óc thì phải tự lực, tự cường”, ông đã quyết định trồng điều, cao su để phát triển kinh tế gia đình. Vừa chăm chỉ lao động vừa tìm tòi học hỏi đổi mới tiến bộ khoa học, từ năm 2012-2013, khi phần đông hộ DTTS trong vùng còn khó khăn thì ông Điểu Khinh đã có thu nhập hằng tháng từ 70-80 triệu đồng. Gia đình ông mở kinh doanh thêm xăng, dầu, xây dựng căn nhà mới khang trang, mua sắm xe hơi đi lại và tạo điều kiện cho nhiều con em đồng bào DTTS trong vùng có việc làm với thu nhập 400 ngàn đồng/người/ngày. Trong điều kiện dịch Covid-19 phức tạp, khi có chủ trương vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, ông Điểu Khinh vẫn bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch và duy trì hiệu quả vườn cao su, cà phê.

Để tuyên truyền đồng bào DTTS trong vùng tích cực tham gia phòng, chống dịch tốt hay phát triển kinh tế gia đình có hiệu quả, chính bản thân mình phải đi đầu nêu gương, không thể nói suông mà hô hào người dân làm theo được.

Ông Điểu Khinh,
người có uy tín ở xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng

“Ông Điểu Khinh là tấm gương sáng trong vùng đồng bào và ở xã Bình Sơn” - ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó chủ tịch UBND xã Bình Sơn khẳng định như vậy khi nói về ông Khinh. Ông Hoàn nêu rõ: Xã Bình Sơn chỉ có 1 già làng, người có uy tín là ông Điểu Khinh. Ông rất tích cực phối hợp chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động xã hội, là hạt nhân tiêu biểu trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cũng như sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế gia đình.

Tương tự, ông Điểu Chánh (SN 1959), người có uy tín xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập là một tình nguyện viên tiêu biểu của tổ tình nguyện lực lượng xung kích trong phòng, chống dịch Covid-19 đã có nhiều cách thức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Đến nay, hơn 400 hộ dân với gần 50% đồng bào dân tộc S’tiêng, Tày, Nùng tại thôn Bù Tam không có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, đi đầu nêu gương trong phát triển kinh tế, ông Điểu Chánh thường xuyên đổi mới, sáng tạo mô hình kinh tế để nâng cao thu nhập gia đình. Từ năm 2012, với 1 ha rẫy, ông Điểu Chánh đã cải tạo vườn điều già và trồng xen cây tiêu, kết hợp nuôi 7 con trâu đã đem về thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Từ năm 2015 đến nay, vườn tiêu trở thành cây trồng chủ lực của gia đình. Ông Điểu Chánh chuyển sang kết hợp chăn nuôi dê và đã trở thành một điển hình phát triển kinh tế hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS ở thôn Bù Tam. Không chỉ vậy, là người có uy tín trong đồng bào DTTS, đồng thời là Chi hội trưởng nông dân nên ông Điểu Chánh cũng thường xuyên liên hệ tìm giống cây, con mới để giúp người dân trong thôn phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình. Đến nay, thôn Bù Tam còn 10 hộ nghèo song đây là những hộ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội. Đời sống của đại đa số đồng bào DTTS nơi đây đã thay đổi rõ rệt và góp phần tích cực xây dựng xã Phước Minh về đích nông thôn mới vào cuối năm nay.

Ông Điểu Chánh bên bộ đồng la tự mình vận động được để duy trì giá trị văn hóa cồng chiêng của đồng bào S’tiêng

Đến nay, đội ngũ già làng, người có uy tín trên địa bàn Bình Phước đang từng ngày lớn tuổi, sức khỏe hạn chế song họ vẫn là những điểm tựa bền vững để cộng đồng đặt niềm tin, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng. Đồng thời, họ cũng là cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc chung tay giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng DTTS và phát triển đời sống văn hóa.

  • Từ khóa
131397

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu