Thứ 5, 27/06/2024 02:10:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo chí Sông Bé, báo chí Bình Phước trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam 09:24, 17/06/2024 GMT+7

6 xu hướng phát triển của báo chí hiện nay

Đại tá, Nhà báo ĐỖ PHÚ THỌ
Thứ 2, 17/06/2024 | 09:24:32 538 lượt xem
BPO - Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ và sự thay đổi trong xu hướng tiếp cận thông tin của công chúng, báo chí thế giới đang có sự chuyển động mạnh mẽ với 6 xu hướng sau đây:

Chuyển đổi số

Chuyển đổi số (CĐS) là sự tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào tất cả lĩnh vực, tận dụng công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình hoạt động, cung cấp giá trị mới cho khách hàng cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh.

Nhiều cơ quan báo chí, công ty truyền thông trên thế giới cách đây hàng chục năm đã nhận thức được tầm quan trọng của CĐS trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững của tờ báo, đã bước vào một hành trình mới trong việc áp dụng CĐS, thay đổi mô hình, cách thức hoạt động,  

Tại Việt Nam, ngày 6-4-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học - công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng “Chương trình hỗ trợ CĐS cho các cơ quan báo chí”. Nhiều cơ quan báo chí của Việt Nam nhờ CĐS đã và đang trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại, như: Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV); các báo VietnamPlus, VnExpress…  

Một số báo chí địa phương cũng đã bước đầu có sự thay đổi, như: Hà Nội mới, Sài Gòn Giải Phóng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Bình Phước… Tại Bình Phước, sau khi Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước hợp nhất, cơ quan này đã thực hiện CĐS khá nhanh.

Chuyển đổi thành cơ quan truyền thông đa phương tiện

Có nhiều cách kết hợp những yếu tố đưa tin (văn bản, hình ảnh, video, đồ họa, chương trình tương tác...) để tạo nên tác phẩm đa phương tiện hấp dẫn, mới mẻ về hình thức lẫn nội dung. Thông tin đồ họa (Infographic), tin theo dòng sự kiện (Timeline), những câu hỏi trắc nghiệm cung cấp thông tin... là những cách thức đưa tin vừa thể hiện tính tương tác cao vừa cung cấp thông tin nhiều cửa một cách linh hoạt.

Khi đa phương tiện được chú trọng ở cấp độ cao, cụ thể là âm thanh, video, đồ họa... không chỉ mang tính minh họa và bổ sung thêm thông tin cho văn bản mà bản thân chúng có tính độc lập tương đối, có thể đứng riêng thành một tác phẩm báo chí hoàn thiện thì khi đó những gói tin đa phương tiện (multimedia newspackage) xuất hiện. Gói tin tức là một hình thức thông tin có khả năng tích hợp tất cả yếu tố đa phương tiện trong đó, mỗi yếu tố đều hoàn chỉnh về nội dung và hình thức, nhưng khi kết hợp với nhau, chúng lại có khả năng bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau làm nổi bật chủ đề chung. Đề tài của gói tin tức thường xoay quanh các sự kiện lớn, có diễn biến phức tạp. Gói tin tức có dung lượng lớn và được trình bày trong một trang web theo định dạng tuyến tính hoặc phi tuyến tính.

Xu hướng phát triển báo chí di động

Hiện nay, Việt Nam được đánh giá có tỷ lệ tăng trưởng internet di động hàng đầu thế giới và đứng thứ 3 về tỷ lệ người lần đầu dùng điện thoại thông minh, sau Indonesia 86%, Ấn Độ 92% và tương đương với Brazil 82%.

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ và nhu cầu sử dụng ngày một tăng của con người như hiện nay, không chỉ trên thế giới, mà cả ở Việt Nam, việc sở hữu một hay nhiều thiết bị di động không còn là điều hiếm gặp trong cuộc sống. Điều này mở ra xu hướng phát triển mới của báo chí mà những cơ quan báo chí nào muốn bắt nhịp với thời cuộc không thể bỏ qua: xu hướng báo chí di động.

“Bắt tay” với mạng xã hội

Đối với báo chí nói chung, mạng xã hội đang giúp nối dài cánh tay, nếu biết tận dụng. Mạng xã hội có thể được sử dụng như một cách thức để báo chí thiết lập những mối quan hệ và lắng nghe ý kiến của công chúng.

Các tờ báo mạng điện tử hiện nay dường như đều thấy cần thiết phải trang bị những ứng dụng để tự động cho phép cập nhật bài báo của mình lên các mạng xã hội. Trên Facebook, Twitter, Zing Me..., số lượng các liên kết được chia sẻ liên tục thay đổi theo xu hướng tăng lên hằng ngày. Đồng nghĩa với đó là số lượt người truy cập vào tài khoản của các tờ báo cũng tăng lên.

Sử dụng “bức tường phí”

Nguồn thu đang là đề tài nóng, được nhiều cơ quan báo chí quan tâm trong thời kỳ báo in đang phải vật lộn để tồn tại, còn báo điện tử mặc dù phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn loay hoay, chưa tìm cho mình được nguồn thu ổn định. Vì vậy, thu phí độc giả không còn là điều thích, hay không thích, nó trở thành điều bắt buộc phải nghĩ đến và là xu hướng đang định hình để tồn tại.

Có 3 loại “bức tường phí”: “Bức tường phí cứng”, “bức tường phí mềm” và mô hình Freemium. Hệ thống cứng là khi người dùng chỉ có thể đọc được lượng nội dung tối thiểu trên trang web, thậm chí không thể truy cập nếu không trả tiền; hệ thống mềm thì linh hoạt hơn, kể cả không trả tiền thì người dùng vẫn có thể đọc một số nội dung nhất định - ví như các bài viết miễn phí hoặc người dùng được đọc miễn phí một lượng tác phẩm nhất định trong 1 tháng; hệ thống Freemium là sự kết hợp giữa free (miễn phí) và premium (phí trả thêm), hoạt động dựa trên nguyên lý: miễn phí các sản phẩm cơ bản để có được nhiều khách hàng, sau đó thu phí các tính năng cao cấp, tức là, nếu khách hàng muốn sử dụng phiên bản đầy đủ của sản phẩm với tất cả chức năng cũng như các ứng dụng cao cấp khác thì phải trả thêm một khoản phí để nâng cấp gói sản phẩm.

Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và “robot phóng viên”

Tại hội thảo chuyên đề “Tương lai của báo chí và trí tuệ nhân tạo” diễn ra tại Hà Nội vào chiều 13-3-2024, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực báo chí và truyền thông đã khái quát những lợi ích từ việc sử dụng AI và “robot phóng viên” trong hoạt động báo chí.

Một robot viết báo có thể sản xuất tin, bài với tốc độ chỉ trong vài giây và độ chuẩn xác cao. Robot cũng có thể có mặt tại những nơi mà phóng viên “bằng xương, bằng thịt” không thể tới được như ở lò phản ứng hạt nhân, chiến trường khốc liệt đầy bom đạn… để có thể quay phim, chụp ảnh. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, AI và “robot phóng viên” cũng có thể mang đến những rủi ro đối với hoạt động báo chí.

Theo ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, bên cạnh những mặt tích cực, AI và “robot phóng viên” cũng mang lại những rủi ro cho hoạt động báo chí, điển hình như việc tạo ra nội dung. Cụ thể, một trang thông tin chuyên về công nghệ thời gian gần đây đã âm thầm sử dụng AI để tạo ra nội dung và phát hiện 40% nội dung sai, hay AI có thể dẫn ra những câu rất thuyết phục nhưng lại hoàn toàn giả mạo. “Chúng ta không thể phủ nhận vai trò quan trọng của công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng trong thế giới thông tin hiện đại. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng đòi hỏi sự cẩn trọng và hiểu biết sâu sắc về các vấn đề nhân văn và đạo đức” - ông Minh khẳng định.

  • Từ khóa
198995

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu