Thứ 5, 27/06/2024 02:10:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo chí Sông Bé, báo chí Bình Phước trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam 09:34, 13/06/2024 GMT+7

Xôn xao tháng 6…

Sông Băng
Thứ 5, 13/06/2024 | 09:34:19 1,466 lượt xem
BPO - Mỗi năm, khi tháng 6 về, có lẽ ai từng công tác trong ngành phát thanh - truyền hình (PT-TH) cũng cảm thấy xôn xao nhớ về những kỷ niệm mà mình đã một thời trải qua…

Đoàn cán bộ, viên chức Đài PT-TH Bình Dương về nguồn, thăm lại đồi Bằng Lăng và đỉnh núi Bà Rá năm 2023

Tháng 6 về, trong tôi cũng ngập tràn cảm xúc với bao ký ức, hoài niệm dấu yêu về “ngôi nhà xưa” - Đài PT-TH Sông Bé, nơi đã khắc họa những hình ảnh yêu thương, vương vấn tận đáy tim tôi…

Chúng tôi là thế hệ đội viên khi Tổ quốc thống nhất. Miền Nam khi đó chỉ có 1 đài phát thanh và 2 đài truyền hình. Sau khi tốt nghiệp, tôi bước vào đời qua cánh cổng Đài Phát thanh tỉnh Sông Bé với bao ngỡ ngàng nhưng đầy hăm hở, nhiệt huyết được góp sức xây dựng quê hương.

Năm huyện phía Bắc tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước) vào những năm 1987-1988 còn nghèo và thiếu thốn mọi thứ. Đường sá thì đất đỏ mịt mù, nhà thưa thớt, xa thật xa mới có một cây ăng-ten “gầy nhom”, cao ngất ngưởng nhưng màn hình tivi “toàn cát”. Khi nghe tin sẽ được đầu tư Trung tâm tiếp vận PT-TH Bà Rá đặt trên đỉnh núi Bà Rá, huyện Phước Long (nay là thị xã Phước Long), tất cả như chú gấu ngủ đông thức dậy, tu chỉnh cơ ngơi, náo nức chờ ánh nắng mặt trời.

Khảo sát mở đường lên đỉnh núi Bà Rá những năm 1987-1988

Xây dựng nền móng nhà đặt máy phát sóng PT-TH trên đỉnh Bà Rá những năm 1989-1991

Có lẽ thời gian khai phá núi Bà Rá để xây dựng Trung tâm tiếp vận PT-TH Bà Rá là những ngày tháng đẹp nhất của 5 huyện phía Bắc. Người người, nhà nhà tất bật như những ngày giáp tết! Chúng tôi mỗi người mỗi việc, theo chuyên môn và năng lực, lao vào quyết tâm dốc sức xây dựng. Có người sau này được ghi công vẻ vang, có người lặng thầm không ai nhớ đến, nhưng đều chung một ý chí, quyết tâm vượt mọi khó khăn, xây dựng 5 huyện miền núi phía Bắc còn thiệt thòi nhiều thứ sẽ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội như 4 huyện, thị phía Nam Sông Bé.

Núi Bà Rá và con đường đất đỏ những năm 1990

Tôi là một trong những người ở nhóm đầu tiên với công tác khảo sát thực tế, tập kết dữ liệu, tiến hành lập quy hoạch dự án. Đồng thời cùng kiểm lâm Phước Long tìm người “hiểu núi” để hỗ trợ phát cây, vạch lối, mở đường từ chân đến đỉnh núi Bà Rá xây dựng dự án khả thi với kinh phí tiết kiệm nhất… Hơn 2 năm rong ruổi ngày đêm, lâu dần thành thân quen, từng con đường, lối nhỏ đầy bụi đỏ, nẻo rừng dốc đứng, vách đá cheo leo, không một nơi trú nắng mưa. Đôi khi những giọt nước mắt lăn nhanh theo mồ hôi vì vừa qua cơn sốt rét rừng đêm trước!

Khi hạng mục “nhà ở cán bộ kỹ thuật” tại đồi Bằng Lăng và “đường lên núi” tạm hoàn thành là lúc nhóm “người hùng Bà Rá” được hội tụ về để thường trú và cùng phối hợp với bên thi công các hạng mục công trình còn lại.

Đây là giai đoạn núi Bà Rá “thay da, đổi thịt” ngoạn mục nhất, mang đến cho Phước Long một công trình văn hóa đầy ý nghĩa, tạo điểm nhấn tuyệt vời cho núi rừng Bà Rá. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật STV (Sông Bé TV) chúng tôi khi ấy là những chàng trai rất trẻ nhưng khí chất kiên cường, ngập tràn nhiệt huyết, hừng hực lửa cống hiến, vì sự nghiệp quên mình, vì nhân dân vượt bao gian khổ, thách thức của thiên nhiên. Thậm chí không ngủ, quên ăn khi những hạng mục thi công cần sự kết nối, không thể dừng, mặc nắng gió, mưa rừng, rét như cắt thịt da…

Chúng tôi, nhóm tiên phong, cứ thế mỗi người một nhiệm vụ, cật lực cùng nhau hoàn thành tiến độ, háo hức chờ ngày được đưa tiếng nói và hình của Đảng, Nhà nước đến nhân dân với chất lượng đẹp nhất.

Ông Hồ Minh Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và ông Nguyễn Trung Hiếu, nguyên Giám đốc Đài PT-TH Bình Dương tại đồi Bằng Lăng những năm 1991-1995

3 năm đi qua thật nhanh. Ngày 18-12-1991, Bà Rá xinh tươi trở nên oai phong, rạng ngời đưa làn sóng PT-TH lần đầu tiên đến từng ngôi nhà và làng bản xa xôi của 5 huyện phía Bắc tỉnh Sông Bé.

Sau những náo nhiệt, hân hoan mừng đón... dòng người nối nhau xuống núi, về xuôi. Nhóm ban quản lý dự án chúng tôi cũng trở về đất Thủ, tiếp tục sự nghiệp đầu tư phát triển STV. Trọng trách nặng nề tại Bà Rá thuộc về đội cán bộ kỹ thuật dưới sự chỉ huy, điều hành của anh Phan Văn Thảo (hiện là Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập Đài PT-TH và Báo Bình Phước). Như những “người chiến sĩ” mới, “chơ vơ” giữa núi rừng lạnh buốt nhưng tất cả đồng tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao dẫu điều kiện sống và thiên nhiên vô cùng khó khăn, khắc nghiệt.

Những người chiến sĩ ấy ngày đêm như hành quân “cõng” ba lô gạo, nước băng rừng, leo dốc đá lên đỉnh núi để phát sóng, bất kể đường núi hiểm trở, mưa giông, sấm sét, thú rừng, rắn rết chực chờ…

Biết bao điều không thể kể hết sự vất vả tận cùng của toàn đội và đã có những tai nạn đau lòng. Chỉ biết dùng từ “rất thương, rất xót!”. Hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi ngày ấy là luôn được lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương quan tâm thăm hỏi, động viên, tiếp sức. Các chú, các anh là lãnh đạo huyện Phước Long lúc bấy giờ và bà con nơi đây cũng yêu quý vô cùng những “người hùng”. Luôn thơm thảo, chăm sóc như tình thân một nhà…

Thoắt đó, đất nước phát triển, tỉnh thành vươn xa, lĩnh vực khoa học - công nghệ, thông tin, truyền thông tiến bộ vượt bậc. 5 huyện phía Bắc tỉnh Sông Bé được chia tách, tái lập tỉnh Bình Phước. Đường, nhà đầy bụi đỏ giờ là hệ thống đường nhựa cùng cơ sở hạ tầng từ thành thị đến nông thôn đẹp như tranh. Đài PT-TH Bình Phước sau khi hình thành phát triển không ngừng, kịp sánh bước đàn anh trong thời gian vượt tốc.

Ngày tháng trân quý, yêu thương, Trung tâm tiếp vận PT-TH Bà Rá đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Nỗi buồn len lỏi trong từng ánh mắt chúng tôi. Chúng tôi đã thương yêu Bà Rá quá lâu, như là ngôi nhà của mỗi chúng tôi một thời tuổi trẻ... Những người hùng ngày đó giờ ở các vị trí lãnh đạo của đài. Có người rời đi và cũng có người xa mãi… để lại bao kỷ niệm, nhớ thương khó nguôi ngoai trong tim chúng tôi…

Những cây ăngten thu sóng TV của người dân những năm trước đây

Người dân các huyện phía Bắc tỉnh Sông Bé hồ hởi đón xem chương trình TV từ cánh sóng Bà Rá những năm 1991

Các nữ cán bộ, viên chức Đài PT-TH Sông Bé dự lễ khánh thành Trung tâm tiếp vận PT-TH Bà Rá ngày 18-12-1991

Một ngày, được tham gia lực lượng cựu đoàn viên của Đài PT-TH Bình Dương cùng Đài PT-TH Bình Phước trở về thăm Bà Rá. Dẫu biết trước nhưng khi đặt chân đến đồi Bằng Lăng và đỉnh núi Bà Rá - tim tôi chợt nhói, nghẹn khi tất cả đã không còn… như hóa mây bay!

Biết rằng, xã hội không ngừng đi lên, khoa học - công nghệ ngày càng phát triển, quê hương Bình Dương, Bình Phước từng ngày càng giàu đẹp, thật tự hào. Nhưng có những trái tim vẫn khắc khoải yêu thương quá khứ. Một thời tuổi trẻ đầy lửa, tràn nhiệt huyết, vai sát vai góp sức dựng xây và tạo nên những dấu ấn của ngành PT-TH trên vùng đất nồng nàn thắm đỏ bazan. 

Vẫn mãi hướng về, vẫn mãi nhớ về nhau. Những thế hệ lãnh đạo của tỉnh và các huyện miền núi của Sông Bé xưa; những người chú, người anh trong đội thi công giàu lòng nhân ái; những chàng trai “trụ núi” kiên trung, dũng mãnh… như thước phim sắc nét, bất tử cho một hành trình sứ mệnh vô giá!

Giờ thì chúng tôi rẽ nhiều lối đi khác nhau, nhưng mỗi khi tháng 6 về, trong lòng ai cũng thấy xôn xao… Và dù ở không gian nào, nhịp tim đều lắng lại cho chút hoài niệm về những tháng ngày dấu yêu và đầy tự hào của mỗi chúng tôi.

Anh em kỹ thuật viên Bà Rá tại đồi Bằng Lăng những năm 1994-1995

21-6 - ngày hội của ngôi nhà chung báo chí cách mạng Việt Nam. Nhớ vô cùng ký ức tuyệt vời, mãi trân quý hành trình đầu đời, vinh dự được có mặt, góp sức. Các thế hệ nối tiếp của Đài PT-TH và Báo Bình Phước ngày nay nhạy bén, tác nghiệp tinh thông cùng trang thiết bị chuyên dùng hiện đại, đẳng cấp, luôn đưa chất lượng chương trình phát sóng, tác phẩm báo chí ngày càng cao, vươn tầm, thật đáng tự hào! 

Núi Bà Rá nhìn từ đô thị Phước Long hôm nay - Ảnh: Phú Quý

Dòng đời luôn đi tới, chúng tôi vẫn dõi theo và trân quý tất cả - vì đó là hạnh phúc vô giá! Bởi, Phước Long - Bà Rá vẫn mãi là “ngôi nhà xưa” yêu quý, nơi đầu tiên rèn giũa một thế hệ thanh niên Sông Bé vào đời từng bước vững chắc, sống có lý tưởng, ước mơ và hãnh diện trưởng thành trên vùng đất mang tên Bình Phước. Có lẽ phải cảm ơn số phận đã đưa chúng tôi đến và có cùng nhau một hành trình lịch sử đẹp đến thế!.

  • Từ khóa
198787

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu