Chủ nhật, 28/04/2024 17:39:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Sách hay 14:37, 30/09/2023 GMT+7

Loại bỏ “con bò” trong bạn

Thứ 7, 30/09/2023 | 14:37:42 6,087 lượt xem

Phương Dung

BPO - Truyện ngụ ngôn “Ngày xưa có một con bò” kể về một ông giáo già muốn dạy cho học trò bài học: Làm thế nào vượt qua trở ngại để thành công? Vì muốn học trò hiểu sâu sắc bài học và nhớ lâu nên ông quyết định cùng học trò tìm đến túp lều của một gia đình 8 người nghèo nhất và xin tá túc một đêm.

Qua cuốn sách “Ngày xưa có một con bò”, tác giả Camilo Cruz đã rất thành công khi sử dụng phép ẩn dụ kể về một gia đình nghèo, cơm không đủ ăn khi 8 người chỉ dựa vào sức của một con bò để kiếm ăn qua ngày. Bước ngoặt đến khi hai thầy trò ghé thăm rồi nhân lúc đêm tối thì ra tay hại chết con bò. Những tưởng cuộc sống sẽ kết thúc khi kế sinh nhai của gia đình mất đi, nhưng 1 năm sau khi người học trò quay lại thì không thấy căn nhà lụp xụp nữa, thay vào đó là một ngôi nhà khang trang với bầu không khí gia đình ấm áp. Camilo Cruz cho rằng, chính con bò là nguyên nhân khiến gia đình họ bị mắc kẹt với những khó khăn của mình.

Khi mất con bò, họ mới hiểu rằng mình đã bị phụ thuộc quá lâu và cần tìm cách mưu sinh tốt hơn cho cả gia đình. Đọc tới đây, độc giả chợt nhận ra ai trong chúng ta cũng có ít nhất một “con bò” ỷ lại, đổ lỗi, thiếu trách nhiệm với bản thân…

Một hay những “con bò” đều thường nằm sâu trong suy nghĩ và hành động của mỗi người. Vì muốn an toàn hoặc muốn che đậy thói quen chưa tốt của bản thân, đa số thường bao biện để không phải vượt qua giới hạn mình tự đặt ra. Cũng có người phát hiện ra sự có mặt của “con bò” nhưng không dám đối diện để thay đổi vì sợ khó khăn. Và nếu như “con bò” này một lớn, thậm chí trong một người mà có rất nhiều “con bò” như vậy thì làm thế nào để họ có những thứ tốt đẹp hơn?

Tác giả khuyên mọi người khi muốn loại bỏ “con bò” bên trong mình, cần đặt ra mục tiêu và hãy kiên trì tới cùng. Nếu muốn theo đuổi ước mơ thì mỗi người cần mạnh mẽ dám làm, dám chịu trách nhiệm với chính bản thân mình. Cùng với loại bỏ những “con bò” ra khỏi bản thân thì cũng không nên nhận bất cứ “con bò” nào người ta tặng cho mình, cố gắng sửa đổi cho nhau thay vì tin vào những “con bò”.

Cuốn sách “Ngày xưa có một con bò” viết về sự thiếu nỗ lực của con người khi cần cố gắng. Để che giấu thói xấu này, họ tìm cách hợp lý hóa nó bằng cách lừa dối người khác và gạt cả bản thân. Tác giả viết: “Cũng giống như con bò, thái độ đó luôn kìm hãm con. Nếu không gạt bỏ nó đi, mãi mãi con sẽ không thể thấy được gì khác hơn ngoài những thứ con đã biết lâu nay. Con sẽ trở thành nạn nhân chung thân của những giới hạn mà con tự đặt ra trong cuộc sống của mình. Điều đó cũng giống như con tự bịt mắt mình ở vạch xuất phát và cầu nguyện cho mình thắng cuộc”.

Con bò từng là con bê, vì vậy, nếu ta tiêu diệt thói xấu từ khi còn nhỏ thì những thói hư tật xấu sẽ không theo đuổi chúng ta khi lớn lên. Để khi bị chặn mất nguồn sống duy nhất của mình, thay vì bỏ cuộc sẽ tìm mọi cách để vươn lên. “Ngày xưa có một con bò” là những lời khuyên hữu ích để cải thiện cuộc sống, nhất là khi bạn học cách bỏ đi thói quen đổ lỗi. Khi chịu trách nhiệm 100% về bản thân là bạn đã nắm được trong tay chìa khóa thành công.

“Ngày xưa có một con bò” là quyển sách gây ấn tượng mạnh với mình, đọc qua trang nào là cảm thấy bị “vả” vào mặt trang đó. Sau khi đọc xong, mình tự thấy bản thân có nhiều “con bò” và thú thật là rất xấu hổ. Vì vậy mình chọn nỗ lực và bứt phá, như ẩn ý của câu chuyện ngụ ngôn. Mình nhận sai và chịu trách nhiệm trong mọi vấn đề chứ không đổ lỗi cho bất cứ nguyên nhân khách quan nào.

Độc giả NGUYỄN VĂN VIỆT
phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài


Sách đang có tại Thư viện tỉnh, mời quý độc giả tìm đọc và giới thiệu cho mọi người cùng đọc.

Câu hỏi có thưởng tháng 9:

Bạn hãy cho biết bài học bản thân rút ra được khi đọc “Ngày xưa có một con bò”?

Chương trình sẽ nhận câu trả lời trong vòng 7 ngày, tính từ ngày đăng tải trên Báo Bình Phước. Câu trả lời đúng và hay nhất sẽ được Thư viện tỉnh tặng một phần quà sách có giá trị. Các bạn tham gia trả lời xin gửi đáp án về email: sachhaybptv@gmail.com. Hoặc gửi thư về “Chuyên mục Sách - Người bạn tốt, Phòng Văn Nghệ - Giải trí - Quốc tế, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, đường Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Nội dung email ghi rõ họ tên, địa chỉ để chuyên mục gửi quà tặng.     


  • Từ khóa
178611

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu