Chủ nhật, 28/04/2024 12:59:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Sách hay 04:48, 21/04/2023 GMT+7

HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC VIỆT NAM 21-4

Lan tỏa tình yêu sách từ làm mới cách đọc

Ngọc Huyền
Thứ 6, 21/04/2023 | 04:48:27 3,079 lượt xem
BPO - Sách là kho tàng tri thức của nhân loại. Phát triển văn hóa đọc sẽ góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Tại tỉnh Bình Phước, phong trào khuyến học, khuyến đọc, xây dựng xã hội học tập ngày càng được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện.

“Gieo” niềm đam mê đọc sách

Xuất phát từ niềm đam mê đọc sách, anh Nguyễn Trọng Nghĩa và 3 người bạn đã hợp tác mở quán cà phê Ngẫm Books & Coffee ngay khu trung tâm hành chính thị xã Chơn Thành. Chia sẻ về lý do mở quán, anh Nghĩa cho biết, khi về thăm trường cũ, nói chuyện với thầy cô giáo, các anh nhận thấy một thực tế là nguồn sách tại thư viện trường học cũng như thư viện cơ sở chưa đa dạng, chưa đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

Anh Nguyễn Trọng Nghĩa và các bạn của mình mong muốn tạo ra môi trường lý tưởng cho những người yêu sách vừa có nơi thư giãn, vừa thỏa mãn được niềm đam mê đọc sách khi mở quán cà phê Ngẫm Books & Coffee - Ảnh: Hoàng Vũ

“Mở quán cà phê này, chúng tôi mong muốn tạo ra môi trường lý tưởng cho những người yêu sách vừa có nơi thư giãn vừa thỏa niềm đam mê đọc sách. Trong không gian cà phê sách, các vị khách đến quán thấy nhiều người đọc sách, nhất là các bạn trẻ, sẽ dần dần có cảm tình với việc đọc sách và có thể chọn ngay loại sách mình cần ở quán để đọc. Đó cũng là cách những người con Chơn Thành chúng tôi đóng góp cho quê hương ở mảng phát triển văn hóa đọc” - anh Nghĩa nói.

Các cháu ở Trường mầm non Việt Anh (TX. Chơn Thành) thích thú khi xem sách tại thư viện trường - Ảnh: Hoàng Vũ

Sau khi theo khóa học về hành trình văn hóa đọc của thầy Trần Việt Quân - một diễn giả, nhà đào tạo truyền cảm hứng, chị Nguyễn Thị Dung, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường mầm non Việt Anh, phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành đã triển khai cho giáo viên và các trẻ ở trường thực hiện đọc sách mỗi ngày. Ngoài sách ở thư viện trường, cán bộ, giáo viên, nhân viên còn tham gia nhóm Zalo đọc sách. Hằng ngày, chị Dung đăng trên nhóm số lượng chương sách cần đọc của một cuốn sách nào đó. Đến cuối ngày, các thành viên sẽ đúc kết lại nội dung đọc được và viết thành bài cảm nhận gửi lên nhóm.

Chị Dung chia sẻ: “Khi thầy Trần Việt Quân mở chương trình lan tỏa văn hóa đọc, thầy mong muốn sau này trên tay các em nhỏ là những cuốn sách tinh hoa chứ không phải điện thoại; biến các kệ rượu, tủ lạnh thành các kệ sách, tủ sách. Mong muốn của tôi cũng vậy. Tôi hy vọng sẽ “truyền lửa” tinh thần đọc sách đến với người thân, bạn bè, mọi người xung quanh để cùng nhau xây dựng một cộng đồng có thói quen đọc sách”.

Gặp nhau ở điểm chung, những người đam mê đọc sách ở Chơn Thành và Hớn Quản đã kết nối để trao đổi, giới thiệu với nhau những cuốn sách hay - Ảnh: Hoàng Vũ

Khởi nguồn từ mô hình đọc sách này, chị Dung phối hợp với anh Trần Như Hiệp (biệt danh Hiệp Book) kết nối những người yêu thích đọc sách ở Chơn Thành và Hớn Quản thành một nhóm. Trong nhóm, họ tặng, trao đổi, giới thiệu với nhau những cuốn sách tâm đắc. Anh Hiệp cho biết, giá trị lớn nhất các thành viên thu nhận được chính là lan tỏa niềm đam mê đọc sách, truyền đi nguồn năng lượng sống tích cực, sẵn sàng chia sẻ với nhau những cuốn sách hay để đọc và đúc kết ra những điều tâm đắc, qua đó áp dụng vào cuộc sống. 

Là một trong những thành viên của nhóm, chị Lê Hằng ở thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản khẳng định, khi kết nối với những người bạn có cùng sở thích đọc sách, chị đã học hỏi ở họ sự nhẹ nhàng, điềm tĩnh, cách đối mặt với khó khăn, cách cân bằng cuộc sống. Điều chị thấy “được” nhất chính là “gieo” cảm hứng đọc sách cho con, bởi cha mẹ có yêu sách thì con mới yêu sách.

Các bạn trẻ tranh thủ đọc những cuốn sách hay tại không gian triển lãm hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 ở quảng trường 23-3 - Ảnh: Hoàng Vũ

Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

Thời gian qua, phong trào khuyến học, khuyến đọc, xây dựng xã hội học tập ngày càng được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Bình Phước quan tâm triển khai thực hiện. Hệ thống phục vụ đọc sách của tỉnh hiện có 1 Thư viện tỉnh và các thư viện cấp huyện, thư viện trường học; tủ sách pháp luật tại các cơ quan, đơn vị; các điểm bưu điện văn hóa xã và trên 60 cơ sở phát hành sách trong tỉnh có dịch vụ phục vụ nhu cầu đọc sách, báo miễn phí cho người dân. Ngoài ra, sự phát triển của các quán cà phê sách cũng góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

2023 là năm đầu tiên tỉnh Bình Phước tổ chức triển lãm sách hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21-4. Thế nhưng trước đó, nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai trong toàn tỉnh nhằm xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng như: các hội thi về đại sứ văn hóa đọc được hệ thống thư viện tổ chức trong phạm vi toàn tỉnh; ngày hội đọc sách theo từng chủ đề của năm học tại các trường học; các hoạt động tặng sách cho trường học ở vùng khó khăn; hội thi kể chuyện về sách mới, sách hay... đã góp phần cổ vũ phong trào đọc sách.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông
NÔNG HỒNG THỨC


Dù khoa học - công nghệ ngày càng phát triển hiện đại, các phương tiện để con người tiếp cận với tri thức của nhân loại trở nên đa dạng, phong phú hơn, nhưng giá trị to lớn của sách vẫn không hề thay đổi. Sách như một người thầy vĩ đại, truyền cho ta những kiến thức, kỹ năng, nghị lực, đạo đức, giúp phát triển bản thân, trở thành người có năng lượng sống tích cực. Sách còn là cầu nối gắn kết ta với gia đình, bạn bè, giúp cân bằng trong cuộc sống.

Một buổi gặp gỡ, trao đổi về sách của những người yêu thích đọc sách ở Chơn Thành và Hớn Quản - Ảnh: Hoàng Vũ

Có một câu nói rất hay rằng “Những người đọc sách không phải đều là những người tinh hoa, nhưng người tinh hoa chắc chắn là người đã từng đọc sách”. Hiểu rộng ra, câu nói ấy có nghĩa là những người ưu tú, tinh anh, có ảnh hưởng lớn trong xã hội đã thụ hưởng rất nhiều kiến thức tinh túy từ sách - kho tàng tri thức của nhân loại.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Huệ ở thị trấn Tân Khai, mặc dù mới chủ động đọc sách khoảng vài năm trở lại đây, nhưng chị đã thu được nhiều kiến thức bổ ích từ sách phục vụ cuộc sống, công việc, kỹ năng, giao tiếp… Nếu mỗi người chăm chỉ đọc sách, nhất là các bậc cha mẹ thì chắc chắn con mình sẽ nhận được những giá trị tốt.

Chị Lê Hằng (thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản) cho rằng, cái “được” nhất khi đọc sách chính là gieo cảm hứng đọc sách cho con, bởi cha mẹ có yêu sách thì con mới yêu sách được - Ảnh: Hoàng Vũ

Từ sau đại dịch Covid-19, nhiều người đã không còn đặt quá nặng việc ganh đua, bon chen với những mệt mỏi của tiền tài, địa vị. Họ điềm tĩnh lại, mong muốn có một cuộc sống nhẹ nhàng hơn, dành nhiều thời gian hơn để học hỏi và tìm hiểu giá trị của bản thân. Đây là cơ hội tốt để tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Khi mọi người cùng có đam mê đọc sách, chắc chắn sẽ tạo ra những thế hệ thanh niên sống tử tế, sống biết cống hiến cho xã hội.

  • Từ khóa
166011

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu