Thứ 7, 11/05/2024 21:51:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Sách hay 08:55, 26/08/2022 GMT+7

Ý chí quyết thắng của một dân tộc nhỏ bé

Phương Dung
Thứ 6, 26/08/2022 | 08:55:00 1,371 lượt xem
BPO - Năm 2020, hồi ký “Gánh gánh… gồng gồng…” của nữ đạo diễn phim tài liệu Nguyễn Thị Xuân Phượng được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng văn học dành cho văn xuôi. Từng con chữ của cuốn sách đi vào lòng bạn đọc với phong cách sống đơn giản: “Mình hết lòng yêu thương chăm sóc ai, bù lại, mình sẽ nhận được rất nhiều. Nên sống tử tế là cách sống khôn ngoan nhất”.

Mới nhìn tựa đề “Gánh gánh… gồng gồng…”, nhiều độc giả liên tưởng đến sự cam chịu của thân phận con người. Nhưng không! 300 trang sách dẫn người đọc bước vào cuộc đời thăng trầm của bà Xuân Phượng từ khi là cô gái 16 tuổi bỏ nhà đi theo cách mạng. Suốt 9 năm kháng chiến, dấu chân của người con gái Huế in khắp nẻo đường từ Vinh (tỉnh Nghệ An) đến tỉnh Thanh Hóa, rồi chiến khu Việt Bắc… Tác giả từng trải qua rất nhiều nghề như cứu thương, chế tạo thuốc nổ... với điều kiện làm việc thiếu thốn, hiểm nguy. Song là người yêu nước, không đầu hàng số phận, ở đâu Xuân Phượng cũng tìm cách vượt lên sống với lý tưởng của mình.

Cuốn sách mở ra một góc nhìn rất khác, đó là sự tự hào tinh tế của bà Xuân Phượng với cuộc đời, những nghiệt ngã của số phận ở một giai đoạn lịch sử của đất nước. Đọc hồi ký của bà Xuân Phương, độc giả như xem một bộ phim tài liệu hay và cảm động về chiến tranh Việt Nam. Có chỗ, vừa đọc vừa bật cười thành tiếng, nhưng lại có rất nhiều đoạn, nước mắt chảy ngược vào trong. Độc giả Trần Thị Thanh Hoa, phường Phước Bình, TX. Phước Long chia sẻ: “Thực sự Xuân Phượng qua cuốn hồi ký rất kiên cường. Tôi đọc mà tìm thấy được mơ ước của mình qua những trải lòng của nhân vật; phù hợp hơn là những lúc tôi cảm thấy không hài lòng với cuộc sống, không tìm được ý nghĩa cuộc đời. Là người chưa từng đi qua chiến tranh, tôi trân trọng hơn giá trị của hòa bình, khao khát thay đổi để sống ý nghĩa từng ngày”.

Chuyện đời của Xuân Phượng được kể bằng giọng văn bình tĩnh, khi nỗi đau đã được thấu hiểu. Những khó khăn chỉ là thử thách để nâng tầm con người lên khiến bạn đọc thêm yêu cuộc sống và tin vào những điều tốt đẹp. Bước qua những nghiệt ngã, câu chuyện của tác giả chính là quá trình “tôi đi tìm tôi” để học cách biết ơn, yêu thương không giới hạn. Đã là đời, sẽ luôn có người thánh thiện và kẻ chẳng ra gì. Nhưng cuối cùng ai cũng sẽ nhận ra và mang ơn những người tốt lẫn xấu đã đi ngang đời mình.

Hơn 40 năm xa cách, năm 1989 Xuân Phượng gặp lại mẹ ở Paris, Pháp. Mẹ bà hỏi, sao lúc đó bà lại chọn con đường chông gai thì “Tôi không trả lời mẹ ngay hôm ấy, nhưng cũng từ đấy nảy ra ý định phải kể lại đời mình. Tôi mong muốn gia đình thương yêu hiểu rõ thêm những gì tôi đã trải qua. Và cũng vì những người trẻ chưa hề biết đến chiến tranh, tôi quyết định viết lại đời tôi”. Đó chính là nguyên nhân người phụ nữ sinh năm 1929 viết lại cuốn hồi ký.

Là nhà cách mạng, bà Xuân Phượng viết với phong thái năng động và nhiệt huyết. Ngôn ngữ sáng rõ, dí dỏm và khơi gợi cảm xúc. Tác giả sắp xếp tư liệu khoa học, mạch lạc, thể hiện tư duy minh mẫn. Đọc sách, độc giả như được tiếp thêm năng lượng, khao khát hành động. Những tâm trạng con người trong chiến tranh, bao trăn trở khi đối diện với sự hủy diệt bạo tàn; sức mạnh tinh thần lớn lao nào khiến con người vượt qua gian nguy để chiến thắng?… Tất cả sẽ hiện lên chân thực nhất qua tiếng nói của người trong cuộc, để thế hệ hậu chiến có cái nhìn sâu sắc về lịch sử.

Cho đến tận giờ, chiến tranh đã lùi xa nhưng rất nhiều bạn bè quốc tế vẫn ngỡ ngàng, khâm phục trước kỳ tích chiến thắng của Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Tại sao một dân tộc nhỏ bé, nghèo nàn và lạc hậu lúc bấy giờ lại có thể chiến thắng vẻ vang trước 2 đối thủ mạnh bậc nhất toàn cầu? Câu trả lời có đầy đủ trong cuốn hồi ký của Xuân Phượng. Sách đang có tại Thư viện tỉnh, mời quý độc giả tìm đọc và giới thiệu cho nhiều người cùng đọc.

CÂU HỎI CÓ THƯỞNG THÁNG 8:

Cuộc đời tác giả Xuân Phượng đã trải qua những công việc gì?  

Chương trình sẽ nhận câu trả lời ngay sau ngày phát trên sóng phát thanh của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước và đăng tải trên Bình Phước online 7 ngày. Câu trả lời đúng và hay nhất sẽ được Thư viện tỉnh tặng một phần quà sách có giá trị. Các bạn tham gia trả lời xin gửi đáp án về email: sachhaybptv@gmail.comhoặc gửi thư về “Chuyên mục Sách - Người bạn tốt”, Phòng Văn nghệ - Giải trí - Quốc tế, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228 đường Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Nội dung email, thư ghi rõ họ tên, địa chỉ để chuyên mục gửi quà tặng.


  • Từ khóa
149564

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu