Thứ 7, 11/05/2024 20:47:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Sách hay 08:13, 20/07/2021 GMT+7

KỶ NIỆM 67 NĂM NGÀY KÝ HIỆP ĐỊNH GIƠ-NE-VƠ (20-7-1954 - 20-7-2021)

21 năm nối lại đôi bờ

Thứ 3, 20/07/2021 | 08:13:34 1,452 lượt xem
BPO - LTS: Nhân kỷ niệm 67 năm Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (20-7-1954 - 20-7-2021), Báo Bình Phước xin giới thiệu bài cảm nhận của ông Vũ Tiến Dương, hiện công tác tại Văn phòng UBND tỉnh về một cuốn sách hay của tác giả Nguyễn Long Trảo để chúng ta cùng hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử anh dũng hào hùng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Không phải ngẫu nhiên mà Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh phối hợp Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh xuất bản cuốn “21 năm nối lại đôi bờ” của tác giả Nguyễn Long Trảo, người trực tiếp đi tập kết ra Bắc sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, sau là cán bộ lão thành cách mạng của quê hương Đồng Tháp nói về một giai đoạn lịch sử anh dũng, hào hùng của dân tộc.

 “21 năm nối lại đôi bờ” được giới thiệu và phát hành năm 2019 nhân kỷ niệm 65 năm ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ. Sách dày 400 trang, bố cục được chia làm 4 phần chính, gồm: Phần thứ nhất “Chuyện những người đi tập kết”; phần thứ hai “Chuyện những người đi B”; phần thứ ba “Chuyện những người ở lại”; phần thứ tư “Tấm lòng của nhân dân miền Bắc”.

Phần thứ nhất “Chuyện những người đi tập kết” chiếm gần nửa cuốn sách, tác giả đã dày công ghi lại cuộc hành quân ra Bắc sau năm 1954 chi tiết, cụ thể, hiếm có người kể lại. Những ngày đầu ra Bắc, cùng với các cán bộ tập kết, tác giả được bà con quê hương Thanh Hóa thật thà, chất phác cưu mang, đùm bọc, để rồi 62 năm sau (năm 2016), có dịp thăm lại chốn xưa với bao đổi thay... Một câu chuyện nghĩa tình, cái kết có hậu giống như “Như chưa hề có cuộc chia ly” mà tác giả đã so sánh.

Nhờ khả năng ngoại ngữ, tác giả được cử đi Trung Quốc học kỹ thuật quân sự và trở thành phiên dịch cho các phái đoàn Việt Nam mỗi khi sang Trung Quốc. Như một sự tình cờ, ông cưới vợ miền Nam trên đất Bắc và là anh rể của Ca Lê Hiến, tức nhà thơ Lê Anh Xuân nổi tiếng với bài thơ bất hủ “Dáng đứng Việt Nam”. Trong cuốn sách này, những dòng nhật ký chiến trường cùng những bài thơ thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước trên đường đi B của Ca Lê Hiến cũng được chia sẻ cho bạn đọc trước lúc ông hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 tại Cần Đước, Long An.

Hòa bình lặp lại, cũng như bao gia đình miền Nam có con em ở hai chiến tuyến, tác giả cũng rơi vào hoàn cảnh éo le như vậy và chính ông đã đứng ra dàn xếp vì mối hòa hợp dân tộc, xoa dịu những nỗi mặc cảm do sai đường lầm lối. Cũng trong phần này, chúng ta được biết rõ hơn về người anh hùng lái máy bay Nguyễn Văn Bảy. Trình độ văn hóa mới lớp 3 nhưng anh đã được Bác Hồ tặng thưởng Huân chương Sao Vàng do có những chiến công vang dội khi bắn rơi 7 phi cơ Mỹ, để rồi hòa bình, phía Hoa Kỳ phải ngả mũ thán phục và mời sang tham quan du lịch vào năm 2017 để giao lưu với phi công Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Người phi công anh dũng ấy cũng mới mất cách đây chưa đầy 2 năm.

Phần thứ hai “Chuyện những người đi B”, là những dòng hồi ký được nhiều người ghi chép lại trên đường hành quân xẻ dọc Trường Sơn vào Nam với gần 3 tháng ròng rã đi bộ. Trong phần này, tác giả cũng nói nhiều về người anh trai của mình, Ba Thanh Nha - một soạn giả cải lương tài hoa của Nam bộ cùng tập kết ra Bắc. Thanh Nha sáng tác rất nhiều vở cải lương nhằm cổ vũ phong trào yêu nước như “Tiếng sấm Tây Nguyên”, “Tình riêng nghĩa cả” gây nức lòng cho phong trào đấu tranh của cả nước, được nhiều lãnh đạo cấp cao khen ngợi và còn đi lưu diễn tận Paris.

Ngoài ra, ở phần này còn có tới 6 bài viết về kỷ niệm đối với người anh trai của tác giả, trong đó có các nhà văn, nhà thơ như: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Viễn Phương… cũng nói lên tầm quan trọng và ảnh hưởng của một người con đất Nam bộ rất bình dị, gần gũi và thân thương.

Phần thứ ba “Chuyện những người ở lại”, bên cạnh những chiến sĩ tập kết và đi B, còn những người ở lại miền Nam tham gia kháng chiến mà những hy sinh, gian khổ, công lao đóng góp của họ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam là vô bờ bến, được tác giả ghi chép tỉ mỉ qua lời kể của nhiều người con “mình đồng da sắt” ấy.

Khép lại cuốn sách, phần cuối là “Tấm lòng của nhân dân miền Bắc”, nói về những hy sinh, đóng góp to lớn của nhân dân miền Bắc với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và chính những quyết tâm, lý tưởng cao đẹp đó đã làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, thu giang sơn về một mối...

 “21 năm nối lại đôi bờ” là một tác phẩm có giá trị giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Những con người thật, những câu chuyện thật, những tấm gương dũng cảm hy sinh oanh liệt mãi là niềm tự hào để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Đặc biệt, tinh thần nhân văn khép lại quá khứ để hướng tới tương lai mà thế hệ cha anh gửi gắm cho thế hệ tiếp nối sẽ là hành trang xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, tiến bộ.

Đồng Xoài, ngày 19-7-2021
Vũ Tiến Dương

  • Từ khóa
126843

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu