Thứ 5, 09/05/2024 03:57:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:42, 19/08/2020 GMT+7

Mùa dưa lưới ngọt

Đỗ Trình
Thứ 4, 19/08/2020 | 07:42:00 18,098 lượt xem
BPO - Mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp theo công nghệ cao, đến nay vườn dưa lưới của chị Nguyễn Thị Hồng Vân, khu phố 5, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành - hội viên nông dân trẻ, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những nhà màng trồng dưa được chị đầu tư bài bản, khoa học, giúp cây trồng phát triển tốt, cho thu nhập cao.
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân đóng thùng dưa lưới, chuyển bán cho các siêu thị

Năm 2017, sau khi tham quan học hỏi mô hình trồng dưa lưới ở tỉnh Bình Dương, chị Vân tiên phong trồng dưa lưới ở thị trấn Chơn Thành. Năm 2018, gia đình chị đã đầu tư 2 nhà màng, với số vốn 500 triệu đồng, trên diện tích 2 sào đất để trồng dưa lưới. Bên trong nhà màng được thiết kế lối đi, trang bị hệ thống tưới tiêu tự động và hệ thống đo nhiệt, độ ẩm. Giống dưa được chị Vân chọn trồng là dưa lưới xanh, ruột vàng, thời gian thu hoạch khoảng 70 ngày, có thể trồng 3-4 vụ/năm. Mỗi sào gia đình chị trồng 3.000 gốc dưa, mỗi dây nuôi 1 trái, khi xuất bán từ 1,3-1,6kg/trái. Hằng năm, gia đình chị Vân trồng 3 vụ dưa, mỗi vụ 1 sào thu hoạch được hơn 3,5 tấn, với giá bán cho thương lái bình quân 35.000 đồng/kg, mỗi sào thu lãi hơn 150 triệu đồng/năm. Nhờ hiệu quả, năm 2020 gia đình chị đã phát triển lên 10 nhà màng trên diện tích 1 ha đất, tạo việc làm ổn định cho 6 lao động địa phương.

Chị Vân chia sẻ: “Trồng dưa trong nhà màng có tác dụng giảm thiểu các tác động của thời tiết đối với cây trồng, ngăn sâu bọ phá hoại cây. Trồng dưa theo công nghệ này không cần dùng đất mà dùng giá thể, tức là hỗn hợp xơ dừa, vỏ lạc để thay thế đất. Cây được cung cấp dinh dưỡng bằng dung dịch thủy canh với thành phần chính là phân hữu cơ vi sinh pha với nước theo tỷ lệ nhất định để cung cấp dinh dưỡng cho cây qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Gia đình có ký hợp đồng với các công ty thu mua nên đầu ra ổn định”.

Qua theo dõi vườn dưa lưới của gia đình chị Vân, tháng 6-2020, Hội Nông dân huyện Chơn Thành phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã triển khai hội thảo đầu bờ, giới thiệu mô hình này cho hội viên nông dân ở địa phương để có hướng chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả. Theo đó, gia đình chị Vân chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật trồng dưa lưới, giúp các hộ nông dân xây dựng nhà màng đạt tiêu chuẩn và cân bằng chi phí đầu tư ban đầu. 

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chơn Thành Trần Quốc Phi cho biết: “Mô hình dưa lưới của gia đình chị Vân đang cho hiệu quả kinh tế cao. Do mô hình cần vốn đầu tư ban đầu cao, rất mong phía ngân hàng và các cấp, ngành tạo điều kiện để nông dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời, hội khuyến cáo nông dân trước khi đầu tư phải tìm hiểu kỹ về kỹ thuật, có ký kết đầu ra sản phẩm. Có thể thành lập câu lạc bộ, chi, tổ hội dưa lưới để hỗ trợ nhau trong sản xuất.

  • Từ khóa
39893

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu