Thứ 4, 08/05/2024 13:40:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:28, 19/08/2020 GMT+7

Xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững

Quang Minh
Thứ 4, 19/08/2020 | 14:28:00 696 lượt xem
BPO - Nuôi dê kết hợp trồng tiêu nọc sống từ lâu đã được nhiều nông dân trong tỉnh áp dụng rộng rãi, mang lại kinh tế ổn định. Mặc dù tiêu rớt giá và bị bệnh chết hàng loạt nhưng bù lại, nhiều hộ vẫn có thu nhập từ đàn dê. Bên cạnh những trụ tiêu trồng bằng cây sống mà phổ biến là cây keo, nhiều hộ còn trồng thêm cỏ để cung cấp nguồn thức ăn cho đàn dê.

Gia đình anh Nguyễn Thái Vũ, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh thu nhập từ đàn dê khoảng 150 triệu đồng/năm

Thu nhập cao 

Gia đình anh Nguyễn Thái Vũ ở ấp Hiệp Thành Tân, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh nuôi dê gần 20 năm nay. Cách đây vài tháng, do dịch Covid-19 bùng phát, dê không tiêu thụ được nên tổng đàn của nhà anh Vũ lên tới 150 con. Hiện số lượng giảm còn khoảng 100 con nhưng đây vẫn là đàn dê nhiều nhất xã Lộc Hiệp. Anh Vũ cho biết: “Dê rất phàm ăn. Bình quân mỗi con dê trưởng thành một ngày tiêu thụ khoảng 5-6kg thức ăn. Nếu nuôi số lượng lớn thì việc đáp ứng nhu cầu thức ăn cho đàn dê cũng không đơn giản. Mùa khô, nguồn thức ăn khan hiếm. Ngoài đi lấy lá cây keo trong vườn tiêu của gia đình, tôi đã dành hơn 4 sào đất trồng cỏ dứa cho dê ăn”. 

Việc trồng cỏ dứa cũng đơn giản vì cỏ dễ sống, khoảng 2 tháng phát triển thành bụi lớn. Sau khi cắt, nếu chăm sóc tốt thì khoảng 1,5 tháng sau cỏ sẽ thu hoạch lứa tiếp theo. để có vườn cỏ xanh tốt cho đàn dê, anh Vũ đã đầu tư hệ thống máy bơm, ống tưới hơn 10 triệu đồng để chăm sóc. Do vậy, không những gia đình anh có đủ thức ăn cho đàn dê mà còn dư cỏ bán cho hộ có nhu cầu. Nhiều năm chăn nuôi nhưng hầu như đàn dê của gia đình anh chưa bị bệnh, số lượng đàn phát triển rất nhanh. Mấy năm gần đây, gia đình anh Vũ thường có thu nhập từ đàn dê khoảng 150 triệu đồng. 

Từ hiệu quả của nuôi dê kết hợp trồng tiêu nọc sống, hiện nay, đàn dê trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 ngàn con, tương đương khoảng 5.000 hộ nuôi. Tuy nhiên, phần lớn các hộ chăn nuôi theo kiểu tự phát, một số hợp tác xã tuy đã được thành lập song chưa phát huy hiệu quả, khiến mô hình kinh tế này chưa phát huy hết tiềm năng. Hiện, trên địa bàn tỉnh, cả dê thịt và giống đều cung chưa đủ cầu. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm dê tại Bình Phước là điều rất cần thiết.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Trần Văn Phương

Giá dê trên thị trường nay đã ổn định, dê hơi giá 130 ngàn đồng/kg. Dê con trọng lượng từ 15-18kg, giá dao động từ 155-165 ngàn đồng/kg. Một con dê đực để phối giống có giá từ 13-15 triệu đồng. Dê cái sinh sản giá từ 6-7 triệu đồng/con. Với những tín hiệu khả quan từ thị trường dê hiện nay, trên địa bàn Lộc Ninh rất nhiều hộ đang có nhu cầu nuôi dê trở lại. Hộ chị Phạm Thị Thêm ở ấp Hiệp Hòa A, xã Lộc Hiệp đã đóng thêm chuồng để tăng đàn. Tổng đàn dê của gia đình chị hiện có 50 con. Chị đang tập trung vào việc tuyển chọn, phối giống, nhân đàn và bán dê con. Để có nguồn thức ăn cho dê, gia đình chị Thêm kết hợp trồng 2.000 trụ tiêu bằng cây keo. Nguồn phân dê dồi dào chị dành bón cho tiêu và keo nên tất cả đều phát triển xanh tốt, tiêu còn tăng sức đề kháng, các loại sâu bệnh gây hại cũng thuyên giảm. Vài năm trở lại đây, mỗi vụ tiêu, gia đình chị thu được hơn 4 tấn hạt khô, cao hơn mức bình quân chung của người trồng tiêu trong xã. 

Xây dựng thương hiệu sản phẩm

Tại xã Lộc Hiệp, nuôi dê kết hợp trồng tiêu ngày càng phổ biến, do vậy tổng đàn dê trên địa bàn xã ngày một tăng. Năm 2017, tại địa bàn xã có 23 hộ nuôi dê đã liên kết lại thành một tổ hợp tác nuôi dê. Tháng 8-2018, tổ hợp tác này phát triển thành Hợp tác xã chăn nuôi, kinh doanh mua, bán dê Lộc Hiệp, có đăng ký xây dựng thương hiệu Dê sạch Lộc Ninh với gần 50 hộ thành viên tham gia. 

Bà Trần Thị Ngọ ở ấp Hiệp Thành, xã Lộc Hiệp, Giám đốc hợp tác xã cho biết: “Nếu như giống dê bách thảo bụng to, thịt không chắc thì giống dê trắng, dê bo đỏ, sức đề kháng cao, mau lớn, nhiều nạc. Trong khi đó, giống dê cỏ, dê có sừng tuy nhỏ con nhưng mắn đẻ, thịt ngon và lại được các nhà hàng rất ưa chuộng. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của hợp tác xã vẫn là thiếu vốn cho thành viên vay để phát triển tăng đàn”. 

Những năm gần đây, ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, các nhà hàng, quán nhậu thịt dê và sản phẩm từ dê phát triển mạnh. Đặc biệt sau dịch tả heo châu Phi, thị trường thịt heo khan hiếm và giá cao khiến người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang ăn thịt dê. Nuôi dê kết hợp trồng tiêu đang là xu hướng của nhiều hộ dân trên địa bàn Lộc Ninh, bởi không những mang lại thu nhập ổn định mà còn giúp người dân giảm gánh nặng khi tiêu rớt giá hoặc dịch bệnh. Qua đó, người dân có thể cân đối nguồn thu để tái đầu tư sản xuất và làm giàu.                                   

  • Từ khóa
39891

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu